Đào tạo chó nghiệp vụ cứu nạn

Trong tất cả các thể loại đào tạo chó chuyên dụng, có lẽ tìm kiếm-cứu nạn là công việc vô tư hào hiệp nhất. Bởi cuộc sống là vô giá, nhưng cứu sống một sinh linh luôn là lao động nặng nhọc và đôi khi còn cực kỳ mạo hiểm...

Trong tất cả các thể loại đào tạo chó chuyên dụng, có lẽ tìm kiếm-cứu nạn là công việc vô tư hào hiệp nhất. Bởi cuộc sống là vô giá, nhưng cứu sống một sinh linh luôn là lao động nặng nhọc và đôi khi còn cực kỳ mạo hiểm. Trong những hoàn cảnh gay cấn mà từng giờ phút đều quí báu, cần khẩn trương tìm kiếm con người bị vùi lấp dưới đống đổ nát, dưới những lớp đất đá hay tuyết dày, thì khả năng giúp đỡ chỉ trông vào những con chó nghiệp vụ đã qua đào tạo đặc biệt. Ít có ai biết rằng, đã bao nhiêu công sức và tri thức cần bỏ ra để dạy và huấn luyện thành công mỗi “nhân viên cứu hộ bốn chân” như vậy.

Phần lớn những chuyên viên tham gia các chiến dịch cứu nạn là các tình nguyện viên volontaire, tức là những người thuộc đủ các nghề khác nhau, tự huấn luyện những chú khuyển của mình và sau đó khi cần là lên đường tới địa điểm xảy ra tai họa, chỉ huy chó giúp sức tìm kiếm, làm việc một cách tự giác và miễn phí. Thông thường, họ liên kết lại trong hiệp hội riêng ở nước mình. Ở Nga cũng có tổ chức xã hội như vậy, tên gọi là “Cộng đồng các tình nguyện viên dạy chó cứu hộ ROSSPAS-KV”. Hiển nhiên, để trở thành tình nguyện viên cứu hộ mà chỉ có nguyện vọng và thiện chí, thì cũng chưa đủ. Công việc huấn luyện những con chó tìm kiếm-cứu nạn đòi hỏi nhiều công sức to lớn và sự kiên nhẫn vô biên. Ngoài ra, trước khi tiếp cận công việc cứu hộ thì chính bản thân volontaire cũng phải trải qua khóa đào tạo nghiêm túc và vượt được những kỳ thi. Nhưng với những con người giầu nhiệt huyết này thì khó khăn không thể cản bước.

Đã qua lâu rồi cái thời mà trong việc tìm kiếm-cứu nạn chỉ thuần túy khai thác ưu điểm của những con chó bec-giê Đức lực lưỡng. Hiện nay có hơn 10 loại chó được sử dụng vào công tác này. Giành được những lời khen ngợi, đánh giá xuất sắc, là giống chó không to con như terrier và laica. Chuyên gia khuyển học Anna Savilova cho rằng, chó có thể thực hiện những công việc nặng nề đến kiệt sức, chỉ khi nào nó có những tư chất tốt, sáng dạ và hiển nhiên đã được huấn luyện đặc biệt và hoàn chỉnh.

”Chó không chỉ là người bạn yêu mến của người, mà nó còn cần hoàn thành tất cả những chức năng của giống loài. Tức là nếu là chó nghiệp vụ, thì cần phục vụ, nếu là chó cảnh vệ, thì cần canh gác. Nếu là chó săn, thì nó cần nhận được toàn bộ khả năng tự nhiên theo đúng gien chó săn để đáp ứng yêu cầu săn bắt”.

Hiện thời người ta còn chưa lập ra được thang bậc thống nhất để so sánh các loài chó về khả năng thích hợp với công việc tìm kiếm nạn nhân. Nhưng nhiều nhà khuyển học tin chắc rằng, phát hiện và khai thác những đặc điểm nào đó của giống chó là việc cần, nhưng quan trọng hơn nữa là tiến hành huấn luyện nghiêm khắc và thường xuyên cho những “nhân viên tứ túc” này. Mặc dù, hiển nhiên, một con chó tìm kiếm-cứu nạn tương lai thì ngay thoạt đầu đã phải đảm bảo có đủ những tư chất như biết tuân theo sự điều khiển, trung thành với người, tai tinh mũi thính, khỏe và dai sức.

Một trong những nhóm tình nguyện viên dạy chó ở Matxcơva, các volontaire của Bộ về các tình huống khẩn cấp LB Nga, tiến hành huấn luyện chó đều đặn vào các ngày nghỉ cuối tuần. Thao trường là những công trường xây dựng dở dang để trống, những khu nhà đổ, những nghĩa địa ô tô hay đống toa xe lửa cũ nát. Qui tắc chung là thế này: chó càng có kinh nghiệm càng cần được thường xuyên thay đổi bối cảnh thực tập.

Toàn bộ các bài huấn luyện được thiết lập theo nguyên tắc trò chơi. Những con chó cứu nạn tương lai được nấp kín chờ đến lượt mình trổ tài tìm kiếm. Không chỉ cần phát hiện mà còn biết chỉ chỗ có nạn nhân. Một tiếng sủa, có nghĩa là “Tìm thấy rồi, cứu mau!”. Trong tay huấn luyện viên volontaire luôn trữ sẵn món gì đó ngon lành. Nhưng các nhà khuyển học đã ghi nhận rằng, những con chó khôn lao vào tìm kiếm không chỉ vì phần thưởng. Ý muốn được ở sát bên con người đối với chúng là xung lực chính để bắt đầu tìm kiếm. Vì rằng lòng nhân ái cũng chính là tiêu chí căn bản để chọn lựa vào đội ngũ tình nguyện viên cứu hộ.

Chuyên viên thú y Elena Safonova nói:

“Nếu con chó nào tỏ ra ưa thích tìm kiếm, sẵn sàng tham dự trò chơi và giao tiếp với con người, thì con chó ấy phù hợp với công tác cứu hộ”.

Những buổi học trong “nhóm volontaire Matxcơva” đã tiến hành không chỉ một năm, và như thừa nhận của một nữ thành viên, chị Irina Shapova, chị nóng lòng mong được thấy “học trò cưng” của mình trong công việc.

“Thậm chí muốn kiểm tra xem liệu trong thực tế những con chó có đủ khả năng cứu nạn hay không. Nếu chó tìm được người nào đó dưới đống vùi lấp thì thật đáng mừng”.

Nhìn chú chó terrier Nordika mà chị Irina huấn luyện thì chẳng cần nghi ngờ gì rằng “nhân viên bốn chân” này đã sẵn sàng phục vụ công tác. Chú khuyển nhỏ linh lợi liên tục đánh hơi sục sạo tìm kiếm gì đó, ngay cả khi người ta không yêu cầu. Cũng giống như nữ chủ nhân của mình, Nordika làm việc tự nguyện và vô tư bất vụ lợi. Còn sau mỗi buổi tập, chú chó nhỏ mệt đứ đừ bởi cả ngày trời hăng hái kiếm tìm.

Theo Đài TNNN

Đọc thêm