Danh ca Khánh Ly đưa người nghe về kỷ niệm cũ rêu phong

(PLO) - Khán phòng trùng xuống khi Khánh Ly chia sẻ "5 tuổi mồ côi cha, 60 tuổi mồ côi mẹ và 70 tuổi 'mồ côi' chồng.  Ước gì, giờ đây về qua 106 Hàng Bông, gõ cửa thì cha sẽ ra đón, hoặc mẹ hay bà nội đón, nhưng thôi, ở tuổi này tốt nhất là không nên mơ gì nữa."- danh ca Khánh Ly bộc bạch.

Khán giả Hà Nội  dành cho Khánh Ly sự đón chào nồng nhiệt, thân tình. Khán phòng Nhà Hát Lớn Hà Nội không còn ghế trống, mọi người cùng tới để gặp Khánh Ly nghe bà kể chuyện đời bằng âm nhạc. “Mình cứ hát đi, không ai bắt mình phải hát hay. Tôi không muốn ai nhìn thấy tôi khóc, tôi chỉ muốn mang đến cho mọi người những nụ cười. Tất cả những bài hát khi được hát bằng những cảm xúc của mình, từ trái tim của mình, từ tấm lòng mình, nên đừng ngại ngùng, hãy cứ hát lên nhất là những bài hát cho ta kỷ niệm, thời ấu thơ và thanh xuân, thanh xuân chỉ đến với chúng ta một lần và đi mãi không bao giờ trở lại..."- danh ca Khánh Ly chia sẻ.

Thỏa lòng ước nguyện được hát trên quê cha - nơi Khánh Ly yêu và coi là máu thịt. Cũng chính bởi lẽ đó mà nữ danh ca đã chọn Hà Nội là hành trình mở đầu cho Live concert "Khánh Ly 55 năm hát tình ca".

Chương trình bắt đầu bằng một hồi ức của Khánh Ly về những ngày ấu thơ trong sáng tươi đẹp nhưng rất ngắn ngủi với người cha của bà. Rồi hơn 60 năm sau, Lệ Mai -Khánh Ly  về lại chốn cũ, về nơi bắt đầu  để tạ ơn đời, tạ ơn Người.

Hơn một nửa thế kỷ hát tình ca, Khánh Ly đã tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng người yêu nhạc và trở thành một nghệ sĩ có một sự nghiệp lẫy lừng bậc nhất trong làng văn nghệ. Chính bởi vậy, Livecocert Khánh Ly 55 năm hát tình ca là một bộ phim bằng âm nhạc về cuộc đời và sự nghiệp của Khánh Ly.

Những khán giả cùng thời với Khánh Ly ngồi trong khán phòng lặng đi vì xúc động, bởi Khánh Ly đã chạm vào ký ức của họ. Những gì dồn nén bấy lâu, bỗng chốc òa vỡ theo tiếng hát ảo vọng, truyền kỳ của Khánh Ly.

Như thước phim chậm,  Khánh Ly lần lượt đưa khán giả quay trở về những ngày tháng cũ bằng sự bồng bềnh, dặt dìu của những bản tình ca lãng mạn tiền chiến.

Đó là những  “Chiều vàng”, “Con thuyền không bến”, “Bến Xuân”, “Ngày trở về...”. Nếu chương 1 là những kỷ niệm cũ mờ ảo, rêu phong mà vẫn  lấp lánh màu nhung nhớ thì chương 2 Khánh Ly -Trịnh Công Sơn lại rạng ngời gấm hoa và được khán giả trông đợi, kỳ vọng nhất. Vì Khánh Ly và Trịnh Công Sơn  đến với nhau là định mệnh. Trên con đường họ đi cùng nhau không chỉ có hoa hồng và nắng thơm, không  chỉ có những giấc mộng vàng  mà đó còn là những ngày bão bùng, giông tố, là những trắc trở, gập ghềnh đầy hiểm nguy gian khó, nhưng Khánh Ly và Trịnh Công Sơn  luôn keo sơn,  gắn bó, thủy chung cùng nhau để  trở thành huyền thoại.

Trịnh Công Sơn đã từng viết "Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em, đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền" hay bởi một mối liên hệ diệu kỳ nào đó mà ngay khi vào chương 2 của đêm nhạc thì Hà Nội mưa như trút. Trịnh Công Sơn đã cảm nhận được những xúc cảm của Khánh Ly - người tri kỷ của đời ông, người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau.

Mưa ngoài trời và mưa trong khán phòng, những cơn mưa của tràng pháo tay, mưa trong tim người đàn bà hát và mưa trong lòng khán giả. Khánh Ly đắm mình vào những cung điệu của Trịnh, bà kể lại bằng sự chứa chan, thổn thức và cả biển trời nỗi niềm ưu tư, thương nhớ. Đêm qua, tiếng hát của Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Tuổi đá buồn” được cất lên trong thánh đường nhà hát Lớn -Hà Nội. Còn đó, Khánh Ly một mình lặng lẽ đi về giáo đường . Khán phòng lặng đi vì xúc động, và ngoài trời  mưa tầm tã.

