|
Loan xoay cành đào hướng nụ hoa chi chít ra cửa, tỉa những lá già, giọng nhẹ nhàng: “Anh mua cành này bao nhiêu? Năm nay đào đắt hay rẻ?”. Hải âu yếm nhìn vợ nâng những nhánh đào đỏ thắm lung linh dưới ánh đèn màu nhấp nháy: “Chả đắt chả rẻ, chỉ biết lãi to”. Loan đong đưa ánh mắt, dúi nắm lá vào tay chồng: “Anh bảo lãi gì?” Hải tủm tỉm: “Lãi cành củi khô!”. Loan cười, đấm nhẹ lưng chồng: “Anh thù dai lắm!”. Hải bỏ nắm lá già vào túi ni lon: “Ai lại thù vợ mình!”. Loan nũng nịu: “Chả thù mà lại nói vậy! Em không thích”. “Thế nhà mình không chơi đào, em thấy thế nào?” Loan lườm: “Buồn chết!”.
Đào hoa là biểu tượng ngày Xuân, là sức sống của năm mới. Không có đào, không có hoa, không ra ngày Tết. Bao năm chơi đào, vợ chồng Loan đã có nhiều kinh nghiệm chọn cành, chọn nụ. Ngày xuân không thể thiếu sắc thắm hoa đào: mỗi năm một cành, mỗi cành một thế, một màu hoa, một câu chuyện vui, buồn trong mỗi gia đình.
Tết trước, Hải khênh cành đào về dựa ngoài cửa, ngó tìm sợi dây buộc tạm vào gốc cây, gọi Loan chuẩn bị lọ. Loan từ dưới bếp chạy ra, đi quanh cành đào, ngắm trên nhìn dưới, hai tay chống nạnh, giọng lạnh lùng: “Anh mang trả ngay cành đào này, anh mua của ai?”. Hải ngỡ ngàng trước thái độ giận dỗi của Loan, không hiểu sao vợ lại có phản ứng như vậy. Đứng tần ngần ngắm cành đào xem có gì khiếm khuyết, giọng Hải buồn buồn: “Tôi mặt mũi nào mà mang trả người ta. Thật lạ đời, mua hoa về chơi lại đòi trả lại, trên đời này có em là một”. Loan nghiến răng, giậm chân, múa tay như kiến bò trong người: “Tôi không thích cành đào này! Anh có mang trả không thì bảo?”. Biết tính vợ nhưng trả lại hoa, có ai làm thế, nên Hải cố thuyết phục: “Em bảo nó làm sao? Năm nay nhà mình mua đào sớm, còn hơn tuần nữa mới đón giao thừa. Cành nụ này nở hoa là vừa đẹp. Anh đã tính kỹ rồi”. Loan bĩu môi: “Có mồm anh nở chứ nụ này mà nở tôi chui đầu xuống đất”.
Mọi năm hai tám, hai chín Tết Hải mới đi chợ hoa, mua cành đào đã nở rực rỡ, không như cành này. Năm nay thời tiết nóng, lại mua đào sớm nên Hải chọn cành chưa nụ, chưa hoa, chỉ có những lá già và mầm non nhu nhú. Hơn tuần nữa, hoa nở là vừa đón Tết, sang Xuân. Loan không hiểu ý chồng, không hiểu quy luật phát triển của đào nên nhìn cành không nụ, không hoa là không thích. Cái tính thiển cận ấy, Hải đã biết từ lâu cố giải thích cũng không được. Vợ chồng tranh cãi nhau hoài. Chồng có lý của chồng, vợ có lý của vợ, không ai chịu ai. Để êm thấm gia đình, Hải lẳng lặng gọi xe mang cành đào đi, bỏ bữa cơm trưa.
Mấy ngày sau đó, vợ chồng Loan cơm chẳng ngon, canh chẳng ngọt vì chuyện đùn đẩy nhau đi mua đào. Hải dứt khoát không đi, với lý do: chờ đi công tác, không biết chọn đào. Không phải anh cố chấp với vợ mà muốn nhân dịp này để Loan có một bài học, bỏ bớt tính kiêu ngạo, hồ đồ không chịu nghe ai góp ý. Loan tưởng chồng đuối lý, bĩu môi: “Anh không đi mua thì tôi đi, cứ có tiền là mua được hết, thiếu gì đào, chỉ sợ thiếu tiền”. Dứt lời vùng vằng dắt xe ra ngõ. Hải tủm tỉm cười gọi với: “Em đi mua cẩn thận, khôn ngoan đừng rước rào về nhé!”.
Cả ngày, Loan lang thang các chợ đào, chân chồn, gối mỏi nhìn cành nào cũng đẹp, cành nào cũng xấu, giá cao, giá thấp loạn cả đầu, hoa cả mắt không biết chọn cành nào. Xế chiều, Loan rẽ vào quán giải khát gọi cốc nước cam bụng dạ bồn chồn mới hiểu chọn mua đào không đơn giản, tự trách mình chỉ được cái già mồm trách chồng, được đằng chân lân đằng đầu. Nhưng bây giờ mà về tay không hóa ra thừa nhận là người có lỗi.
Uống xong cốc nước, Loan đứng lên quyết mua một cành đẹp cho chồng biết mặt. Nhưng Loan không có kinh nghiệm chọn đào, không hiểu quy luật chơi hoa, chỉ thấy hoa nở lòe loẹt là thích. Biết đâu được cành nào đẹp, cành nào xấu mà chỉ thấy bắt mắt là khen, âu cũng là quan niệm của nhiều người chưa phải là chơi, chỉ là mua cho được.
