Đảng quang vinh của Bác Hồ vĩ đại và nhân dân Anh hùng

Mùa xuân năm 1960, vào dịp kỷ niệm Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta. Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác.
Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh: TL

Mùa xuân năm 1960, vào dịp kỷ niệm Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta. Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác.

Đảng ta có được những vinh quang như ngày nay chính là do Đảng ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, thấm nhuần sâu sắc và đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng. Trước hết là quan điểm: “Đảng có vững, cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đường Kách mệnh viết từ năm 1927 đã được thực tiễn 81 năm qua kiểm nghiệm tính đúng đắn, xác thực trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Nổi bật là những mốc son chói lọi: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ 1954, Đại thắng mùa Xuân 1975 và thành công của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Có thể nói, sự sáng tạo đặc biệt của Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là ở chỗ, khi thành lập Đảng đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước; Chánh cương, Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo trong hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930 đã đề ra đường lối chính trị đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Vấn đề này có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong điều kiện Đảng ta ra đời khi nước đã mất, dân là nô lệ, dân tộc cần có Đảng dẫn đường để cứu nước, giành lấy độc lập tự do. Lúc đầu, Đảng ta chỉ mới có một số ít đảng viên xuất thân và hoạt động ở một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, hơn 90% dân số là nông dân, tỷ lệ công nhân rất thấp trong dân số. Qua quá trình xây dựng, rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành một Đảng mác xít - lênin nít, có tổ chức chặt chẽ, thống nhất, lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công, thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới thắng lợi, tạo ra thế và lực mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp sáng tạo mới mẻ và khó khăn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một đất nước vốn là thuộc địa, một nước nông nghiệp lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá, không kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa là công cuộc “biến đổi cách mạng” lâu dài, gian khổ, khó khăn và sâu sắc nhất. Trong sự nghiệp cách mạng khó khăn, mới mẻ này đòi hỏi đảng cầm quyền phải thật trong sạch, vững mạnh, tiên phong về tư tưởng, trí tuệ, có chiến lược và quyết sách đúng đắn, vì nhân dân, có mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công. Điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong chiến đấu có tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân và những người lao động. Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm những người ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Sứ mệnh lịch sử của Đảng là lãnh đạo nhân dân làm cách mạng xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, thực dân phong kiến, xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa và tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Lê-nin: Đảng Cộng sản phải bao gồm những đại biểu ưu tú của các giai cấp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng và rèn luyện đội ngũ đảng viên, cán bộ của Đảng ta trong thực tiễn đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ, muốn Đảng mạnh, vững chắc, kiên định, trong sạch thì toàn Đảng cũng như mỗi đảng viên phải cố gắng “làm cho danh hiệu và ý nghĩa của đảng viên ngày càng cao hơn lên mãi”. Người hết sức coi trọng xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của đảng có phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tài năng để mỗi đảng viên có tốt, mạnh thì toàn đảng mới mạnh, mới tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi thời kỳ cách mạng có yêu cầu khác nhau về phẩm chất, tư cách người cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội có những yêu cầu mới, khác với thời kỳ Đảng lãnh đạo làm cách mạng giải phóng dân tộc. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những tác phẩm, bài nói, bài viết của Người về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thể hiện quan điểm lịch sử và biện chứng sâu sắc về mối quan hệ giữa nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ với yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cộng sản, thì đảng viên hoặc phấn đấu trở thành đảng viên nhất thiết phải là người có giác ngộ lý tưởng cộng sản. Bác Hồ thường nói: Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới. Một ngày nào mà miền Nam ta chưa được giải phóng, Tổ quốc ta chưa được sung sướng, yên vui thì tất cả chúng ta vẫn phải đem hết tinh thần và nghị lực phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng hoàn toàn thắng lợi. Thể hiện sự giác ngộ lý tưởng của mình, điều quan trọng là người đảng viên phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng để nâng cao quyết tâm phấn đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản, biến quyết tâm đó thành hành động thực tế trong lao động sản xuất, trong chiến đấu và trong đời sống hàng ngày. Hiện nay, cụ thể hóa lý tưởng đó là mục tiêu phấn đấu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiện nay, sau sự tan vỡ của các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô, trước những khó khăn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, có không ít đảng viên giao động về lý tưởng, hoài nghi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Hơn bao giờ hết, việc giáo dục lý tưởng và nâng cao giác ngộ lý tưởng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống, tấm gương người Cộng sản Hồ Chí Minh cho đội ngũ đảng viên, nhất là cho những đảng viên trẻ và những đối tượng sẽ kết nạp Đảng là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Cùng với giác ngộ lý tưởng, theo Bác Hồ, người đảng viên cộng sản phải lấy việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện phẩm chất làm nền tảng. Người nói rằng, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài, giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Nâng cao đạo đức cách mạng, điều cốt yếu là cán bộ, đảng viên phải tự mình rèn luyện, bởi vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong cả, đó là do lòng hăng hái và tự nguyện của mỗi người. Và đã là đảng viên, nhất là những người là cán bộ càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân, tấm gương đạo đức cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tham nhũng, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, trái với đạo đức cách mạng của người đảng viên. Cần phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc đẻ ra tham ô, lãng phí, quan liêu. Do đó, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, toàn Đảng và mỗi đảng viên phải quyết tâm và ra sức chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (lần 2) khóa VIII. Nét đặc biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất người đảng viên còn là liên hệ mật thiết với nhân dân, học tập nhân dân, làm đầy tớ và là người lãnh đạo nhân dân. Bác Hồ nhiều lần khẳng định: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, vì thế, người đảng viên phải đặt mục đích hoạt động, cống hiến của mình là vì dân. Muốn làm người lãnh đạo, muốn giáo dục và thuyết phục quần chúng, muốn hướng dẫn nhân dân làm theo đường lối chính sách của Đảng, của Nhà nước, thì trước hết cán bộ, đảng viên phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng. Từng lời nói, từng việc làm của đảng viên đều quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Nhân dân lao động, quần chúng ngoài Đảng thường nghe đảng viên nói và nhìn đảng viên làm mà xem xét tư cách, năng lực của người đảng viên. Liên hệ mật thiết với quần chúng, học hỏi quần chúng, sống cuộc sống của quần chúng, tuyệt đối chấp hành nghị quyết, đường lối của Đảng, vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là những tiêu chuẩn nhất thiết mà người đảng viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải phấn đấu đạt cho kỳ được. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó còn là yêu cầu đối với “tất cả đảng viên, cán bộ và chi bộ phải thường xuyên ôn lại, tự liên hệ và giữ cho đúng”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng vững mạnh, chúng ta còn thấy Người chỉ ra yêu cầu vai trò tiên phong của người đảng viên là phải ra sức phấn đấu, không ngừng học tập có đủ trình độ và năng lực để quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, đi đầu trong khoa học kỹ thuật. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn; không thể lãnh đạo chung chung. Lại phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng, phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân lao động có thể nắm được những hiểu biết khoa học, kỹ thuật, ra sức đào tạo thật nhiều cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cần thiết cho sản xuất phát triển...

Vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng, Trung ương Đảng đã phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng cần đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập, phát triển bền vững./.

Phạm Văn khánh

Đọc thêm