Một ngày đầu tháng 5/2013, Xa lộ Pháp luật nhận được cuộc điện thoại cầu cứu khá đặc biệt. Nhân vật cho biết anh có 5 tiền án tiền sự, đã chấp hành xong án tù, nhưng khi trở về địa phương bị gây khó khăn không cho nhập hộ khẩu. Không có chứng minh nhân dân (CMND), gần hai năm anh đi xin việc mà nhưng không nơi nào dám nhận. Câu chuyện về nhân vật này mang màu sắc vừa bi hài, vừa cay đắng.
Bị “treo” hộ khẩu, không xin được việc, người đàn ông này đi bắt trộm chó mèo. |
37 tuổi, 19 năm cơm tù
Hẹn trên một con đường lớn, nhưng phải mất gần hai tiếng đồng hồ với hơn chục cuộc điện thoại hướng dẫn chỉ đường, bạn đọc này vẫn không thể tìm tới nơi. Cuối cùng phải có người đi đón, phóng viên mới giáp mặt anh.
Hỏi qua điện thoại: "Anh đang đứng trên đường nào?". Đáp: "Tôi không biết". Nhắc: "Anh nhìn lên những tấm biển người ta treo trước cửa nhà là biết mình đang đứng ở đường nào". Trả lời: "Tôi có biết chữ đâu mà đọc...". Mất gần 30 phút chạy lòng vòng với chỉ dẫn hết sức mù mờ: "Tôi đang đứng ở số 73, gần ngôi nhà cao màu đỏ", phóng viên mới giáp mặt anh Nguyễn Văn Minh (SN 1976).
Không cần vòng vo, giấu giếm, anh Minh thẳng thắn vào ngay chủ đề: "Tôi có 5 tiền án nên giờ rất khó khăn để làm lại cuộc đời, rất mong nhà báo giúp đỡ".
Người đàn ông cho biết, anh biết mùi cơm tù từ năm 16 tuổi, bị phạt 18 tháng tù tội trộm cắp. Ra tù hơn một năm, năm 1995 "ngựa quen đường cũ", Minh trở lại trại giam cùng tội danh trước nhưng mức án nặng hơn là bốn năm. Năm 2000, thi hành xong án, hít thở tự do vài tháng, lại tiếp tục “tái ngộ” nhà giam cùng tội danh trộm cắp và mức án bốn năm.
Năm 2003, chỉ vài tháng khi được thả, Minh lại nhập trại với tội danh mới "cố ý gây thương tích", lần này "bóc đến sáu quyển lịch".
Năm 2008 ra tù rồi nhanh chóng quay lại nghề đạo chích, tiếp tục lần thứ 5 vào trại, lần này là 3 năm. Đến tháng 6/2012, Minh được thả tự do cho đến nay. Anh ân hận: "Tôi mới 37 tuổi mà có tới 18 năm 6 tháng trong tù".
Chuyện anh tìm ra số điện thoại đường dây nóng của Xa lộ Pháp luật khá khôi hài. "Tôi có biết đọc đâu mà mua báo, mà biết đọc thì cũng chẳng có tiền mua, chỉ biết nhìn con số. Tôi lân la chỗ mấy bà bán hàng nước, xem có bao nhiêu báo cũ xin hết. Trưa ngồi ở gầm cầu, giở từng tờ báo lấy số đường dây nóng, tôi gọi để cầu cứu. Chỗ nào cũng yêu cầu tôi phải làm đơn, mà tôi có biết chữ đâu mà làm".
Được hỏi mỗi tờ báo có thể có rất nhiều số điện thoại, anh không đọc được thì biết số nào là số đường dây nóng mà gọi?.
Anh cười: "Bà bán nước đã hướng dẫn rồi, cứ xem trên bìa báo, số điện thoại đường dây nóng hoặc sẽ nằm phía trên, hoặc phía dưới của trang bìa, nên tôi cứ nhìn thấy số điện thoại nào ở trang bìa là tôi gọi hết".
Kiên nhẫn, anh đã mở 7 tờ báo, gọi đến 7 nơi, nơi thì yêu cầu làm đơn, nơi thì không nghe máy. Đến cuộc thứ 8 thì đúng vào đường dây nóng của Xa lộ Pháp luật, và anh được phóng viên trợ giúp.
Mẩu giấy nhàu nát chứng minh thân phận một con người
Anh Minh cho biết, trước khi anh vào tù, gia đình anh ở ngôi nhà trên đường Nguyễn Thần Hiến, phường 18, quận 4, TP HCM. Anh có tên trong hộ khẩu của gia đình tại địa chỉ trên.
