Việc cần làm để hút lộc, chiêu tài vào ngày vía Thần Tài 2025

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày vía Thần Tài, tức ngày 10 tháng Giêng, với nhiều người, đặc biệt là người làm trong lĩnh vực kinh doanh là một ngày ý nghĩa. Năm nay, ngày vía Thần Tài sẽ vào ngày mùng 10 Tết (tức thứ sáu, ngày 7/2 dương lịch).
Hình minh họa
Hình minh họa

Nguồn gốc ngày vía Thần tài

Ngày vía Thần Tài có nguồn gốc từ giới thương nhân Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam qua giao thương từ hàng nghìn năm trước. Trong văn hóa của người Trung Quốc, Thần Tài được coi là vị thần mang lại sự giàu có và may mắn, đặc biệt với giới buôn bán, kinh doanh. Tuy nhiên, tập tục này khi vào Việt Nam đã được điều chỉnh để phù hợp với văn hóa địa phương.

Khác với Trung Quốc, nơi mỗi địa phương có một ngày vía Thần Tài riêng, người Việt chỉ có một ngày, là vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Con số 10 trong quan niệm dân gian Việt Nam được xem là con số hoàn hảo, tượng trưng cho sự trọn vẹn và đủ đầy. Vì thế, người Việt rất coi trọng ngày này như một dịp để cầu mong tài lộc và may mắn cho cả năm.

Thần Tài trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là vị thần biểu tượng cho tài lộc, của cải và sự sung túc. Ngày vía Thần Tài không chỉ mang ý nghĩa cầu tài lộc mà còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thần đã ban phước lành, bảo hộ cho công việc kinh doanh trong năm vừa qua.

Đặc biệt, đối với những người làm kinh doanh, buôn bán, ngày này được xem là cơ hội “vàng” để dâng lễ cầu xin sự phù hộ, với hy vọng mở ra một năm mới thuận buồm xuôi gió, tiền bạc rủng rỉnh.

Làm gì để hút tài lộc vào ngày vía Thần tài

Mua vàng, thành tâm dâng lễ... là những cách để cầu mong một năm mới nhiều thuận lợi, tài lộc.

Theo các chuyên gia phong thủy, vào ngày vía Thần Tài, nhiều người mua vàng với mong ước cầu sự may mắn, hút tài lộc.

Tuy nhiên, không có “quy định” nào cho thấy bắt buộc phải mua vàng vào ngày này.

Hiện tượng mua vàng vào ngày vía Thần Tài chỉ xuất hiện phổ biến trong khoảng 10 năm trở lại đây và thực chất không có trong sách vở, tích cũ hay tập tục truyền thống. Theo đúng sách cổ, tài lộc đến từ hành động "mang vàng bạc" vào nhà hoặc nơi kinh doanh để tượng trưng cho việc chiêu tài, đón lộc. Hành động này không phải là mua, mà là mang vào để kích hoạt tài khí.

Trong thời hiện đại, với sự ảnh hưởng của mạng xã hội và các chiến dịch quảng bá của ngành kinh doanh vàng bạc, tập tục này đã bị biến tấu thành hành vi mua vàng vào ngày mùng 10. Việc này không chỉ khiến giá vàng tăng cao mà còn không mang lại ý nghĩa phong thủy đúng như quan niệm gốc. Vì vậy, mua vàng không thực sự cần thiết, mà thay vào đó, chúng ta có thể thực hiện đúng hành động "mang vàng bạc vào nhà".

Hành động mang vàng bạc vào nhà là một nghi thức chiêu tài đơn giản nhưng hiệu quả. Không cần vàng bạc mới, chúng ta có thể sử dụng trang sức cũ, đồ sính lễ cưới, hoặc những vật phẩm bạc đã có sẵn trong gia đình, đơn giản như đồng bạc đánh gió. Chỉ cần thực hiện động tác mang chúng từ bên ngoài vào nhà hoặc nơi kinh doanh, rồi đặt vào két sắt hoặc nơi cất trữ là đã tượng trưng cho việc chiêu tài, đón lộc.

Ngày mùng 10 tháng Giêng thường là thời điểm giá vàng tăng cao, nếu mua vàng vào khoảng thời gian này dễ gặp tình trạng thua lỗ ngay từ đầu năm, vi phạm điều đại kỵ trong phong thủy. Thay vì mua, chúng ta nên tập trung vào việc thực hiện nghi thức một cách trang trọng và đúng phong tục.

Ngoài ra, chỉ có vàng là chưa đủ, chưa trọn vẹn mà cần thực hiện các nghi lễ để thu hút năng lượng tích cực, nạp tài trong ngày này.

