'Đạo' ảnh, đến lúc phải trừng trị

(PLO) - Nghệ thuật nhiếp ảnh ra đời cách đây khoảng 200 năm đem lại cho mọi người cơ hội lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Nhiếp ảnh ngày càng phát triển suốt nhiều năm trở lại đây, nhưng sự thật đáng buồn rằng các nhiếp ảnh gia ở Việt Nam vẫn chưa ý thức được việc phải bảo vệ các tác phẩm của mình khỏi vấn nạn vi phạm bản quyền, nhất là khi mạng Internet đang gián tiếp tiếp tay cho người vi phạm khiến ai cũng có thể tự “sáng tác” những bức ảnh cho riêng mình.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Trong khuôn khổ của hội chợ nhiếp ảnh Việt Nam 2016, sáng 10/8 đã diễn ra tọa đàm về bản quyền nhiếp ảnh.

Tham gia tọa đàm, ông Đặng Quang Bảo là một nhiếp ảnh gia đồng thời cũng là nạn nhân của nạn “đạo” ảnh cho hay: “Cách đây 3 năm tôi được biết có một khách sạn dùng 100 bức để trưng bày mà không xin phép. Khi tôi đến hỏi thì được khách sạn đó trả lời rằng được phía khách sạn treo là niềm vinh hạnh (!) nên nếu tôi mà yêu cầu bồi thường thì phải đưa ra giá “mềm”.

Khi tôi đưa ra theo giá giống như giá tôi được treo ảnh ở hội chợ là 300 nghìn đồng/bức và nhân với 100 bức thì họ phải trả tôi 30 triệu đồng. Nhưng trên thực tế tôi cũng không thể lấy được hết 30 triệu đồng”.

Ở cạnh pháp lý, tác phẩm nhiếp ảnh cũng là một đối tượng được pháp luật về bản quyền của Việt Nam bảo hộ. Theo luật, quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Tác phẩm, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, phải là sản phẩm của “lao động trí tuệ” của tác giả chứ không phải là sự sao chép từ các nguồn đã biết. Mới đây, theo quy định của Nghị định 131/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi sử dụng hình ảnh mà không ghi rõ tên tác giả có mức phạt tối đa là 3.000.000 đồng; hành vi truyền tải hình ảnh đến công chúng và sao chép hình ảnh mà không được sự cho phép của chủ sở hữu thì mức phạt đến 30.000.000 đồng và 35.000.000 đồng. 

Như vậy, hành lang pháp luật đã có, vấn đề là có thực thi được hay không. Hành vi “đạo” đã đến lúc phải bị trừng trị thích đáng, chứ không thể để các nghệ sĩ phải “ngậm ngùi sống chung với lũ” như hiện nay.