Rắn trong tín ngưỡng dân gian
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, rắn thường được tôn thờ như biểu tượng linh thiêng và quyền năng. Ở Việt Nam, khắp ba miền đất nước, ở đâu cũng có những dinh, đền, miếu thờ rắn.
Miếu Bà Khoanh tại Phường An Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là một ví dụ tiêu biểu về tín ngưỡng thờ rắn. Theo truyền thuyết, một con rắn lớn, thân to bằng bắp chân người, đầu có mào đỏ, thường xuất hiện khoanh tròn trên bờ sông Bến Gỗ. Người dân tin rằng đây là hiện thân của thần linh mang lại điềm lành. Họ đã dựng nên Miếu Bà Khoanh để thờ cúng, bày tỏ lòng tôn kính.
Miếu Bà Khoanh, từ Khoanh không phải tên người mà là động tác khoanh tròn của con rắn. Do kiêng cữ nên người dân không gọi là Miếu Bà Rắn |
Hằng năm, vào rằm tháng 3 âm lịch, lễ cúng được tổ chức với các nghi lễ đặc biệt, trong đó có tục cúng thịt heo sống. Người dân tin rằng Bà Rắn sẽ cưỡi ngựa từ lòng sông lên nhận lễ vật, tạo nên không khí huyền bí, linh thiêng cho ngôi miếu.
Dù hiện tại trong miếu chỉ còn bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương, tín ngưỡng thờ rắn và các lễ nghi truyền thống vẫn được duy trì, phản ánh sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên trong đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ.
Trong văn hóa Phật giáo, rắn cũng đóng vai trò quan trọng. Chùa Candaransi tại Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, một ngôi chùa nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là ngôi chùa Khmer đầu tiên trên đất Sài Gòn, trong ngôi chùa này có rất nhiều tượng rắn.
Các tượng rắn được trang trí ở ạnh tượng Phật, lan can, góc mái. Có tượng rắn được tạo với mang phồng to. Trong cái mang lại có rất nhiều đầu rắn.
Thầy Lục Ta, người đang tu hành tại chùa Candaransi, ngôi chùa có nhiều tượng rắn |
Lý giải về việc có nhều tượng rắn trong ngôi chùa này, thầy Lục Ta, một người đang tu hành ở chùa kể rằng, theo truyền thuyết khi Đức Phật thuyết pháp trong rừng để cứu độ các loài vật, một trận mưa lớn xảy ra làm ngập mọi thứ. Rắn đã khoanh tròn tạo thành bệ cao để Đức Phật ngồi và phồng đầu thành dù che mưa cho Ngài. Chính vì nhớ đến công lao này mà tượng rắn được thờ trong chùa.
Sự gắn bó giữa rắn và con người
Sự hiện diện của rắn trong đời sống tâm linh và thực tiễn phản ánh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Nếu trong văn hóa, rắn là biểu tượng của quyền năng và sự bảo vệ, thì trong khoa học, rắn là nguồn cảm hứng cho những phát minh có giá trị.
Loài rắn cũng đối mặt với nguy cơ suy giảm số lượng do môi trường sống bị phá hủy và săn bắt quá mức. |
Tuy nhiên, loài rắn cũng đối mặt với nguy cơ suy giảm số lượng do môi trường sống bị phá hủy và săn bắt quá mức. Do đó, việc bảo tồn loài rắn không chỉ là nhiệm vụ của các nhà khoa học mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Hiện môi trường tự nhiên đang chịu áp lực lớn từ con người, việc bảo tồn và nghiên cứu loài rắn ngoài mang ý nghĩa sinh thái còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo. Loài rắn, với những câu chuyện huyền bí và giá trị thực tiễn, chắc chắn sẽ tiếp tục đồng hành cùng con người, trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong mọi lĩnh vực.