Ngày 29/7/1930, Đảng bộ Thanh Hoá chính thức được thành lập tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân trên cơ sở hợp nhất 3 chi bộ: Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Chi bộ Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và Chi bộ Yên Trường (Thọ Xuân).
Thời điểm đó Đảng bộ Thanh Hóa chỉ có 14 đảng viên và 3 chi bộ (chi bộ Hàm Hạ 3 đảng viên, chi bộ Phúc Lộc 4 đảng viên và Chi bộ Yên Trường có 7 đảng viên) nhưng đến nay Đảng bộ Thanh Hóa đã có 32 đảng bộ trực thuộc, với 1.504 tổ chức cơ sở đảng và trên 220 nghìn đảng viên.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đóng góp hết sức to lớn về sức người, sức của. Chỉ tính từ đầu năm 1951, khi bộ đội ta mở chiến dịch Trung du, cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng Thanh Hóa đã huy động và vận chuyển đáp ứng tới 70% nhu cầu vật chất cần thiết cho các chiến dịch.
Về lực lượng, Thanh Hóa đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân. Đối với chiến dịch Điện Biên Phủ Thanh Hóa đã huy động dân công hỏa tuyến lên tới 178.924 người trong tổng số 262.000 người của toàn chiến dịch (chiếm gần 70%); số lương thực đóng góp là 9.000 trong tổng số 25.200 tấn của cả nước (chiếm gần 40%).
Gần 11.000 chiếc xe đạp thồ, 1.126 chiếc thuyền được toàn tỉnh huy động vận chuyển cho chiến dịch. Nhân dân Thanh Hóa đã đóng góp 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 150 tấn đậu, 450 tấn cá khô, 250.000 quả trứng, 20.000 chai nước mắm, hàng trăm tấn rau, củ quả... phục vụ chiến dịch.
Thanh Hóa còn là nơi thu nhận và cứu chữa cho hàng nghìn thương, bệnh binh của chiến dịch Điên Biên Phủ. Hàng vạn người con ưu tú, anh dũng của quê hương Thanh Hóa đã ngã xuống cũng như hy sinh một phần xương máu để làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” và góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thành phố Thanh Hoá ngày càng giàu đẹp, văn minh |
Đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa là một trong những địa phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, lần thứ nhất vào (1964 và 1965) và cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 (năm 1971 đến năm 1973), đế quốc Mỹ đã sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại, dùng máy bay chiến lược B52, tập trung rải thảm bom đạn xuống Hàm Rồng và nhiều địa phương Thanh Hóa.
Nhưng với ý chí quyết tâm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã chiến đấu kiên cường bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã huy động 250 ngàn thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên, nam nữ tham gia bộ đội và thanh niên xung phong.
Hàng vạn gia đình ở Thanh Hóa có từ 3 đến 5 người cùng hai ba thế hệ cha, con, ông cháu cùng tòng quân; với 78 tiểu đoàn bộ đội bổ sung cho các chiến trường đi đánh Mỹ. Hàng vạn tấn hàng hóa, thuốc men, đạn dược được Thanh Hóa vận chuyển chi viện cho tiền tuyến. Trong cuộc chiến này đã có 56.559 ưu tú của Thanh Hóa ngã xuống trên khắp các chiến trường miền Nam, 32.146 thương bệnh binh hy sinh một phần máu xương cho tổ quốc…
Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. |
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn có một phần lương thực hàng hoá. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng xi măng, mía đường và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Các ngành dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện; trong đó, lớn nhất là Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đến nay đã đi vào vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, năm 2019 đã ghi dấu ấn với hàng loạt con số ấn tượng như: lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, thuộc nhóm có tốc độ cao nhất cả nước. Thu ngân sách đạt 28.806 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến nay có 6 huyện, 367 xã và 917 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra; sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, tăng 27,6%, huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,6%.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trao giải cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa”. |
Với những đóng góp vô cùng to lớn đó Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý: 25 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 16 đơn vị và cá nhân là Anh hùng Lao động, 71 cá nhân là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng nghìn Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phát huy những thành tựu đạt được trong 90 năm qua, với phương châm hành động "Đoàn kết – Kỷ cương- sáng tạo – phát triển", Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.