Từ khi được chọn thành phố Hà Nội là 01 trong 12 địa phương để mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Thành ủy, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện việc thông báo, tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ của các cá nhân đủ điều kiện và có nhu cầu làm Thừa phát lại gửi Bộ Tư pháp xét duyệt tham gia các lớp bồi dưỡng, tạo nguồn để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại. Hàng trăm người đã được đưa đi đào tạo nguồn do Học viện Tư pháp tổ chức.
Thành phố cũng tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho Thừa phát lại. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực triển khai thực hiện Đề án tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực hoạt động cho Thừa phát lại. Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ với hàng trăm học viên tham gia.
Bản thân các Văn phòng Thừa phát lại, do nhu cầu công việc cũng chủ động, thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực, kỹ năng hành nghề cho đội ngũ Thừa phát lại, thư ký.
Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đô ngoài đội ngũ Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ, Kế toán, thủ quỹ, văn thư, lưu trữ, Văn phòng còn có các cộng tác viên làm việc theo vụ việc. Đội ngũ cán bộ Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ, cộng tác viên... có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành theo đúng quy định của pháp luật.
Các Thừa phát lại được Bộ Tư pháp bổ nhiệm và cấp thẻ hành nghề “Thừa phát lại”. Văn phòng đáp ứng mọi yêu cầu liên quan đến lĩnh vực hoạt động Thừa phát lại, đảm bảo thực hiện các chức năng nghiệp vụ: lập vi bằng; tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Văn Phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm rất chú ý công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, tham gia các lớp bồi dưỡng do Sở Tư pháp tổ chức, đồng thời liên hệ với một số Văn phòng Thừa phát lại phía Nam để tham vấn, tham khảo về công tác thực tế. Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông đã xây dựng, thực hiện Nội quy, quy chế làm việc, tổ chức hoạt động rõ ràng, hiệu quả để quản lý, giám sát công việc, nhân viên.
Văn phòng cũng đã ban hành các biểu mẫu văn bản, quy trình nghiệp vụ đối với từng hoạt động như lập vi bằng, tống đạt, thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án… Nhìn chung, đến nay, các Văn phòng đã xây dựng một đội ngũ Thừa phát lại và Thư ký được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đầy đủ để đáp ứng nhu cầu công việc.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông “cần có những buổi hội thảo, tọa đàm để nâng cao nghiệp vụ về Thừa phát lại. Vì các văn phòng Thừa phát lại ở Hà Nội còn trẻ nên đội ngũ Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ còn yếu về kinh nghiệm, nghiệp vụ thực tế. Vì vậy, Sở Tư pháp cũng như Ban Chỉ đạo cần phải tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm để các Văn phòng Thừa phát lại trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.
Còn Văn phòng Thừa phát lại Đông Dương mong muốn “Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức đầu ngành trực tiếp được giao đầu mối triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại và các Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại”. Văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng thì đề nghị tăng cường đào tạo bổ sung nguồn nhân lực; duy trì chương trình đào tạo rút ngắn trong một thời gian hợp lý để tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động Thừa phát lại trong giai đoạn hiện nay.