Đào tạo nghề con đường phát triển nông thôn bền vững

Huyện Đơn Dương tuy có cơ cấu ngành nghề khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Việc coi nông nghiệp là một thế mạnh để phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nâng mức thu nhập trên từng đơn vị diện tích là một lựa chọn thích hợp...

Huyện Đơn Dương tuy có cơ cấu ngành nghề khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Việc coi nông nghiệp là một thế mạnh để phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nâng mức thu nhập trên từng đơn vị diện tích là một lựa chọn thích hợp, song về lâu dài hiện đại hóa nông thôn mang tính căn cơ, bền vững chỉ có thể thông qua con đường đào tạo nghề cho người lao động.
Trường nghề Đơn Dương đang được triển khai xây dựng.
Trường nghề Đơn Dương đang được triển khai xây dựng.
Theo thông kế, hiện tại Đơn Dương có gần 52 ngàn người trong độ tuổi lao động, trong đó 51 ngàn người có khả năng lao động, nhưng lao động không có nghề (chưa qua đào tạo) chiếm tới 77,8% trong tổng số người dân trong độ tuổi lao động. Cơ cấu nhân lực đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức chênh lệch cao: Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm 8%, dịch vụ chiếm 14% số còn lại là lao động nông nghiệp chiếm 78%. Đặc biệt, trên 31% lao động là người dân tộc K’ ho, Chu ru và các dân tộc thiểu số khác, tương đương 16 ngàn người cũng là một vấn đề Đơn Dương cần quan tâm, giải quyết. Chính vì thế mà tỉnh chọn Đơn Dương là địa phường để thí điểm Chương trình đào tạo nghề nông thôn - giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề. Qua đó nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa nông thôn tại địa phương. Đây được xem là cơ hội để huyện nâng cao nguồn lực lao động nông thôn, nhất là đối với địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp như Đơn Dương. Quá trình triển khai dạy nghề nông thôn huyện luôn chú trọng ưu tiên hàng đầu cho các đối tượng gia đình chính sách, đồng bào người dân tộc thiểu số, những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật và phụ nữ. Sau đó mới mở rộng đến các đối tượng những người sống ở thôn nghèo, xã xây dựng nông thôn mới, lao động bị thu hồi đất…Gắn  dạy nghề  với hỗ trợ phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo nhanh bền vững. Ông Lê Hữu Túc – Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Trước nay, bình quân mỗi năm huyện đào tạo nghề cho hơn 200 người lao động và số lượng được đào tạo không ngừng được nâng lên, trong đó  45% lao động được đào tạo để phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn 55% đào tạo phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Riêng năm tới, kinh phí đào tạo nghề được UBND tỉnh cấp cao hơn mọi năm vì Đơn Dương là huyện điểm. Từ đó, huyện đã triển khai đào tạo và dạy nghề cho 400 lao động. Đối tượng được đào tạo, dạy nghề đa số là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số với các  ngành nghề chủ yếu đó là trồng trọt, chăn nuôi. “Do đặc thù là huyện nông nghiệp nên công tác đào tạo nghề tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để nâng chất lượng hàng hóa có tính cạnh tranh. Đồng thời mở các lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò sữa bởi diện tích và sản lượng của Đơn Dương cao nhất tỉnh, và đang được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Bên cạnh đó mở các lớp sửa chữa máy móc nông nghiệp, ưu tiên cho người lao động nghèo, thiếu đất sản xuất” - Phó Chủ tịch Lê Hữu Túc cho biết thêm. Bước đầu, Đơn Dương triển khai xây dựng mô hình thí điểm tập trung dạy nghề tại hai xã Đạ Ròn và P’ró với hai danh mục nghề đào tạo chính là trồng trọt và chăn nuôi cho 200 người ở mỗi xã. Qua đó sẽ tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các xã, thị trấn trên cơ sở khảo sát nhu cầu, phương thức đào tạo cho phù hợp với thực tế. Mục tiêu từ nay đến năm 2015, dự kiến đào tạo cho 800 lao động học nghề tại Trung tâm Dạy nghề của huyện và 450 lao động được đào tạo tại các trường nghề trong nước. Để phục vụ nhu cầu đào tạo, dạy nghề của huyện trong thời gian tới, nhất là định hướng đến năm 2020, tỉnh đã đồng ý cho thành lập Trung tâm Dạy nghề huyện Đơn  Dương với tổng kinh phí đầu tư 40 tỷ đồng. Hơn lúc nào hết, trong nền kinh tế cạnh tranh cao như hiện nay, nguồn nhân lực có tay nghề sẽ quyết định tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, rộng ra đó là nền kinh tế địa phương.
Khải Nhiên

Đọc thêm