Những bản tình ca đẹp nhất của Trịnh Công Sơn được Khánh Ly dâng tặng khán giả Hà thành trong một đêm thu mưa tơi bời càng khiến cho lòng người thêm ngậm ngùi. Nhưng, cũng trong liveconcert 55 năm hát tình ca, Khánh Ly rất hạnh phúc và  toại nguyện ước mơ khi được hát chùm ca khúc Da vàng  trên sân khấu thủ đô Hà Nội.

Khán giả vỗ tay không ngớt khi những bài hát của một thời làm dậy lửa yêu thương, một thời hoa lửa đầy máu và nước mắt.

Lúc này Khánh Ly không phải là nữ danh ca 73 tuổi nữa, bà trở thành Khánh Ly của sân trường đại học những thập niên 70 của thế kỷ trước. Có chăng là thiếu vắng người nhạc sĩ thư sinh, với cặp kính trắng ôm cây đàn ghita bên cạnh mà thôi!

Nhưng, có một điều chắc chắn rằng đêm qua Trịnh Công Sơn có mặt tại Nhà hát Lớn và truyền một sức mạnh  thần kỳ cho Khánh Ly để người  bạn ấy chuyên chở  những đứa con tinh thần của ông tới bến bờ của niềm tin bất diệt.

Dứt chương  2 với những bản tình ca đẹp hơn hoa gấm của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly lại mang tới  một miền cảm xúc hoàn toàn mới lạ cho những người yêu tiếng hát liêu trai của bà. Đời viễn xứ, đó là những ngày tháng xa quê hương  với những hy vọng và cả sự bế tắc, với những hạnh phúc cùng nỗi tuyệt vọng, những niềm vui và nỗi buồn , cả sự khắc khoải và nỗi nhớ thương bào mòn con tim, khối óc của Khánh Ly cùng rất nhiều những người bạn nghệ sĩ của bà.

Bởi thế, bà đã chọn hát những tác phẩm có nhiều kỷ niệm với bà và các nhạc sĩ mà bà trân quý, đó là Anh Bằng, Từ  Công Phụng, Lam Phương ,Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên. Khán giả thực sự ngỡ ngàng khi Khánh Ly hát nhạc tình, bà đã diễn tả đến tột cùng những sắc màu  của tình yêu với lối hát đầy sự mê hoặc.

Khán giả hiểu được nỗi lòng của Khánh Ly, của một người đã ở tuổi 73 với tháng ngày hằn vết đời mình. Một chương trình không quá cầu kỳ hoành tráng về  mặt dàn dựng sân khấu, một nghệ sĩ ở tuổi ngoại thất thập mà năng lượng dồi dào tràn trề hát rền vang hơn 20 ca khúc, không những thế bà còn  kể chuyện thật tài tình và có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Điều đó cho thấy, sự nghiệp 55 năm ca hát của Khánh Ly là một bức tranh đa sắc, là bản giao hưởng được viết cho cả một đời người với những rộng dài của tháng năm cùng những thăng trầm, biến cố, nụ cười và nước mắt, gai góc và gấm hoa.

Khánh Ly hát gần như suốt 3 giờ đồng hồ liên tục, bộ phim ca nhạc mà bà là nhân vật chính  ngày càng hấp dẫn, lôi cuốn. Đoạn cuối cùng của phim cũng là chương số 4 "Khánh Ly -quê hương Việt Nam".

Nếu như cả 3 chương  trước Khánh Ly diễn xuất bằng tiếng hát và lối kể chuyện hấp dẫn thì tới phần cuối cảm xúc dồn ứ nghẹn ngào. Thậm chí, Khánh Ly đã nấc lên, có đôi chỗ bà lặng đi không thốt thành lời. Bà còn quên một, hai câu hát bởi quá xúc động.

Một không gian ấm áp đầy ân tình mà người đàn bà hát dành cho khán giả ái mộ, đó mới thực chất là Khánh Ly: mộc mạc, giản dị, chân tình mà vẫn đầy uy lực. Chỉ có một người bạn trẻ đồng hành  được  Khánh Ly tin tưởng tuyệt đối, đó là ca sĩ Quang Thành, anh cũng chính là người biên tập âm nhạc và cùng Khánh Ly lên ý tưởng kịch bản cho chương trình này. Xuất hiện không nhiều trong đêm nhạc, nhưng Quang Thành đã hỗ trợ và tạo ấn tượng với khán./.

Đọc thêm