Từ năm 2009, phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục triển khai trên tinh thần chủ động, sáng tạo; gắn kết và góp phần vào thành công thực hiện chủ đề năm 2010 của thành phố: “Tăng cường bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội”. Báo Hải Phòng giới thiệu một số mô hình dân vận khéo tiêu biểu.
|
Khánh thành nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng tặng gia đình thương binh Nguyễn Bá Cường, nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở phố Trần Khánh Dư, phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) Ảnh: Trường Giang |
Mô hình xóa nghèo cho hội viên cựu chiến binh
Đề án “xóa nghèo cho hội viên Hội Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Hải Phòng” giai đoạn 2007-2010 có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Cựu chiến binh và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, là sự gắn kết đầy tinh thần trách nhiệm giữa hai thế hệ người lính đang tại ngũ và đã xuất ngũ. Đề án được xây dựng trên định hướng xuyên suốt của một phương pháp xóa nghèo được tiến hành bài bản, từ việc xác định mục tiêu, lên kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm, khảo sát, lựa chọn đối tượng hỗ trợ, đến việc hướng dẫn gia đình cựu chiến binh phát triển kinh tế. Mô hình xóa nghèo cho hội viên Hội Cựu chiến binh Hải Phòng huy động hiệu quả, đồng bộ nhiều nguồn lực, từ cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố, các đơn vị đóng quân trên địa bàn, các doanh nghiệp... Trong 4 năm (2007-2010), đề án vận động được gần 400 lượt đơn vị tham gia, ủng hộ với tổng số tiền thu được gần 4 tỷ đồng. Từ năm 2007- 2009, đề án hỗ trợ được 467 hội viên nghèo với tổng số tiền 2.289.000.000 đồng. Năm 2010 là năm cuối cùng và tổng kết đề án, Ban chỉ đạo dự kiến và đang chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ vốn cho từ 220 đến 240 hội viên, làm 3 nhà nghĩa tình đồng đội.
Tạo niềm tin trong giải phóng mặt bằng từ mô hình “3 nhà, 4 biết”
Mô hình này bắt đầu từ phường Nam Hải, sau nhân rộng toàn quận Hải An. Theo mô hình này, “3 nhà” là Nhà nước - nhà đầu tư- nhà dân phải cùng bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất về quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Trong đó lấy quyền, lợi ích và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm mục tiêu của công tác giải phóng mặt bằng. “4 biết” là: người dân cần được biết quy hoạch; biết mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thu hồi giải phóng mặt bằng; biết chính sách bồi thường hỗ trợ; biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Trong quá trình chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, phương châm “3 nhà, 4 biết” được vận dụng sáng tạo gắn với từng dự án cụ thể. Tổ công tác giải phóng mặt bằng gồm các đồng chí có kinh nghiệm trong dân vận “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, đến với từng hộ dân, trực tiếp trao đổi, vận động tuyên truyền, thuyết phục nhân dân. Các thành viên của tổ công tác không quản thời gian, tập trung nghiên cứu chế độ chính sách thu hồi đất, áp giá bồi thường, trực tiếp dự các cuộc họp đối thoại với dân để có phương án phù hợp với từng đối tượng. Mô hình thể hiện rõ mức độ “khéo” trong gắn kết giữa sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tâm huyết của người cán bộ dân vận trong thực hiện nhiệm vụ.
Sử dụng phân bón hữu cơ sinh học công nghệ cao
Mô hình này do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kiến Thụy thực hiện. Vụ đông 2008, Hội phối hợp với Công ty Cổ phần lương thực thực phẩm Thái Dương YAMADA thử nghiệm trên 3,5 sào ngô tại xã Hữu Bằng và trên 1 ha rau màu tại xã Minh Tân. Cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, hội viên nòng cốt ứng dụng đầu tiên trên mảnh ruộng của gia đình mình. Từ kết quả thực tế, Hội Phụ nữ huyện mạnh dạn cho nhân rộng mô hình trên các xã còn lại của huyện trong vụ lúa chiêm xuân 2009. Do có phương pháp tuyên truyền hiệu quả, mô hình nhận được sự ủng hộ của nhiều xã. Vụ mùa 2009, Hội tiếp tục ứng dụng phân bón hữu cơ giàu kẽm, làm thí điểm tại 5 xã. Đến nay, mô hình này có sức lan tỏa đến 20 nghìn hộ cán bộ, hội viên, nhà nông. Mô hình thể hiện sự năng động, nhạy bén của đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ huyện, thúc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước tạo nên tập quán trong việc sản xuất và sử dụng sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe gia đình và cộng đồng.
V.A tổng hợp