Dán tem đồ chơi trẻ em: Kiểm tra đâu, vi phạm đó!

Từ ngày 15-9, tất cả sản phẩm đồ chơi trẻ em đều phải dán tem hợp quy (CR) mới được phép lưu hành.

Từ ngày 15-9, tất cả sản phẩm đồ chơi trẻ em đều phải dán tem hợp quy (CR) mới được phép lưu hành. Thế nhưng, trong khi một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh lớn đều đã đưa sản phẩm dán tem vào lưu hành, nhiều nơi vẫn cố tình né việc kiểm tra bằng cách đóng cửa hàng hoặc dán tem giả.

Tại nhiều nơi, người ta vẫn thấy tràn ngập hàng không dán tem hoặc dán tem giả để đối phó.

Trước đó, theo quy định của Bộ Khoa học - công nghệ, bắt đầu từ ngày 15-4 đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc trong thực hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - cơ quan được giao phụ trách vấn đề này - đã gia hạn đến ngày 15-9.
   Chị Thúy, chủ quầy đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Mã (Hà Nội),  khoe sản phẩm đồ chơi đã được dán tem CR  - Ảnh: Minh Quang
Chị Thúy, chủ quầy đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Mã (Hà Nội), khoe sản phẩm đồ chơi đã được dán tem CR  - Ảnh: Minh Quang
Đội quản lý thị trường 3A kiểm tra hàng đồ chơi trẻ em tại một doanh nghiệp trên  đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM sáng 15-9 - Ảnh: Thanh Đạm
Đội quản lý thị trường 3A kiểm tra hàng đồ chơi trẻ em tại một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM sáng 15-9 - Ảnh: Thanh Đạm
Hàng không tem hợp chuẩn vẫn tràn ngập Ngày 15-9, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã đồng loạt kiểm tra hàng loạt điểm kinh doanh và nhập khẩu đồ chơi trẻ em trên địa bàn TP.HCM và bắt giữ hàng ngàn đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu không dán tem CR. Bà Nguyễn Thị Ngân, phó đội trưởng đội quản lý thị trường 6B (thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM), cho biết điểm kiểm tra hộ kinh doanh cá thể tại Q.6 là một cửa hàng kinh doanh đồ chơi khá lớn. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được dán tem CR. Chủ cửa hàng và một số nhân viên vẫn đang tiếp tục dán tem lên từng sản phẩm. 
Phát hiện nhiều sản phẩm đồ chơi Trung Quốc độc hại

Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Quatest 3, cho biết tính từ ngày 15-4 đến nay đã có hàng chục ngàn sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn an toàn để cấp giấy chứng nhận hợp quy. Các lô hàng không đạt chuẩn chủ yếu là xe điều khiển chạy pin, đồ chơi dùng pin, vợt tennis, xe đạp ba bánh, điện thoại di động... Theo ông Lâm, đa số các lô hàng đều không đạt chỉ tiêu cơ lý, có chứa thành phần kim loại, hóa chất độc hại như chì, crôm, sơn, chất màu... Gần như toàn bộ đều được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó tại Lạng Sơn, việc dán tem CR đối với đồ chơi trẻ em vẫn còn là khái niệm xa lạ với các chủ kinh doanh mặt hàng này. Đồ chơi trẻ em bày bán tại các chợ Tân Thanh, Đông Kinh, Kỳ Lừa (Lạng Sơn) phần lớn là hàng mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu, những hàng hóa do cư dân biên giới mang về, đưa vào các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu thường không bị kiểm tra về chất lượng.    
Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường phát hiện tại cửa hàng có trên 800 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại không dán tem CR. Ngoài ra, cửa hàng này còn vi phạm quy định bán hàng không niêm yết giá. Chủ cửa hàng giải thích không thể làm kịp thời hạn ngày 15-9 do nhà nhập khẩu đưa tem đến quá chậm. Cũng trên địa bàn Q.6, đội quản lý thị trường 5A kiểm tra tại một kho hàng trên đường Nguyễn Văn Luông, P.10 ban đầu cho thấy tại đây chứa số lượng lớn đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực. Đội 5A đã thu giữ tới 1.000 súng đồ chơi. Tương tự, đội quản lý thị trường 5B cũng bắt giữ gần 1.100 sản phẩm tại hai điểm kinh doanh trên đường Ngô Nhân Tịnh (Q.5). Các hộ kinh doanh tại đây cùng một lúc vi phạm tới ba quy định, gồm: bán hàng không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa không được dán tem CR và không có niêm yết giá. Toàn bộ hàng có xuất xứ Trung Quốc. Ông Lý Ngọc Thắng, đội trưởng đội quản lý thị trường 3A, cho biết vừa bắt giữ 500 sản phẩm chưa có kết quả kiểm định hợp quy chuẩn kỹ thuật tại 43/20 Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận. Ngoài ra, tại điểm kiểm tra số 15 Lý Thái Tổ, Q.10, đội 3A cũng thu giữ tới một xe tải đồ chơi trẻ em nhập lậu trị giá 135 triệu đồng. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, toàn bộ hàng hóa vi phạm đã bị niêm phong, bắt giữ và sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của nghị định 54 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Theo đó, với vi phạm không dán tem CR lên đồ chơi trẻ em, khung phạt từ 10-15 triệu đồng.Dán tem giả qua mặt người tiêu dùng Ghi nhận thị trường đồ chơi trẻ em ngày 15-9 cho thấy còn nhiều điểm kinh doanh, bán sỉ, bán lẻ đồ chơi trẻ em trên đường Trần Bình (Q.6), Ngô Nhân Tịnh (Q.5)... bày bán đồ chơi trẻ em chưa dán tem chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật. Chủ các cửa hàng cho biết đa số là hàng tồn. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước và cả nhập khẩu vẫn chỉ cung cấp cho tiểu thương giấy đăng ký chứng nhận hợp quy chuẩn kỹ thuật mà chưa có kết quả kiểm định. Do hàng bày bán không có tem CR, hàng hóa không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường, nên hàng loạt cửa hàng đồ chơi trẻ em đã tạm thời nghỉ bán. Chị Nguyễn Thị An, chủ một cửa hàng đồ chơi trên đường Ngô Nhân Tịnh (P.2, Q.6), cho biết do chưa có tem chứng nhận hợp quy, lo sợ bị đoàn kiểm tra bắt giữ hàng nên phải đóng cửa hàng. Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Quatest 3, cho hay các nhà nhập khẩu chỉ cung cấp cho tiểu thương giấy đăng ký chứng nhận hợp chuẩn là không đúng quy định. Ngoài ra, việc tự in tem dán lên sản phẩm (không phải sản phẩm thuộc lô hàng được chứng nhận) cũng không đúng quy định. Trong trường hợp này có thể coi như tiểu thương sử dụng tem giả. Cũng theo ông Lâm, hiện Quatest 3 chưa chứng nhận cho bất kỳ lô lồng đèn trung thu nào. Vì vậy, tem CR dán trên lồng đèn trung thu cũng là tem giả. Hiện trên thị trường đã xuất hiện tình trạng này. Một vi phạm khác, ông Lâm cung cấp, là tình trạng cơ sở kinh doanh không chứng nhận hợp chuẩn tại Quatest 3 nhưng lại dán tem CR của đơn vị này.
Hà Nội: dán tem CR bằng giấy photo


