Theo Trưởng phòng Đào tạo và Công tác học viên Trần Minh Tiến, tính đến ngày 30/11/2016, Học viện Tư pháp đã tổ chức tuyển sinh được 5305 học viên tham gia chương trình đào tạo nghề luật sư 12 tháng, trong đó đã đào tạo được 3273 học viên và hiện đang đào tạo cho 2032 học viên. Các học viên chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong tổng số 3273 học viên tham gia khóa học thì có 2513 học viên đạt kết quả tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 77%.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, theo Trưởng phòng Trần Minh Tiến, chương trình đào tạo nghề luật sư thời gian 12 tháng đạt nhiều kết quả tích cực: đào tạo được số lượng lớn nguồn nhân lực tư pháp, góp phần phát triển đội ngũ luật sư và tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Cơ cấu và nội dung chương trình cơ bản hợp lý, đáp ứng mục tiêu, nhu cầu người học. Đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy cơ bản tốt.
Tuy nhiên, hạn chế của chương trình đào tạo nêu trên là chất lượng đầu vào của người học chưa cao. Mục tiêu, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp của học viên tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư là rất khác nhau. Bên cạnh đó, do nhu cầu của học viên, các lớp đào tạo được tổ chức vào buổi tối cũng làm ảnh hưởng đến việc đào tạo. Ngoài ra, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nghề luật sư còn thấp, nội dung thực tập còn hạn chế. Chương trình chưa có sự kiểm soát đối với hoạt động thực tập của học viên, chưa có sự liên kết, phối hợp với cơ quan, văn phòng nơi học viên thực tập…
Một trong những đề xuất của ông Tiến là nâng cao chất lượng tuyển sinh bằng con đường thi tuyển (hiện chỉ xét tuyển – PV). “Chỉ có thi tuyển đầu vào mới có thể phân loại, lựa chọn được người học đáp ứng với mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo”, ông Tiến nói.
Còn theo bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp thì Học viện đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ để khắc phục các bất cập nêu trên. Theo đó, học viên tùy khả năng của mình có thể rút ngắn thời gian học tập. Thời lượng trên lớp giảm mạnh, phát huy tính chủ động của học viên, khắc phục tình trạng giảng viên phải làm việc quá tải.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì băn khoăn vì xây dựng chương trình theo hình thức tín chỉ “chưa đảm bảo yêu cầu”; theo đó chuẩn đầu ra khá “hấp dẫn” nhưng chương trình thực tế lại không đáp ứng được. Đơn cử như đáp ứng kỹ năng bảo vệ cho người yếu thế nhưng thực tế lại không được đào tạo. Bà Hằng Nga cũng nhận định, bóng dáng của đào tạo các vấn đề mang tính quốc tế còn quá mờ nhạt. “Cần thay đổi tư duy tiếp cận trong đào tạo nghề cho luật sư, không chỉ đào tạo điều luật, văn bản luật mà phải đào tạo về “đời sống” doanh nghiệp, từ đó đặt ra những vấn đề pháp lý phải giải quyết. Cần thay đổi tư duy về đào tạo nghề, tránh đi vào đào tạo lối mòn”, bà Nga thẳng thắn.
Nhận xét chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các kỹ năng hành nghề luật sư thuần túy mà chưa cung cấp thêm cho các học viên các kiến thức bổ trợ khác để học có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh cũng như khả năng hợp tác với đồng nghiệp, ông Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật LT và Cộng sự gợi ý: nên bổ sung kỹ năng áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp, kỹ năng quản lý tài sản ủy thác, kỹ năng lobby chính sách, kỹ năng duy trì mối quan hệ với khách hàng…