Vào ngày này, gia chủ cần chú ý lau dọn bàn thờ Thần Tài. Việc lau dọn này cần tiến hành vào ngày cuối tháng, chứ không phải chỉ trong dịp ngày vía Thần Tài. Nước lau rửa bao sái ban Thần Tài là nước ngũ vị hương, từ 5 loại lá: hồi khô, quế khô, hương nhu, lá sả, lá mùi (hoặc lá bưởi). Nếu ban thờ bằng gỗ, không nên lau rửa bàn thờ bằng rượu gừng, có thể sẽ làm hỏng ban thờ (lau tượng thì được).

Đối với tượng, nên tắm cho tượng 5 lần/1 năm và tắm tượng vào các ngày 10 hàng tháng. Khăn lau bàn thờ riêng, khăn tắm tượng Thần Tài - Thổ Địa riêng, và tuyệt đối phải sạch sẽ, không được cùng dùng vào việc khác. Không để các con vật chó, mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.

Nếu thỉnh tượng Thần Tài, Thổ Địa ngoài cửa hàng về cần gói bọc trong giấy đỏ, lụa vàng hoặc trong hộp sạch sẽ, mang vào chùa nhờ các Sư trong chùa “Chú nguyện nhập Thần” và nhờ các Sư chọn cho ngày tốt đem về nhà để an vị Thần Tài, an vị Thổ Địa. Gia đình nào có điều kiện mời được Sư tăng hoặc Pháp Sư tôn nhang bát hương và "Chú Nguyện nhập Thần" - "Thỉnh Thần nhập tượng" tại gia càng tốt.

Khi bát hương và tượng mang từ chùa về nhà dùng nước nước ngũ vị hương tắm tượng và đặt lên bàn thờ, mua các đồ cúng về cúng khấn, lần sau cúng vái bình thường. Ai muốn thờ Thần Tài Thổ Địa đều phải thực hiện như trên Thần Tài, Thổ Địa mới có linh khí.

Một số lưu ý trong ngày vía Thần tài

Thỉnh Thần Tài, Thổ Địa hợp với gia chủ. Nên chọn tượng Thần Tài, Thổ Địa mặt tươi cười, sáng sủa, mắt nhìn thẳng hoặc nhìn lên không nhìn xuống dưới. Tượng không bị nứt, vỡ, nhìn tượng toát lên vẻ phú quý. Thần Tài, Thổ Địa phải tự gia chủ thỉnh về, chứ không phải đồ biếu tặng, với tấm lòng thành.

Bàn thờ Thần Tài Thổ Địa đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính hoặc gần cửa chính đều được. Bàn thờ là một chiếc khảm nhỏ sơn son thếp vàng, bên trong khảm là bài vị Thần Tài. Trước bài vị là bát hương kê trên một khay vàng giấy, hai bên bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu.

Đồ lễ cúng ngày vía của Thần Tài thường là các món ăn ngon như vịt quay, lợn quay, gà trống luộc ngậm hoa hồng, hoa quả, nước sạch… Theo quan niệm dân gian, Thần Tài rất thích món cua biển và lợn quay, bánh bao nhân thịt trứng và chuối chín vàng. Về cơ bản, lễ cúng Thần Tài gồm: 1 lọ hoa, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng lợn quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong năm Ất Tỵ, tuyệt đối không dâng nguyên một chiếc đầu heo, nhưng có thể sử dụng thịt heo quay. Mâm cúng nên đủ màu sắc theo ngũ hành, và đặc biệt nên có bánh bao nhân thịt – món ăn Thần Tài yêu thích theo tích cổ.

Các khung giờ đẹp để thực hiện nghi lễ này là giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), và giờ Thân (15h-17h). Trước ngày này, người thực hiện nghi lễ cần giữ thân thanh tịnh, sạch sẽ, tránh ăn các loại thịt thuộc tứ linh như thịt chó, mèo, chuột, hay cá chép, thịt ba ba thịt rắn, cá chép, các đồ lươn trạch. Quần áo khi thực hiện nghi thức nạp tài cần phải chỉn chu, hơi thở thơm tho.

Ngoài vàng bạc, chúng ta nên mang theo một ít tiền mặt, tốt nhất là các tờ tiền mệnh giá liên quan đến số 5 – con số tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển. Khi thực hiện nghi thức, có thể đọc câu chú “Thiên linh linh, địa linh linh, Kim ngọc tài phú quý mãn đường, Phúc Lộc Thọ đáo khang ninh” để tăng cường năng lượng tích cực.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo