Trải lòng này của Đức Pháp chủ khi ngài tròn 100 tuổi. Hành trình một đời người, một đời tu của một chân nhân đã chạm vào trái tim bao người sự kính ngưỡng, càng kính ngưỡng hơn khi ngài xem nhẹ mọi hư danh tạm gọi nơi đối đãi cuộc đời.
Bậc vô tác chân nhân
Thượng tọa Thích Viên Trí, Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN, Phó Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM bày tỏ: “Trong thâm cảm của người học Phật, tôi xem Đức Pháp chủ đệ tam là ‘Bậc vô tác chân nhân’, một nhân cách thật sự đặc biệt của Phật giáo Việt Nam”.
Lý giải về phát ngôn trên, thầy Viên Trí cho rằng, xã hội hiện nay, bao gồm cả cộng đồng Phật giáo đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng vật chất, thực dụng thì đời sống vô nhiễm, vô cầu của ngài chính là bài pháp không lời có khả năng tạo ra niềm tin cho những ai chưa có niềm tin Phật, đồng thời củng cố niềm tin cho những ai đang quy ngưỡng Phật - Pháp - Tăng (Tam bảo).
Nói về lời thống thiết của Đức Đệ tam Pháp chủ: “Tôi tự thấy mình chưa có công đức gì nhiều đối với Giáo hội, được Giáo hội ủy thác lên ngôi Pháp chủ… xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện” - khiến Thượng tọa Viên Trí nhớ lại cuộc phỏng vấn của Thời báo Ấn Độ (Times of India) với diễn viên Amitabhachan, một huyền thoại sống của điện ảnh Ấn Độ vào thập niên 80 của thế kỷ trước.
““Đạo Phật đã đóng góp gì cho dân tộc Ấn Độ” là một trong những câu hỏi ký giả thời báo này dành cho tài tử Amitabhachan. Huyền thoại này đã trả lời rằng “Phật giáo đóng góp cho Ấn Độ và nhân loại con số Không”. Lời phát biểu này đã tạo ra nhiều cách đón nhận: thích thú, ngạc nhiên, không đồng tình… Thử tưởng tượng nếu Triết học Tánh không của Phật giáo không đóng góp cho nền triết học nhân loại con số “Không” thì không biết thế giới ngày nay đã có thể phát triển đến đâu! Ý nghĩa và tầm quan trọng của con số “Không” này thật sự là không thể nghĩ bàn. Nhìn chung, mọi sự việc trong cuộc đời này đều có sự liên hệ đến con số “Không”” – Thượng tọa Viên Trí kể.
Theo vị Thượng tọa Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN, từ góc độ xã hội, hạnh phúc và bình an mà mỗi chúng ta đang thọ hưởng chính là sự phụng hiến, hy sinh của biết bao con người đã làm việc một cách thầm lặng nhưng không ai biết đến… Từ góc nhìn tôn giáo, sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam khó có thể đạt được nếu không có sức gia trì hộ niệm từ nguồn tâm linh không thể kiểm chứng của liệt vị tổ sư ẩn cư tu hành. Do vậy, tạm gọi các ngài là “vô tác chân nhân” với ý nghĩa “vô tác nhi vô bất tác”, nghĩa là ‘làm mà không thấy người làm và việc làm’. Nói khác đi, đó là sức mạnh nội tâm từ cuộc sống của những bậc chân tu, thể nhập thánh lưu, vượt ngoài mọi sự trói buộc của huyễn pháp.
Chia sẻ thêm, Thượng tọa Viên Trí nhấn mạnh, nếu thiếu chánh niệm, hàng đệ tử xuất gia của Phật dễ bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng sống “sở hữu thay vì hiện hữu” của văn hóa thế gian. Như là hệ quả, rất nhiều người trong số đó đã và đang mải miết tìm kiếm mọi phương kế để thể hiện cái bản ngã (chức vụ, địa vị) và ngã sở (bằng cấp, chùa chiền, của cải…) của mình trên mọi phương diện, vốn đi ngược với lý tưởng sống vô ngã, vô dục của Phật giáo.
“Trong khi đó, trước sự tha thiết của toàn thể Tăng đoàn về việc thỉnh cầu ngài giữ vai trò lãnh đạo tinh thần cao nhất của Giáo hội, Đức Đại lão Thích Phổ Tuệ lại từ chối và tự xem mình chưa phù hợp với vị trí này “… Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”. Đây có thể xem là một thông điệp sống động và ý nghĩa nhất về bài học vô chấp hay buông xả cho Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hiện nay. Quả thật, ngài đúng là trưởng tử của Như Lai, người đã tiếp nhận và thực hành một cách nghiêm túc lời dạy ‘Thừa tự pháp” của Thế Tôn”, Thượng tọa Thích Viên Trí nhận định.
|
Chư Tăng cùng Cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ cung thỉnh Ngài Pháp chủ trong một Phật sự. |
Không chùa to Phật lớn!
