1.Qua 2 lần phà và lênh đênh trên vịnh Lan Hạ khoảng 50 phút, chúng tôi cập bến Việt Hải. Mấy ngày nay, mưa lớn nên con đường duy nhất vào Việt Hải bị ngập nước. Không thể đi xe ôm vào xã, cả đoàn công tác chúng tôi phải xắn quần, vác hành lý, hành quân trên con đường vào làng nước ngập qua gối. Mấy người dân trong làng ngược ra bến gặp bộ đội chào hỏi như đã thân quen từ lâu. Họ bảo: “Hôm nay nước rút rồi đấy, mấy hôm trước nước ngập đến cổ, muốn ra bến phải bơi xuồng trên đường…”. Qua 3 cái dốc cắt núi dựng đứng mới vào đến xã. Việt Hải lọt thỏm trong thung lũng trù phú, nằm trong vườn lõi của Vườn quốc gia Cát Bà, bao quanh là những dãy núi cao chót vót như hàng trăm Kim tự tháp xanh vây bủa...
|
Khách du lịch nước ngoài tham quan xã Việt Hải. Ảnh: Duy Lân |
4 nhà báo nữ chúng tôi được sắp xếp ở nhà chị Đinh Thị Ly, Chủ tịch Hội phụ nữ xã. 14 cán bộ Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cũng được bố trí ở các nhà dân trong xã. Bí thư Đoàn thanh niên Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng Nguyễn Văn Lập giải thích rõ hơn về sự phân công này: “Chuyến đi Việt Hải lần này, mỗi cán bộ Đoàn phải đóng hai vai: vừa là bộ đội đến giúp dân trên đảo tiếp cận dự án du lịch cộng đồng vừa là khách du lịch trải nghiệm thực tế và rút ra những điều cần thiết để tham mưu với Bộ Chỉ huy góp phần triển khai dự án này có hiệu quả hơn”.
Trong 2 ngày 21, 22-8, Bộ Chỉ huy Biên phòng Hải Phòng thực hiện chiến dịch tình nguyện “Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng Hải Phòng 48 giờ với Việt Hải” giúp dân xây dựng dự án du lịch cộng đồng, gắn với xóa nghèo bền vững tại xã Việt Hải ( Cát Hải). 14 cán bộ, đoàn viên giúp dân tổng dọn vệ sinh 2km đường làng, phun thuốc phòng dịch, phát thuốc chống muỗi cho người dân xã Việt Hải; tư vấn tích cực giúp người dân tiếp cận dịch vụ xã hội, kinh doanh du lịch gắn liền với giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường bền vững. |
Bữa ăn tối của chúng tôi ở nhà chị Ly có rau muống luộc vắt chanh, cá rán, lạc rang, thêm bát gia vị măng ngâm ớt. Anh Ninh- chồng chị Ly, chỉ tay ra phía bìa rừng nơi rừng măng Bát Độ xanh ngắt chạy dài ngút mắt, “quảng cáo”: “Món măng ngâm ớt này là một trong những đặc sản phục vụ khách du lịch của Việt Hải. Sáng kiến của Bộ đội biên phòng đấy. Thấy ở đây măng mọc tốt, lại ngọt, bà con ăn không xuể nên các chú ấy vào đất liền mang lọ ra đây rồi truyền “công nghệ” ngâm măng, giúp tiêu thụ ở Cát Bà và giới thiệu cho khách du lịch khi tới đây.”. Món măng ngâm Việt Hải rất ngon, thơm, ngọt và đượm vị cay nồng của ớt tỏi, khác với măng ngâm ở một số địa phương khác…Nhón mấy hạt lạc đỏ rang thơm phức rồi chiêu một ngụm rượu, anh Ninh chậm rãi: “Tới đây, dự án du lịch cộng đồng của Bộ đội Biên phòng được triển khai ở đây chắc đời sống của bà con sẽ khấm khá hơn”. Anh nhìn, xa ra phía dãy núi trước mặt, đôi mắt sáng lên niềm tin và hy vọng…
