Đào tạo cán bộ cho cải cách hành chính

Để đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính trong năm năm gần đây tỉnh đã đào tạo bồi dưỡng cho trên hàng chục nghìn cán bộ công chức (CBCC) từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã.

Để đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính trong năm năm gần đây tỉnh đã đào tạo bồi dưỡng cho trên hàng chục nghìn cán bộ công chức (CBCC) từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã.

Trao chứng chỉ cho CBCC tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước tại Trường Chính trị Lâm Đồng.

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, trong hơn hàng chục nghìn CBCC được đào tạo bồi dưỡng từ năm 2005 đến nay,  đông nhất vẫn là các lớp lý luận chính trị với 9 040 người, kế đến là chuyên môn nghiệp vụ cho trên 2000 người, ngoại ngữ tin học cho trên 1500 người, tiếng dân tộc thiểu số cho gần 2000  người công tác tại vùng đồng bào thiểu số.

Hiệu quả trong thực thi công vụ của CBCC trong hệ thống chính quyền sau khi được đào tạo, theo đánh giá của các ngành chức năng, đã được nâng lên rõ rệt , tạo bước chuyển biến mới trong công cuộc cải cách hành chính của tỉnh. Không ít người sau khi tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh đã phát huy rất tốt ở cơ sở.

Để đẩy mạnh việc đào tạo CBCC cấp xã,  từ năm 2004 UBND tỉnh đã chuyển Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức Lâm Đồng về trực thuộc Sở Nội vụ để chuyên trách nhiệm vụ này. Trung tâm còn phụ trách việc đào tạo tin học, ngoại ngữ (chủ yếu  là tiếng Anh), tiếng dân tộc cho CBCC trong tỉnh bên cạnh việc liên kết đào tạo đại học và trên đại học cho các đối tượng có nhu cầu. Trong khi đó, việc bồi dưỡng lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước cho CBCC được Trường Chính trị tỉnh thực hiện. Tuy nhiên , đến năm 2009, thực hiện kết luận của Ban Bí thư, việc đào tạo CBCC cấp xã được chuyển về Trường Chính trị tỉnh.

Cùng với việc đổi mới về công tác quản lý, nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công chức trong những năm qua cũng từng bước thay đổi theo hướng phù hợp hơn với các đối tượng. Cơ sở vật chất cho các đơn vị phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng cũng được tỉnh quan tâm đầu tư khá thích đáng.

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, vẫn còn những điểm bất cập trong công tác đào tạo bồi dưỡng của tỉnh hiện nay cần được điều chỉnh  hợp lý hơn. Chẳng hạn, Trường Chính trị tỉnh chịu trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ CBCC trong tỉnh, đào tạo văn thư, hành chính văn phòng, bồi dưỡng quản lý nhà nước và từ năm 2009 đến nay lại đảm trách luôn nhiệm vụ đào tạo toàn bộ CBCC cấp xã - một mảng rất lớn của tỉnh trong khi đó Trung tâm Đào tạo  bồi dưỡng tại chức Lâm Đồng trước đây làm khá tốt việc này nay chỉ còn được phân công đào tạo bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ và tiếng dân tộc cho CBCC! Việc đổi mới trong công tác này còn chậm, nội dung đào tạo còn nặng về hình thức tiêu chuẩn bằng cấp, chưa khuyến khích được tính tích cực của người học. Đặc biệt, tỷ lệ CBCC chưa qua đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ ở cấp xã vẫn còn khá cao ( khoảng 30%).

Để đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng CBCC trong thời gian đến, điều cấp thiết hiện nay, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tỉnh  cần xây dựng một chiến lược tổng thể trong công tác đào tạo bồi dưỡng CBCC với tầm nhìn dài hạn, gắn chiến lược này với qui hoạch, kế hoạch sử dụng CBCC, đảm bảo các ngạch, các vị trí đều được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính cùng đạo đức công vụ theo chế độ qui định, gắn đào tạo với bố trí sử dụng. CBCC trong quy hoạch lãnh đạo nên được đào tạo, bồi dướng kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý, lý luận chính trị đảm bảo đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm.

Cùng đó, bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nội dung đào tạo bồi dưỡng CBCC cũng cần được đổi mới theo hướng chú trọng năng lực thực hành, khuyến khích tính tích cực của người học, gắn với chức trách nhiệm vụ của từng vị trí công tác. Việc đào tạo bồi dưỡng nên  kết hợp cả trong nước và đi học, đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Trước mắt, theo Sở Nội vụ, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên hiện có, kết hợp giảng viên cơ hữu và kiêm chức, sử dụng những người có trình độ và kinh nghiệm thực tế vào giảng dạy trong đó mời cả những chuyên gia nước ngoài, hiện đại hóa hệ thống cơ sở đào tạo từ tỉnh đến huyện, xây dựng hệ thống các tiêu chí giám sát để thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo.

Viết Trọng

Đọc thêm