16 tuổi đã vô trại khi anh chưa làm CMND. Rồi cứ ngắt quãng khi ở tù, khi ra ngoài, "đạo chích" chẳng cần đến giấy tờ nên Minh cũng không đến công an làm CMND. Cứ như vậy, ra tù lần thứ 5, gần 40 tuổi đầu, người đàn ông này chưa từng có mẩu giấy tùy thân.
Người đàn ông cũng chưa một mảnh tình vắt vai tâm sự: "Đi tù từ khi còn trẻ, sau đó cứ ra vài tháng lại vô, tôi đâu có thời gian quen được người con gái nào mà yêu đương".
Giấy tờ "tùy thân" đặc biệt của anh Minh. |
Năm 2012, người đàn ông gần bước sang tuổi tứ tuần lần đầu tiên ý nghĩ đến việc "giải nghệ", tìm một việc lương thiện. Anh cũng ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ, về người đàn bà của riêng mình. Nhưng ước mơ tưởng chừng bình dị của anh đã bị những sai lầm của thời tuổi trẻ ngăn cản.
Trong thời gian Minh ở tù, bố mẹ mất. Chị gái anh bán căn nhà của gia đình ở quận 4 để mua căn nhà ở huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, hộ khẩu của các anh chị em trong gia đình vẫn ở địa chỉ quận 4 vì ngôi nhà ở huyện Nhà Bè diện tích dưới 25m2, không đủ để làm sổ đỏ nên chưa thể nhập khẩu về Nhà Bè.
Ra tù, Minh trở thành kẻ "vô thừa nhận" bởi tên của anh trong hộ khẩu ở quận 4 đã bị xóa khi anh đi tù. Nay, ngôi nhà đã bán, anh không thể nhập khẩu lại vào địa chỉ trên. Cũng không thể nhập khẩu vào Nhà Bè, hóa ra “đi vướng núi, quay lại mắc sông”. Suốt hơn một năm, vòng đi vòng lại, anh vẫn thuộc thành phần "vô danh", không thể làm cho mình tấm giấy tùy thân.
Ra tù tháng 6/2012, Minh có giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù của trại giam. Cầm giấy này đến xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) để trình diện, được công an xã ghi bằng tay đằng sau giấy này: "Xác nhận Nguyễn Văn Minh, SN 1976, tạm trú tổ 1, ấp 2, xã Phước Lộc, Nhà Bè có đến công an xã Phước Lộc trình diện vào ngày 1/8/2012", ký tên, đóng dấu trưởng công an xã.
Mảnh giấy nhàu nát, ố vàng được người đàn ông gấp cẩn thận, lồng vào túi nilon, lúc nào cũng đem theo bên mình hơn một năm qua như “bùa hộ mệnh” là bằng chứng duy nhất xác nhận anh là Nguyễn Văn Minh.
Minh than thở: "Đi xin việc phụ hồ, bảo vệ, trông xe... ai cũng đòi giấy tờ tùy thân. Tôi chẳng có giấy tờ gì, đành đưa "bảo bối" của trại giam và công an xã ra, người nào cũng “sợ chạy mất dép”, chẳng ai nhận".
Có cái xe gắn máy, muốn đi chạy xe ôm nhưng anh lại không biết chữ nên cũng chẳng biết đường nào vào đường nào ra, vài lần chở đi nhầm đường bị khách mắng xối xả, đành bỏ nghề.
Hỏi hơn năm nay anh làm gì để sống, Minh thật thà: "Xin việc chỗ nào cũng bị từ chối, chẳng biết làm gì để kiếm sống nên ban ngày tôi ngủ gầm cầu, đêm chạy xe đi lòng vòng quanh các ngả đường, thấy con mèo con chó nào lang thang là bắt".
Một con mèo bán giá 30 ngàn đồng, một con chó bán giá 100 ngàn đồng, một đêm anh "kiếm" được 50 - 100 ngàn đồng.
Tuy nhiên, anh chia sẻ: "Tôi chỉ mong được nhập hộ khẩu, làm cái CMND để xin được công việc chân tay nào đó, chứ trộm chó trộm mèo lang thang, tuy không bị xử tù nhưng vẫn là ăn cắp. Người ta mà bắt được thì bị đánh đập rất là nhục nhã. Thằng tù như tôi muốn sống lương thiện...".
Theo Xa lộ pháp luật