Đánh giá năng lực trong ngành Hải quan: Phục vụ hiệu quả việc bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ

(PLVN) - Kết quả đánh giá năng lực nhận được sự đánh giá rất cao của đội ngũ lãnh đạo Hải quan các cấp và các công chức tham gia do có tính ứng dụng cao trong công tác cán bộ như phục vụ bố trí, phân công công việc, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Công chức Hải quan tham gia đánh giá năng lực năm 2023. (Ảnh: Q.Hùng)

Đánh giá hơn 10.300 lượt công chức

Tổng cục Hải quan mới đây đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đánh giá năng lực trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới.

Theo báo cáo, Tổng cục Hải quan đã triển khai đánh giá năng lực (ĐGNL) kể từ năm 2018 và 2019, trên quy mô toàn quốc đối với gần 5.000 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo công tác tại 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính gồm: giám sát quản lý, thuế xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm định từ cấp Tổng cục đến cấp Chi cục.

Năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng việc ĐGNL sang đối tượng lãnh đạo cấp Đội thuộc Chi cục và tương đương công tác tại 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính, nâng tổng số lượt công chức đã được ĐGNL qua 2 kỳ ĐGNL là hơn 10.300 lượt công chức. Qua gần 6 năm, hệ thống ĐGNL của Tổng cục Hải quan đã được lãnh đạo các cấp trong ngành Hải quan và đa số công chức công tác trong các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ của ngành đánh giá cao, đề nghị tiếp tục phát huy trong những giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh, ĐGNL là công tác thường xuyên, liên tục giúp cho lãnh đạo các cấp bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm, đồng thời nắm bắt những tồn tại, hạn chế phục vụ cho công tác đào tạo. “Mục tiêu triển khai ĐGNL trong thời gian tới, tạo ra “sân chơi” cho cán bộ, công chức mà không cảm thấy áp lực qua việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ được cụ thể hóa bằng các nội dung, tình huống xử lý”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Gợi ý phần thảo luận tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Đinh Ngọc Thắng yêu cầu các vụ, cục, các cục hải quan tỉnh, TP tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn. Cụ thể là, tổ chức ĐGNL (đối tượng ĐGNL, cách thức tổ chức, tần suất tổ chức ĐGNL); phương pháp (căn cứ, nội dung, hình thức, cấu trúc bài ĐGNL, cấp độ khó...); bộ đề (phương pháp xây dựng câu hỏi, nội dung bộ đề, cách thức triển khai xây dựng bộ đề); phần mềm (tạo câu hỏi nguyên tắc, chính thức và luyện tập); sử dụng kết quả ĐGNL trong công tác tổ chức cán bộ.

Cần thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm

Liên quan đến đối tượng ĐGNL, các cục hải quan địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Tĩnh... đề xuất phương án miễn ĐGNL đối với công chức còn 2 năm công tác trước khi nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Một số đơn vị đề xuất phương án giao lãnh đạo đơn vị sẽ lựa chọn cán bộ, công chức tham gia ĐGNL.

Liên quan đến cấu trúc bài ĐGNL, xây dựng bộ đề ĐGNL, một số đơn vị đề xuất giảm những câu hỏi chi tiết mà đưa ra nhiều tình huống đối với ĐGNL cấp lãnh đạo hay đưa ra đáp án mang tính gợi ý cho cán bộ, công chức mà không đưa ra nhiều đáp án...

Hội nghị cũng thống nhất quan điểm, ĐGNL cần thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm nhằm bảo đảm công chức thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng quy định. Việc ĐGNL phải gắn liền với công tác tổ chức cán bộ và kết quả ĐGNL được sử dụng trực tiếp trong các hoạt động của công tác tổ chức cán bộ...

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống ĐGNL công chức cả về phương pháp, bộ đề và phần mềm ĐGNL, bảo đảm đánh giá chính xác, sát với thực tiễn của ngành, làm cơ sở cho việc tiếp tục triển khai ĐGNL công chức chuyên môn nghiệp vụ trong toàn ngành. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng công chức, nâng cao năng lực đội ngũ công chức Hải quan, giúp đạt các mục tiêu đã đề ra, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của Nhà nước và xã hội đối với ngành Hải quan.

Đọc thêm