Sau khi có Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2010 của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Đức Trọng đã chủ động tham mưu cho Thường trực Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị.
Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau cho thu nhập cao. |
Trên tinh thần đó, cấp ủy các xã, thị trấn đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương mình tập trung tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó, tập trung vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.
Là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình cụ thể, sáng tạo, đặc biệt là phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Với sự vận động mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể, bà con nông dân các xã Bình Thạnh, Tân Hội, Ninh Gia… đã chuyển vườn cây cà phê kém hiệu quả sang trồng cà phê Robuta, Catimo cao sản; cải tạo (ghép) và trồng mới trên 230 ha, các vườn cây hiện đang phát triển ổn định, năng suất từ 4,5 tấn/ha nay tăng lên 7 - 8 tấn/ha. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 89 ha lúa kém hiệu quả để trồng rau, hoa các loại và sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện lên 556,5 ha. Ngoài ra, mặt trận, đoàn thể các xã, thị trấn đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như khoai môn, khoai lang, chanh dây… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như Kon Sơ Ha Pháo (thôn Yangly, xã N’Thol Hạ) đã chuyển đổi 0,5 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dâu tằm, khoai môn cho thu nhập khá; hộ ông K’Biểu (thôn Đoàn Kết, xã N’Thol Hạ) chuyển 0,5 ha lúa 1 vụ sang trồng dâu, hàng tháng nuôi 2 - 3 hộp tằm, trừ chi phí cho thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Tại xã Phú Hội, nhân dân đã chuyển đổi được 25 ha lúa 1 vụ sang trồng các loại rau, hoa cho giá trị kinh tế cao. Hộ ông Bùi Thanh Tùng (thôn Phú Lộc) từ một nông dân nghèo, sau khi chuyển đất lúa sang trồng rau xà lách xoong cho thu nhập bình quân 15 triệu đồng/sào/năm. Gia đình ông Ma Đức, Ya Bin (thôn P’ré) chuyển đất lúa sang trồng rau, hoa cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm. Ở xã Ninh Loan, với sự tích cực tuyên truyền vận động của các tổ chức đoàn thể, đồng thời phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đến nay bà con trong xã đã chuyển đổi được hơn 45 ha đất sản xuất kém hiệu quả trước đây sang trồng cây chanh dây, cho thu nhập trên 50 triệu đồng/sào/năm. Hội nông dân xã Tà Hine được Trung tâm Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống để chuyển đổi diện tích trồng bắp sang trồng khoai lang. Tại thôn Tơ Kirang, Hội nông dân xã đã vận động 7 hộ dân chuyển đất lúa sang trồng khoai lang đạt sản lượng đạt 7 - 8 tấn/ha, cho thu nhập hàng năm 15-20 triệu đồng/ha… Ngoài ra, từ mô hình trồng nấm mèo xuất khẩu tại khu phố 6 (thị trấn Liên Nghĩa), các ban ngành, đoàn thể địa phương đã vận động nhân dân các xã Hiệp Thạnh, Liên Hiệp… phát triển mạnh mô hình trồng nấm mèo xuất khẩu trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện Đức Trọng có khoảng 500 trại nấm, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, mang lại thu nhập ổn định từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh phát triển trồng trọt, phong trào thi đua “dân vận khéo” còn được các cấp ủy Đảng, ban ngành, đoàn thể hướng vào vận động nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Đức Trọng lên đến hàng triệu con, trong đó: đàn bò có 12.258 con, đàn trâu 5.873 con, đàn heo 49.315 con, đàn dê 803 con, đàn gia cầm 427.376 con, đàn thủy cầm 29.295 con… và nhiều loại gia súc, gia cầm khác. Toàn huyện có 64 trang trại nuôi heo siêu nạc theo hướng công nghiệp, khép kín, quy mô từ 1.000 - 2.000 con, tập trung tại các xã Liên Hiệp, Tân Hội, Phú Hội, Liên Nghĩa, N’Thol Hạ; và 32 trang trại chăn nuôi gà lấy thịt và trứng quy mô trên 10.000 con.
Có thể nói, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, trực tiếp là Ban Dân vận Huyện ủy Đức Trọng, sau 2 năm triển khai, phong trào thi đua “dân vận khéo” đã động viên và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực trong nhân dân. Qua phong trào, nhân dân đã đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua học tập và lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, phong trào thi đua “dân vận khéo” còn góp phần nâng cao công tác vận động quần chúng, từng bước đổi mới hình thức tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị xã hội. Gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “dân vận khéo” đã thu hút sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.
Lê Hữu Túc