Khu vực phố Hàng Lược, Hàng Mã, Lương Văn Can được coi là trung tâm kinh doanh đồ chơi trẻ em lớn nhất của Hà Nội với cả trăm cửa hàng đồ chơi đang bung ra kinh doanh trước dịp Tết Trung thu. Hầu hết sản phẩm bày bán ở các cửa hàng đều dán tem CR của doanh nghiệp như một minh chứng cho chất lượng sản phẩm của mình bán ra.

Tại cửa hàng Tiến Đạt (22B Hàng Lược), chủ cửa hàng khẳng định 100% mặt hàng bán ra đều đã có tem CR. Bà chủ cho biết trước đây đồ chơi nào cũng bán nhưng từ khi có yêu cầu về sản phẩm phải được dán tem thì đã được các doanh nghiệp cung cấp đồ chơi dán tem.

Tuy nhiên, những chiếc tem được dán trên những bộ đồ chơi nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc bày bán tại các cửa hàng trên những phố đồ chơi này đều chỉ là những miếng giấy photo với kích thước 3x5cm, có tên doanh nghiệp nhập khẩu, vài dòng về sản phẩm và một con dấu chất lượng mờ tịt.


Khi được hỏi về độ tin cậy của những con tem này, chủ cửa hàng Tiến Đạt nói: “Doanh nghiệp họ đưa thế nào thì nhận như vậy, họ bảo sản phẩm đã dán tem thì chúng tôi bán, có vấn đề gì họ mới chịu trách nhiệm”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hùng - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, qua kiểm tra tình hình từ trước ngày 15-9 và trong ngày đầu tiên thực hiện quy định dán tem CR đối với sản phẩm đồ chơi trẻ em cho thấy các doanh nghiệp đều đã chấp hành. Tại các điểm kiểm tra có khoảng 80% số đồ chơi trẻ em đã dán tem CR và có thủ tục chứng nhận đối với sản phẩm. Tuy nhiên, ông Hùng không đảm bảo tất cả sản phẩm đã dán tem đều có thủ tục chứng nhận theo quy định.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu đồ chơi trẻ em phải thực hiện các quy trình lập hồ sơ kiểm tra chất lượng sản phẩm trình tổ chức chứng nhận Quacert. Khi Quacert kiểm tra xác nhận đảm bảo chất lượng sẽ chứng nhận cấp CR. Sau đó, doanh nghiệp tự in tem CR khi đã được chứng nhận và phải tự chịu trách nhiệm về con tem của mình.

Về việc có thể doanh nghiệp lợi dụng quy trình như trên để gắn tem hợp quy giả, ông Nguyễn Xuân Hùng khẳng định không lo ngại việc tem giả, chỉ có chất lượng sản phẩm là giả.   

Theo Bạch Hoàn - Minh Quang
Tuổi Trẻ

Đọc thêm