Đang mang dân tộc bố, có được đổi sang dân tộc của mẹ?

(PLO) - Mẹ tôi dân tộc Mường, bố tôi là người Kinh. Chúng tôi sống ở quê mẹ, phần lớn là người dân tộc Mường. Nhưng khi tôi sinh ra, bố tôi khai sinh cho tôi ở quê nội, mang họ bố, dân tộc Kinh. Bây giờ tôi muốn thay đổi dân tộc của mình  theo dân tộc Mường của mẹ tôi có được không? Nếu có, tôi phải làm thủ tục gì? (Nguyễn Thanh Hà - Hòa Bình)
Hình chỉ có tính minh họa.
Hình chỉ có tính minh họa.

Trả lời:

Luật Dân sự cho phép công dân được quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau: Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong các trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau.

Như vậy, việc bạn muốn thay đổi lại dân tộc của mình theo dân tộc mẹ, hoàn toàn được pháp luật cho phép. 

Về thủ tục xác định lại dân tộc, Khoản 3, Điều 46 Luật Hộ tịch quy định: “UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.

Căn cứ vào quy định tại Điều 28 và Khoản 1, Điều 47 Luật Hộ tịch thì trình tự, thủ tục đăng ký xác định lại dân tộc được quy định cụ thể như sau:

- Người yêu cầu đăng ký xác định lại dân tộc nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc thì phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh theo quy định của pháp luật.

- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc xác định lại dân tộc là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký xác định lại dân tộc ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký, cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 3 ngày làm việc.

- Trường hợp đăng ký xác định lại dân tộc không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Đọc thêm