Dành tới 70% quỹ đất cho không gian xanh Hà Nội

Chiều 18/3, các đơn vị tư vấn lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gồm Liên danh tư vấn quốc tế PPJ, Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) đã báo cáo bản quy hoạch trước lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Chiều 18/3, các đơn vị tư vấn lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gồm Liên danh tư vấn quốc tế PPJ, Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) đã báo cáo bản quy hoạch trước lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng, điểm nhấn quan trọng trong đồ án quy hoạch này là hành lang xanh và mặt nước chiếm khoảng 70% tổng diện tích tự nhiên.

Hệ thống không gian xanh này có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ của Hà Nội, vùng bảo tồn thiên nhiên núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa và kiểm soát lũ lụt.

Hình thành hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ sẽ kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh; đồng thời đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng dựa trên bảo tồn vùng nông nghiệp năng suất cao, các di sản văn hóa truyền thống.

Trong hành lang xanh, xây dựng đường cảnh quan Bắc  -Nam và 3 thị trấn sinh thái là Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn tại giao thoa với 3 tuyến quốc lộ chính là quốc lộ 6, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc và quốc lộ 32.

Tuy nhiên ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, đề nghị đơn vị tư vấn phải làm rõ khái niệm “vành đai xanh”, nên đặt ra yêu cầu “vành đai xanh là không gian xanh công cộng” để tránh tình trạng đô thị hóa vành đai xanh.

Sau khi báo cáo Thường trực Chính phủ lần thứ 3, các đơn vị tư vấn tiếp tục lấy ý kiến các hội nghề nghiệp để cập nhật, bổ sung vào Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Số liệu cân đối mới nhất cho thấy, quy mô dân số Hà Nội vào năm 2050 đã giảm tới 20% so với dự kiến trước đây.

Cập nhật mới nhất chỉ rõ, Hà Nội vào năm 2030 sẽ có dân số khoảng 9,1 triệu dân, tầm nhìn đến năm 2050 đạt ngưỡng 10,5-10,7 triệu dân. Khống chế mật độ dân số trong lõi trung tâm thành phố (4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa), hiện nay là 33.300 người/km2, giảm dần trong tương lai xa, đến năm 2050 là 23.000 người/km2; các đô thị khác dưới 10.000 người/km2.

Vì vậy, thành phố sẽ phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cư vào Hà Nội vì giai đoạn này hạ tầng còn rất thiếu thốn, không đủ sức phục vụ dân cư.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng, cần phải cụ thể hóa chức năng của các đô thị vệ tinh để “kéo” được dân từ trung tâm ra. Đồng thời cần có giải pháp “giãn dân” thật khả thi.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm