Qua nhiều phiên xử, cuối cùng, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can. Kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật khiến người dân bức xúc.
Mới đây, ông Nguyễn Son (SN 1937, ngụ thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, thương binh 2/4, bị mù hai mắt, con bà mẹ VN anh hùng) phải lặn lội từ tỉnh Ninh Thuận vào TPHCM tìm đến nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung ương để kêu oan. Nhà ông Son kế nhà ông Đặng Em (SN 1960). Trước đây, ông Đặng Em mua vé số của anh Nguyễn Quý (con ông Son) nhưng quỵt tiền, anh Quý kiện ra UBND xã, ông Em mới trả tiền. Năm 2003, ông Em bị kiểm lâm bắt vì phá rừng, nghi ngờ ông Son báo kiểm lâm nên ông Em dùng nhiều cách trả thù bần tiện, như đổ rác, phân bò qua nhà ông Son.
|
Ông Nguyễn Son, thương binh 2/4, bị mù hai mắt đến các cơ quan bảo vệ pháp luật để kêu oan. (Ảnh: Tân Tiến) |
Cha và con dâu cùng bị đánh trọng thương Đỉnh điểm của mâu thuẫn trên xảy ra lúc 20 giờ ngày 22-6-2007, ông Em nghe tiếng gà kêu ngoài vườn, lấy cớ anh Quý trộm gà, ông Em cùng hai con, là Thoa và Thao, sang nhà ông Son đánh anh Quý. Ông Son đang ở dưới bếp, nghe tiếng chửi bới nên lần mò tìm đường đi lên nhà trước. Thấy ông Son, ông Em hét to: “Tao đánh cho mày chết, tao ở tù”, rồi lao vào đánh đập. Chị Đinh Thị Phường (SN 1973, con dâu ông Son, vừa sinh con được vài tháng) từ trong buồng chạy ra can cũng bị ông Em đánh gây thương tích. Sau khi nhận tin báo của người dân, Cảnh sát 113 bắt ông Em đưa về trụ sở công an xã. Tại đây, ông Em thừa nhận hành vi đánh ông Son và chị Phường. Thế nhưng chỉ một ngày sau, ông Em được... thả về trong lúc ông Son và chị Phường vẫn còn đang nằm cấp cứu tại bệnh viện. Ngày 10-7-2007, Phòng Giám định pháp y tỉnh Ninh Thuận kết luận ông Son bị tổn hại sức khỏe 4% vĩnh viễn, chị Phường 23%. Không đồng ý kết quả trên, ông Son khiếu nại yêu cầu giám định lại. Ngày 5-9-2007, Viện Pháp y quốc gia (bộ phận thường trực phía Nam) có kết quả giám định tỉ lệ thương tật vĩnh viễn của ông Son sau khi bị ông Đặng Em đánh là 45%. Dựa vào cơ sở này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Phước khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đặng Em về tội cố ý gây thương tích. Ngày 26-5-2008, TAND huyện Ninh Phước tuyên phạt bị cáo Đặng Em 5 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Đổi trắng thay đen? Ông Đặng Em kháng cáo, ngày 1-8-2009, TAND tỉnh Ninh Thuận xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Ngày 27-5-2009, TAND huyện Ninh Phước xử sơ thẩm lần 2, tuyên bị cáo Đặng Em... không phạm tội cố ý gây thương tích. Quá bức xúc, ông Son đã uống thuốc trừ sâu tại tòa nhằm kêu oan. Ngày 26-1-2010, TAND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục xử phúc thẩm lần 2 lại tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Ngày 12-3-2010, VKSND huyện Ninh Phước trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện để điều tra lại nhưng đến ngày 12-11-2010, Cơ quan CSĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Đặng Em về tội cố ý gây thương tích với lý do “không đủ cơ sở kết luận bị can Đặng Em gây thương tích cho ông Son và chị Phường vào tối 22-6-2007”. Ngày 2-12-2010, trả lời khiếu nại của ông Son, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Phước khẳng định giữ nguyên quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Đặng Em. Ông Nguyễn Son bức xúc: “Sau nhiều phiên tòa xử đi xử lại, cuối cùng tuyên ông Đặng Em vô tội, công lý ở đâu? Từ khi tòa tuyên ông Em không phạm tội, gia đình tôi phải vào núi dựng chòi trú ngụ vì sợ trả thù, thỉnh thoảng mới dám về nhà quét dọn, thắp hương thờ cúng”.
Đủ cơ sở buộc tội
Theo ông Trịnh Xuân Chương (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Thuận), diễn biến vụ án cho thấy đủ cơ sở buộc ông Đặng Em tội cố ý gây thương tích. Các chứng cứ ghi trong bản án: Ông Đặng Em dùng cây đánh nhiều cái vào đầu ông Son và kết quả giám định của Viện Pháp y quốc gia: Máu tụ dưới màn cứng mãn tính bán cầu phải do chấn thương. Bên cạnh đó, ông Đặng Em còn khai nhận lúc xảy ra vụ việc đánh nhau chỉ có ông Đặng Em cùng hai con là Thoa và Thao; phía gia đình ông Son có anh Quý và chị Phường. Ngoài ra, còn một số chứng cứ khác như cây gỗ tròn có dính nhiều vết máu do công an lập biên bản thu giữ tại cây trứng cá sát nhà ông Đặng Em vào lúc 23 giờ ngày 22-6-2007... Một vấn đề nữa, nếu ông Đặng Em không đánh chị Phường và ông Son đến trọng thương thì ai là người gây nên thương tích cho họ? |
Theo Yến Thanh
Người Lao Động