2. Việt Hải có hơn 7 chục hộ dân nằm men theo con đường bê tông dài khoảng 3 km, hai bên là vườn cây xanh um. Địa phương không có nạn cờ bạc, hút hít, trộm cắp và 20 năm liền không có người sinh con thứ ba. Các cặp vợ chồng trẻ ở đây rủ nhau có bầu cùng lúc để có đủ “sĩ số mở lớp học sau này. Việt Hải không có chợ, sinh hoạt làng xóm ở đây mang dáng dấp cộng đồng thời Nguyên thủy: mổ một con chó, con lợn, cả làng đến ăn; một nhà có việc, cả làng đến giúp. Không có chợ, nhưng ở đây có mấy hộ mở quán bán hàng và cái gọi là "dịch vụ du lịch" ở đây là mở quán bán mì tôm, trứng luộc, thuốc lá, bim bim thêm mấy chai bia, nước khoáng phục vụ khách du lịch và người dân trong xã. Ông Bùi Văn Soi, 75 tuổi, một trong những người cao tuổi nhất làng kể: “Tôi ở Việt Hải từ năm 1948. Trước đây, làng xóm nghèo, chưa có đường sá, điện lưới. Năm 1994, Việt Hải đón lượt khách du lịch nước ngoài đầu tiên. Tôi có kinh nghiệm hơn 15 năm làm dịch vụ du lịch nhưng nói về làm du lịch chuyên nghiệp thì ở Việt Hải chưa có. Hiện mới có một khu nghỉ dưỡng do một người dân địa phương đứng ra liên kết với một công ty ở Hà Nội, một khu nhà Việt cổ đang trong quá trình sửa sang của vợ chồng một người Pháp ở Hà Nội. Đặc trưng của Việt Hải là khí hậu trong lành, con người thuần chất, nếp sinh hoạt nguyên sơ như nguồn cội, vì vậy nếu mô hình đầu tư không phù hợp sẽ không phát triển được.”
|
Bộ đội Biên phòng vào với xã Việt Hải |
Khác với mấy năm trước, Việt Hải có nhiều nhà xây thay thế nhà gỗ, tường trình đất, mái rạ. Năm nay, Việt Hải có một đội xe ôm chia ca đón khách ở bến. Có điện nên mấy quán bán hàng phục vụ khách du lịch có đèn nhấp nháy và nhạc xập xình đến khuya. Đó dấu hiệu của một nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, làng vẫn nghèo, ruộng cấy một vụ, sống ngay cạnh biển nhưng không ai biết nghề chài lưới. Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phương Minh Quang tâm tư: “Nếu khách du lịch ưa tiện nghi, họ sẽ không đến Việt Hải. Vì thế, du lịch cộng đồng là loại hình phù hợp với Việt Hải. Với hơn 2 héc ta đất để triển khai dự án du lịch tại đây, chúng tôi sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng gọn nhẹ với phương thức: khách du lịch đến đây được “chìa khóa trao tay”, tự nấu nướng, tự phục vụ và qua đó khám phá những điều thú vị từ thiên nhiên và cuộc sống con người ở Việt Hải…Từ chương trình “Mái ấm biên cương”, Biên phòng Hải Phòng hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để bảo tồn những nếp nhà thuần Việt trong làng-một trong những yếu tố hấp dẫn khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Dự án du lịch cộng đồng đang được khẩn trương triển khai nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của mảnh đất này, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo từ khai thác nguồn lợi kinh doanh dịch vụ du lịch.
Dự án du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo ở xã Việt Hải được triển khai với các bước xây dựng trang trại chăn nuôi các loại động vật có hiệu quả kinh tế kết hợp nuôi các loại thú rừng cần bảo tồn; phát triển một số lồng bè nuôi cá, tu hài... gắn với tham quan mặt nước; trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, dược liệu; vận động người dân xây nhà kiến trúc thuần Việt, bảo đảm đủ điều kiện cho khách du lịch nghỉ tại gia đình để tham gia sinh hoạt cùng người dân; xây dựng khu nghỉ thân thiện với môi trường và phục hồi sức khỏe bằng cây thuốc; ẩm thực dân tộc... |
Thanh Thủy