“Đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch qua điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quảng bá vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, ẩm thực qua những thước phim đã trở thành “kim chỉ nam” phát triển du lịch của nhiều nước trên thế giới. Việt Nam sở hữu bề dày lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên phù hợp phát triển du lịch điện ảnh. Tuy nhiên, để kích cầu du lịch bằng điện ảnh hiệu quả, Việt Nam cần có một chiến lược dài hơi hơn nữa.
Ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao” trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Giang. (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ VH,TT&DL)
Ngôi nhà trong phim “Chuyện của Pao” trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Giang. (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ VH,TT&DL)

Tiềm năng chưa được “đánh thức”

Trải rộng từ Bắc vào Nam, Việt Nam có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, tạo nên những thước phim như chốn tiên cảnh, cổ tích. Năm 2017, bộ phim “Kong: Skull Island” quay đến hơn 70% bộ phim ở Việt Nam, đem đến những hình ảnh mãn nhãn cho người xem. Đồng thời kích cầu du lịch quốc tế, lượng khách thế giới đến tham quan những khung cảnh xuất hiện trong phim tăng một cách nhanh chóng.

Trong vài năm gần đây, những bộ phim như “Cánh đồng bất tận” (2010), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Mắt biếc” (2019), “Em và Trịnh” (2022) lấy bối cảnh quay ở Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Huế, Đà Lạt… với những thước phim nên thơ, nhẹ nhàng đã đưa rất nhiều tỉnh, thành phố trở thành điểm du lịch được mọi người yêu thích và tìm đến trải nghiệm. Theo thống kê năm 2018 - 2019 của Tổng cục Du lịch, tỉ lệ tăng trưởng khách du lịch đến địa phương sau khi các phim trên được công chiếu là khá ấn tượng, như: Phú Yên tăng 113%, Hà Giang tăng 64%, Quảng Ninh tăng 69%, Quảng Bình tăng 141%...

Mới gần đây nhất, bộ phim “Hành trình tình yêu của một du khách” do Netflix quay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) và Hà Giang. Chỉ trong hai tuần sau khi phát hành, bộ phim đã vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng tốp 10 toàn cầu cho phim tiếng Anh với 20,92 triệu giờ xem. Bộ phim cũng lọt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như tại 89 quốc gia trên nền tảng của Netflix. Một số tờ báo quốc tế nhận định, đây là bộ phim quảng cáo hoàn hảo cho du lịch Việt Nam, mang đến cho khán giả cái nhìn mới về Việt Nam, đất nước xinh đẹp, hấp dẫn với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa độc đáo và con người thân thiện.

Thực tế, ở châu Á có rất nhiều quốc gia đã thành công trong việc phát triển du lịch nhờ điện ảnh. Như Hàn Quốc, thông qua những bộ phim như “Tầng lớp Intaewon”, “Nàng Dae Jang-Geum”, “Người tình ánh trăng”,... đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến các địa điểm trong phim tham quan. Ngoài ra, nhờ các bộ phim hấp dẫn mà du lịch ẩm thực của Hàn Quốc được nhiều hành khách yêu thích.

Du lịch điện ảnh hiện là một “mỏ vàng” để Việt Nam khai phá, đem đến hình ảnh đẹp cho bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch và điện ảnh vẫn chỉ là những cái “bắt tay” ngẫu nhiên, chưa có sự đầu tư bài bản, chỉn chu, quy mô đem về hiệu quả lớn.

Cần có một chiến lược dài hơi

Trước thực tế đó, để phát triển du lịch từ điện ảnh cần có sự đầu tư rất lớn từ các Bộ, ngành, đồng thời mở rộng liên kết giữa ngành du lịch với các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp, các thị trường điện ảnh quốc tế lớn.

Ví dụ như tổ chức các hoạt động trong Chương trình như chiếu phim miễn phí, đại nhạc hội, triển lãm, hội thảo... góp phần kết nối di sản văn hóa vùng miền, đồng thời quảng bá du lịch, liên kết với nhau thành một hệ thống để bảo tồn, phát huy và khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch; Tạo dựng môi trường, nhịp cầu nối cho các nhà làm phim, doanh nghiệp, các nhà quản lý cùng gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những giải pháp kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa du lịch - điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các điểm đến của Việt Nam tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế; Khuyến khích sự hợp tác, liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp và nhà hoạt động điện ảnh,...

Gần đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến tổ chức chương trình xúc tiến du lịch kết hợp điện ảnh tổ chức tại Los Angeles, Mỹ trong quý III và quý IV năm 2024 nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Chương trình tạo cơ hội cho các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp, đối tác tại Mỹ. Từ đó, góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác du lịch và điện ảnh giữa hai nước.

Ngoài ra, cần phải cân bằng giữa việc phát triển du lịch điện ảnh và gìn giữ môi trường, nét đẹp văn hóa truyền thống. Như vào năm 2017, “Kong: Skull Island” chính thức công chiếu và đạt doanh thu 562 triệu USD trên toàn thế giới. Nhờ bản vẽ của đoàn làm phim để lại, tỉnh Ninh Bình đã phục dựng lại bối cảnh làng thổ dân đúng với hình ảnh trên phim. Trong 2 năm tiếp theo, phim trường đã đón được hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan. Tuy nhiên, Tràng An là nơi có dấu tích cư trú lâu nhất của người Việt cổ, nên theo khuyến nghị UNESCO, nếu để phim trường “Kong: Skull Island” tồn tại lâu dài, những hoạt cảnh hư cấu có thể khiến du khách hiểu sai lệch về những giá trị cốt lõi của di sản nơi đây. Bởi vậy, dù là điểm hút khách trong thời gian qua, vào tháng 9/2019, phim trường này đã đóng cửa và tháo dỡ.

Đọc thêm