Đảng Nước Nga thống nhất thắng, nhưng mất 77 ghế

Theo kết quả kiểm phiếu mà Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) công bố hôm nay, Đảng nước Nga thống nhất của Thủ tướng Vladimir Putin đã giành được 50% số phiếu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ phiếu mà họ giành được năm 2007.

 Theo kết quả kiểm phiếu mà Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) công bố hôm nay, Đảng nước Nga thống nhất của Thủ tướng Vladimir Putin đã giành được 50% số phiếu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ phiếu mà họ giành được năm 2007.  

Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Poutine hôm 4/12 tại Matxcơva. Ảnh: AFP

Chiến thắng sít sao

Theo kết quả sơ bộ, Đảng Nước Nga Thống nhất (UR) cầm quyền chỉ giành được một đa số quá bán, trong khi ba chính đảng còn lại gồm Đảng Cộng sản LB Nga (RCP), Đảng Nước Nga Công bằng (SR) và Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) đều giành nhiều phiếu ủng hộ hơn so với cuộc bầu cử năm 2007. CEC xác nhận sau khi kiểm gần 99% số phiếu, UR giành được 49,54% số phiếu ủng hộ (tương đương 238 ghế, tức chỉ hơn 12 ghế so với đa số tuyệt đối),  RCP giành được 19,16% (92 ghế), SR giành 13,22% (64 ghế) và LDPR giành 11,66% (56 ghế).

Như vậy, so với cuộc bầu cử Duma Quốc gia năm 2007, UR để mất 77 ghế, RCP giành thêm 37 ghế, SR có thêm 23 ghế và LDPR giành thêm 16 ghế. Hiện tại UR nắm hai phần ba số ghế trong Hạ viện.

Có tổng cộng hơn 66 triệu trong tổng số hơn 108 triệu cử tri Nga đã đi bỏ phiếu, chiếm 60,2% (năm 2007 là 63,78 %). Theo quy định mới của Hiến pháp Nga, các chính đảng giành từ 5-7 % số phiếu ủng hộ đều có thể nhận 1-2 ghế trong Duma Quốc gia Nga khóa VI. Ba chính đảng còn lại không giành đủ 7% số phiếu bầu và quyền đại diện tại Duma Quốc gia Nga khóa mới gồm Yabloko chỉ giành được 3,3%, Đảng “Những người yêu nước Nga” có 0,97% và Đảng “Sự nghiệp Cánh hữu” là 0,59%.

Kết quả trên đồng nghĩa với việc UR không cần có thêm bất cứ sự ủng hộ nào để thành lập chính phủ. Nhưng dù UR sẽ vẫn là chính đảng cầm quyền tại Nga, nắm giữ một đa số áp đảo sít sao trong Duma Quốc gia khóa mới, song đảng này đã đánh mất đa số lập hiến và không hội đủ 2/3 số ghế theo quy định để thông qua các thay đổi hiến pháp.

Hôm qua, báo chí Nga đưa tin rằng, kết quả bỏ phiếu đạt được là nhờ một cỗ máy hành chính được tổ chức gian lận, rằng các đảng đối lập khiếu nại về hành vi gian lận trong quá trình bỏ phiếu - như trả tiền cho cử tri để đổi lấy sự ủng hộ, nhét phiếu có kết quả sẵn vào các hòm phiếu.

Nhật báo Vedomosti nhắc đến những vụ tấn công làm tê liệt các trang web của tổ chức chuyên giám sát các cuộc bầu cử Golos và các báo độc lập khác như Kommersant hay đài phát thanh Echo ở Matxcơva. Riêng Golos thông báo họ nhận được khoảng 5.300 khiếu nại. Nhiều trang web như kommersant.ru, golos.ru và đặc biệt là slon.ru cho đến sáng qua vẫn không hoạt động được. Cũng theo Vedomosti, nhiều cử tri đã không tin vào chính quyền và sẽ không thừa nhận kết quả.

Vladimir Putin tại trụ sở đảng Nước Nga thống nhất hôm 4/12. Ảnh: AFP

Phép thử cho Putin

Với Thủ tướng Vladimir Putin, kết quả bầu cử giúp ông “tiên liệu” phần nào mức độ hưởng ứng của công chúng với ông, người sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2012. Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố, kết quả bầu cử sẽ cho phép đất nước Nga “phát triển ổn định” trong thời gian tới. Trong khi đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bình luận kết quả sơ bộ phản ánh suy nghĩ thực sự của người dân Nga và là một ví dụ cụ thể về “nền dân chủ trong hành động”.

Về việc để mất 77 ghế trong Duma Quốc gia, đảng Nước Nga thống nhất rõ ràng đã không thu hút được sự chú ý của cử tri hơn so với hồi năm 2007. Theo đánh giá của nhà báo Ivan Zasursky, việc thất thế này là do UR có quá nhiều quyền lực và xuất hiện quá nhiều trên các phương tiện truyền thông, trở thành đảng của Tổng thống và Thủ tướng. Điều đó đã tạo nên sự “đối trọng” từ các phe đối lập.

Trong khi đó, người sáng lập Capital Science Connection (London), tiến sĩ Patrick Fullick thì cho rằng, không loại trừ cuộc khủng hoảng kinh tế là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của UR. Patrick Fullick cũng nói về khả năng người dân Nga có thể “cảm nhận thấy sự đình trệ trong nền chính trị Nga và cảm thấy việc thay đổi là một điều cần thiết”.

Phúc Lợi (Tổng hợp)

Đọc thêm