Giới sành chơi thường chọn những cành đào có dáng thế tự nhiên, thân mốc sần sùi, nụ to sắc hồng chi chít. Có tiền còn phải có kinh nghiệm mới mua được cành đào như ý. Chọn đào đâu phải dễ, nhất là đào già, đào đá thiên nhiên, mỗi mầu hoa một vùng, mỗi màu da trồng trên một loạt đất. Mỗi cành một thế, mỗi thế phải đặt ở không gian phù hợp mới tôn vẻ đẹp của thế đào. Và giá đắt rẻ cũng tùy thuộc từng loại: Đào tự nhiên mọc trên núi, trên đồi bao giờ cũng đắt hơn nhiều lần đào vườn có dáng thế cầu kỳ, tỉa tót công phu…
Loan lơ mơ chắp vá những khái niệm chơi đào nghe câu được, câu chăng của du khách đi chợ, ngắm hoa. Lòng rối bời, muốn mua mà không biết chọn cành nào? Khó thật.
Loan đi quanh chợ hoa hết vòng này lại vòng khác. Dãy hoa hồng đỏ thắm, hoa cúc trắng vàng rung rinh, hoa huệ ngan ngát mùi hương lan tỏa sang dãy đào thẳng tắp rực rỡ nụ hoa. Người mua, người bán tấp nập ngược xuôi. Loan đứng lại hồi lâu theo dõi cành đào nhiều hoa, nhiều nụ đông người xem, mặc cả giá. Chờ những người khách mặc cả không mua được đi xa, Loan đến bên người chủ bán đào: “Anh bán bao nhiêu cành đào này?” Người chủ biết cá đã cắn câu nhưng vẫn đong đưa: “Chị nghe rõ cả rồi đó, họ trả mười triệu, bán làm sao được cành đào nhiều nụ, nhiều hoa đẹp thế này”. Câu nói bâng quơ nhưng vừa đủ để bà khách son phấn lòe loẹt, vòng nhẫn đeo đầy tay suy tính. Loan nhíu đôi lông mày tỉa tót công phu thầm khen cành đào đẹp nhưng giá đắt quá so với mấy cành buộc trên xe thồ. Thấy khách phân vân, chủ đào đon đả: “Chị không mua cành này còn mua cành nào? Đắt xắt ra miếng. Chị mang cành này về, cả nhà bái phục. Nếu chị thật lòng thích, em chỉ xin thêm hai trăm ngàn đồng, bán cho người biết chơi như chị rẻ cũng không tiếc”. Được lời khen, Loan vui vẻ rút tiền, cảm ơn người bán đào tốt bụng chở đào về tận nhà không lấy tiền công.
Mấy ngày sau, Hải đi công tác về, nhìn cành đào bụng bảo dạ: được đấy. Nhưng sau bữa cơm, ngồi uống trà ngắm đào, Hải giật mình thấy những bông hoa màu sắc khác thường vội đứng lên nâng nhẹ một vài cánh. Trời ơi! Nụ, hoa đều giả. Cái giá phải trả quá đắt cho đêm giao thừa năm nay nhưng biết làm thế nào? Hải đứng chết lặng. Loan tưởng chồng tâm phục cành đào, đến bên vẻ đắc thắng “Anh tưởng chỉ có anh biết mua đào?”. Mặt Hải tai tái, không nói, không rằng vì biết lỗi này cũng có phần trách nhiệm của mình. Chỉ còn mấy giờ nữa là đón giao thừa, cả nhà đang chuẩn bị đi xem bắn pháo hoa, bới chuyện đào ra là mất Tết. Hải giận mình, giận vợ nhưng nén buồn, cố cười gượng khen: “Tuyệt. Cành đào này chơi được mấy năm!”. Loan tưởng chồng khen thật, lên giọng: “Từ nay, anh để em đi mua đào?”.
Mấy ngày Tết, Loan ra sức rót nước ấm, cho thêm thuốc “Bê Một” vào gốc mà cành đào vấn trơ trơ, không nở thêm hoa, không nảy thêm nụ. Hải định giải thích cho vợ biết nhưng lại sợ đầu năm gia đình mất vui. Cuối cùng, Loan không kìm nén được thắc mắc trong lòng, đành xuống giọng hỏi chồng: “Em thấy cành đào từ hôm mua về: nụ không nở, hoa không tàn, anh xem tại sao?” Hải nhìn vợ gượng cười: “Đến hôm nay em mới nhận ra à”. Loan quay lại gặng hỏi: “Anh bảo làm sao?”. Hải thắt chiếc cà vạt, khoác bộ comle kéo tay Loan: “Em chuẩn bị lên xe anh đưa đi chúc Tết, quên chuyện cành đào đi. Khi nào vứt ra đường em nhớ hái mấy cánh hoa khắc biết”.
Vừa bước vào cửa nhà người bạn, Loan choáng ngợp trước cành đào hoa rực rỡ, không kìm được cảm xúc: “Ôi! Đẹp quá”. Loan ngồi bên bàn rượu ngờ ngợ nhận ra thế đào quen quen, không biết nhìn thấy ở đâu? Đúng rồi! Cây tầm gửi lá nhỏ li ti bò lan bên ba chạc. Tổ ong trên ngọn thì thụt mấy con ra vào, mình giận chân múa tay sợ nó đốt… Cành đào nhà mình? Sao nó lại ở đây?
Gian phòng ồn ào tiếng nói, tiếng cười, tiếng ly chụm nhau theo điệu nhạc Paso rộn ràng. Loan ngồi một mình bần thần không còn cảm hứng cuộc vui cùng các bạn. Tay với ly rượi sampanh uống một hơi, cổ họng đau rát, đắng ngắt. Hải đứng lên nhẹ nhàng dìu Loan ra sàn. Dưới ánh đèn màu nhấp nháy, vũ điệu Valse quay tròn vấn vít quanh cành đào rực rỡ nụ, hoa.