Cù Lao Chàm - Hội An: Khuất tất sau một cuộc “tuyển chọn khoa học”

(PLO) - Nhiều dấu hiệu bất thường đã được chỉ ra sau cuộc tuyển chọn khoa học đối với nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước “Luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế xã hội ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An”.
Một góc đảo Cù Lao Chàm
Một góc đảo Cù Lao Chàm

Nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước “Luận cứ khoa học nhằm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế bền vững và phát triển kinh tế xã hội ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An” được mô tả rõ ràng tại Quyết định 1580/QĐ-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) ban hành ngày 25/6/2014. 

Nhiệm vụ này đã phải tuyển chọn ba lần. Lần thứ nhất, chỉ có thuyết minh của Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Trung Bộ tham gia thì bị “phạm quy” do người đăng ký làm chủ nhiệm đang chủ nhiệm một đề tài khác cấp Nhà nước. Lần thứ hai, có ba đơn vị tham dự tuyển chọn là Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam – bị loại do vi phạm quy định Nhà nước về mặt hồ sơ), Viện Kinh tế thuộc Hội  Kinh tế, Viện Địa lý KTXH và phát triển thuộc Liên hiệp hội KHKT (theo ý kiến hội đồng mới chỉ có 1/6 sản phẩm theo yêu cầu kết quả đầu ra). 

Lần thứ ba, có 4 đơn vị tham gia tuyển chọn, gồm Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KHCN VN) do PGS. TS. Uông Đình Khanh (Phó viện trưởng) đăng ký chủ nhiệm; Viện Địa lý Nhân văn (Viện Hàn lâm KHXH VN) do TS. Trần Ngọc Ngoạn đăng ký làm chủ nhiệm; Trung tâm nghiên cứu phát triển du lịch; Viện Địa lý KTXH và phát triển (thuộc Liên hiệp hội KHKT) do Ths. Nguyễn Hồng Anh làm chủ nhiệm. Sự việc phát sinh từ sau cuộc chấm tuyển lần ba này.

Hồ sơ nhiều vi phạm vẫn được chọn

Trong lần chấm tuyển thứ ba, Hội đồng tuyển chọn do Bộ KHCN lập, đã chọn Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KHCN VN) do PGS.TS. Uông Đình Khanh làm chủ nhiệm, để trao quyết định thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước nói trên.

Tất cả các thuyết minh phải tuân thủ theo Thông tư 10/2014/TT-BKHCN trong đó có Biểu mẫu B1-2a-TMĐTCN, kèm theo sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng mục. Tuy nhiên, nhìn vào hồ sơ thuyết minh của đơn vị trúng tuyển là Viện Địa lý, có thể thấy, đơn vị này đã vi phạm quy định tại mục 12, trong đó quy định rõ “Ghi những người có đóng góp khoa học và chủ trì thực hiện những nội dung chính thuộc tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp tham gia thực hiện đề tài, không quá 10 người kể cả chủ nhiệm đề tài”. Nhưng hồ sơ của Viện Địa lý đã đưa ra danh sách 14 người mà vẫn được Bộ KHCN thông qua.

Mục 15.2 trong hồ sơ thuyết minh yêu cầu luận giải về việc đặt ra mục tiêu và những nội dung cần nghiên cứu của đề tài. Mục tiêu này liên quan tới mục 13 trong biểu mẫu Bám sát và cụ thể hóa định hướng mục tiêu theo đơn đặt hàng (Quyết định 1580/QĐ-BKHCN). Nhưng thuyết minh của Viện Địa lý hoàn toàn bỏ qua yêu cầu này. 

Thuyết minh cũng bỏ qua toàn bộ đề xuất kỹ thuật sử dụng gắn với từng nội dung trong yêu cầu “Luận cứ rõ cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng gắn với từng nội dung chính của đề tài; so sánh với các phương pháp giải quyết tương tự khác và phân tích để làm rõ được tính mới, tính độc đáo, tính sáng tạo của đề tài” quy định tại mục 18 trong biểu mẫu.

Bản thuyết minh được lựa chọn còn vi phạm yêu cầu đề ra trong Quyết định 1580/QĐ –BKHCN ngày 25/6/2015 ở mục “Yêu cầu đối với kết quả”, chỉ luận giải được 1/6 sản phẩm là “Cơ sở dữ liệu đầy đủ và cập nhật về đa dạng sinh học, hiện trạng mâu thuẫn trong sử dụng quản lý tài nguyên ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm”. 