“Hôm nay ngài đã ra đi, tưởng chừng như câu chuyện cổ tích đã khép lại nhưng thực sự mạch sống của ngài vẫn tồn tại, hiển hiện trong tôi, trong thế giới tâm linh không thể nghĩ bàn; Đạo nghiệp của ngài vẫn còn đó trong lòng Đạo pháp và Dân tộc”.
Đức Đệ tứ Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng
Sinh thời, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tâm niệm: “Chùa to cảnh lớn dù sao cũng chỉ là phương tiện, nên không quan trọng trong việc quyết định thành tựu của người tu. Tôi cũng được người ta mời trụ trì một vài ngôi chùa lớn, hoặc những ngôi chùa ở trong nội thành Hà Nội với lời khuyên rằng: Hòa thượng già rồi, nên ở những ngôi chùa trong thành phố, gần các bệnh viện lớn để tiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Nhưng tôi từ chối hết. Vì tôi có trách nhiệm phải nối dòng sơn môn Đa Bảo, duy trì mạng mạch Phật pháp của Viên Minh pháp hội, nên phải bám trụ chùa Giáng này”.
Khi được hỏi về Nam tông, Bắc tông, ăn chay ăn mặn, ngài nhẹ nhàng phá chấp: “Phật giáo theo hệ phái Nam tông (còn gọi là Tiểu thừa) không ăn chay, nhưng hệ phái Bắc tông (Đại thừa) thì thường ăn chay. Xưa kia Đức Phật và chư Tăng đi khất thực, ai cho gì thì các ngài và chư Tăng dùng cái đó, không đòi hỏi, phân biệt chay mặn”.
Theo ngài, trong Phật giáo Ðại thừa, đối với những người thụ Bồ-tát giới phải chịu 48 điều kiêng cấm, trong đó có nội dung cấm ăn thịt chúng sinh. Thế nhưng thụ Bồ-tát giới theo truyền thống Tây Tạng, không có giới nào cấm ăn thịt cả. “Nói vậy để thấy rằng, vấn đề ăn chay hay không là tùy thuộc ở từng hệ phái, từng sơn môn, chứ nói đến chuyện có bắt buộc ăn chay hay không thì Đức Phật không bắt. Riêng sơn môn chùa Giáng (Viên Minh), tất thảy mọi người đều phải ăn chay trường. Nhà chùa chúng tôi ăn chay là vì quan niệm thịt các loài vật với thịt mình thì cũng là thịt thôi”, Đức Đệ tam Pháp chủ bày tỏ.
Trong Ý nghĩa kinh Dược Sư, Đức Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng dạy: “Phật vì chúng sinh mà đặt ra kinh luật, đều để đối trị bệnh thân, bệnh tâm của chúng sinh. Chúng sinh đọa vào vô minh mê hoặc mà thân nghiệp báo đầy rẫy các bệnh. Phật thuyết ra các kinh để làm thuốc chữa, cho đến Bồ-tát, Thanh văn kết tập kinh luật tạo ra luận để làm rõ nghĩa, nhiều lớp chân lý, pháp môn vô biên, kể ra không xiết, dùng cũng không hết, cũng như đầy rẫy trong vũ trụ những loài thực vật, động vật đều là những nguyên liệu làm thuốc”.
Theo ngài, lòng tin của người học Phật là tiêu chuẩn cho tất cả hành vi nương tựa, không có lòng tin thì tư tưởng sẽ thường xuyên lênh đênh trôi dạt. Từ chỗ nghiên cứu mà thành lòng tin, bởi có lòng tin càng cầu học nhiều, vì học nhiều nên lòng tin càng viên mãn tăng tiến. Bởi thế nền tảng Phật pháp là Tuệ học”. Lời dạy của ngài thực sự rõ ràng, khúc chiết đã toát lên rõ đường hướng tu tập của vị Pháp chủ Thiền gia.
Tuệ học là ngọn đuốc sáng để hình ảnh ngài hiện diện trên bầu trời Phật giáo Việt Nam rạng rỡ, qua đó, mỗi cá nhân trong hàng hậu học sẽ tìm được một sở đắc cho riêng mình. Nói như Thượng tọa Thích Viên Trí, nghĩ về cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ chính là sự thể hiện lòng kính ngưỡng và tri ân sâu xa của hậu học đối với Tổ Ráng chùa Viên Minh, đồng thời nhắc nhở tự thân hãy học và tu theo gương sáng của ngài.
“Để có thể lèo lái con thuyền Giáo hội trong bối cảnh hiện nay, theo lời dạy của Đức Đệ tam Pháp chủ, Tăng đoàn không chỉ cần những tu sĩ điều hành có khả năng gánh vác các công tác hành chánh-xã hội như những chuyên viên, mà quan trọng hơn cả là các tu sĩ phải có đạo hạnh qua việc thực nghiệm lời Phật dạy, vì Đức Đệ tam Pháp chủ dạy rằng “Mình giảng dạy tín đồ mà không có Giới Định Tuệ thì giảng dạy ai?”.
Thích Viên Trí