Tuy được gọi là đạt được 1 sản phẩm, nhưng trong sản phẩm đó thuyết minh lại chỉ tập trung xây dựng bộ chỉ thị đa dạng sinh học dành cho giám sát đánh giá rạn san hô ở Cù Lao Chàm, không đúng với yêu cầu đề ra, mà thực chất đó là nội dung của nhiệm vụ thứ ba cũng được đặt trong Quyết định 1580. Bản thuyết minh cũng không đưa ra phân kỳ thực hiện đối với yêu cầu sản phẩm 6 về giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên gắn với sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội ở Khu DTSQ (có tính khả thi và phân kỳ thực hiện). 

Chọn “đánh đổi tài nguyên” để phát triển?

Thuyết minh được Bộ KHCN chọn cũng đặt ra nhiều băn khoăn về nội dung. Về tổng quan, xác định nội dung, tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật thực hiện, thuyết minh chưa đáp ứng được ba mục tiêu mà nhiệm vụ đề ra trong Quyết định 1580 và chưa đáp ứng được 05/06 yêu cầu sản phẩm đặt hàng. 

Đặc biệt, trong số các công việc mà bản thuyết minh đưa ra có “Xây dựng và vận hành thử nghiệm Mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn đa dạng sinh học” và “Mô hình đồng quản lý và phục hồi rạn san hô với sự cộng đồng doanh nghiệp ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”, tức là các công việc khai thác dựa trên cơ sở tài nguyên có sẵn. “Điều này đi ngược lại chính Quyết định 1580 do Bộ KHCN ban hành là yêu cầu đưa ra được giải pháp “bảo tồn và phát triển tài nguyên gắn với sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội” chứ không phải bảo tồn và đánh đổi tài nguyên gắn với sinh kế cộng đồng”, Ths. Nguyễn Hồng Anh (Viện Địa lý KTXH và phát triển) phản biện.

Bên cạnh đó, thuyết minh của Viện Địa lý chỉ đề xuất xây dựng bộ chỉ thị giám sát rạn san hô (phần chìm dưới nước), và bỏ qua toàn bộ phần nổi, đồng nghĩa với đó là bỏ qua người dân và sinh kế của họ, bỏ qua nguồn vốn quan trọng nhất là nguồn lực con người. 

“Thuyết minh của Viện Địa lý vừa vi phạm quy định của Nhà nước và đồng thời không đạt yêu cầu về mặt nội dung khoa học và cũng chỉ có 1/6 sản phẩm yêu cầu trong QĐ 1580 (đây là lỗi đã mắc giống như chúng tôi đã mắc phải vào kỳ tuyển chọn lần thứ hai), tuy nhiên, đơn vị này lại được Bộ ra quyết định trao thực hiện nhiệm vụ trên”, vẫn ý kiến bà Hồng Anh phản ánh với PLVN, “Bên cạnh đó, thuyết minh của Viện Địa lý Nhân văn (đơn vị tham gia chấm chọn lần thứ ba) đã vi phạm bản quyền, sử dụng trái phép bản quyền thuyết minh lần thứ hai của chúng tôi để xây dựng thuyết minh của họ”.

Được biết, sau khi bà Nguyễn Hồng Anh khiếu nại, ngày 17/6, Bộ KHCN đã trả lời bằng quyết định số 1609/QĐ –BKHCN, trong đó chấp nhận một phần khiếu nại của bà Hồng Anh liên quan đến nội dung chuyên môn của thuyết minh được lựa chọn. Còn phần khiếu nại về việc vi phạm bản quyền thì Bộ cho rằng mặc dù có sự giống nhau giữa các bản thuyết minh nhưng không có căn cứ xác định thư ký hành chính và Hội đồng tư vấn tuyển chọn (lần 2) vi phạm quy định bảo mật thông tin, đồng thời cả hai bản thuyết minh đều không được tuyển chọn.

Có hay không chuyện vi phạm bản quyền tác giả, hay sự giống nhau đến ngạc nhiên giữa hai bản thuyết minh chỉ là chuyện “tình cờ” “tư tưởng lớn gặp nhau”? Bà Hồng Anh nêu ý kiến phải chăng vì hai bản thuyết minh đều không được lựa chọn nên Bộ KHCN không xử lý kỹ vấn đề bảo mật thông tin và vi phạm bản quyền?