Đào tạo nhân lực y-dược : Tránh ồ ạt, không bảo đảm chất lượng

Làm thế nào để đào tạo nhân lực ngành y tế đủ đáp ứng yêu cầu xã hội, bảo đảm chất lượng là vấn đề được đại biểu các tỉnh, thành phố thảo luận tại hội nghị quốc gia về đào tạo nhân lực ngành y-dược theo nhu cầu xã hội lần thứ 2 vừa diễn ra tại Trường Đại học Y Hải Phòng.

Làm thế nào để đào tạo nhân lực ngành y tế đủ đáp ứng yêu cầu xã hội, bảo đảm chất lượng là vấn đề được đại biểu các tỉnh, thành phố thảo luận tại hội nghị quốc gia về đào tạo nhân lực ngành y-dược theo nhu cầu xã hội lần thứ 2 vừa diễn ra tại Trường Đại học Y Hải Phòng.

Cầu đang vượt cung
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Bùi Từ Thiện cho biết, toàn tỉnh hiện có 131 bác sĩ, bình quân 3,54 bác sĩ/vạn dân. Hơn 2 năm qua, tỉnh thực hiện chính sách thu hút bác sĩ giỏi về công tác tại địa phương, song tình hình không có gì sáng sủa. Năm 2008, tỉnh thu hút được 1 bác sĩ. Năm 2009 không có người nào. 6 tháng đầu năm 2010, mới có 1 trường hợp đăng ký về địa phương công tác. Do điểm chuẩn thi đỗ vào trường đại học y-dược quá cao nên số thí sinh là người Lai Châu đủ điểm trúng tuyển vào trường đại học y-dược ít, mặc dù địa phương luôn có chính sách ưu tiên cho những trường hợp này.
Để bổ sung cán bộ y tế phục vụ công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh Lai Châu “đặt hàng” đào tạo 440 bác sĩ và 140 trường hợp học liên thông lên đại học.

Các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố rất cần đội ngũ y bác sĩ giỏi, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
 Trong ảnh: Điều trị cho người bệnh thận mạn tính tại Bệnh viện hữu nghị Việt -Tiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình học, các sinh viên có điều kiện được làm việc tại một số bệnh viện lớn nên sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người từ chối về công tác tại địa phương. Cùng nỗi trăn trở, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trong 3 năm gần đây, nhiều y, bác sĩ đề nghị chuyển công tác, trong khi số cán bộ y tế được tuyển dụng có 1 trường hợp. Theo tổng hợp của ngành Y tế Hải Phòng, trong 5 năm gần đây, ngành không tiếp nhận được hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành y, dược về công tác tại tuyến xã, nhưng có 13 trường hợp xin chuyển công tác. Cũng chỉ có 2-3 trường hợp là người địa phương ở vùng xa như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, sau khi tốt nghiệp xin về công tác ở bệnh viện tuyến huyện.
Đây đang là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước. Không chỉ khu vực vùng cao “khát” cán bộ y tế mà ngay ở khu vực đồng bằng, trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng ,tình trạng thiếu y, bác sĩ cũng phổ biến.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số cán bộ y tế/10 nghìn dân năm 2008 thấp hơn so với thời điểm năm 1990 là 33,7 cán bộ y tế. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ cán bộ y tế/10 nghìn dân thấp hơn Thái Lan, Xingapo, Malaixia, Philíppin và tương đương Inđônêxia (số liệu năm 2006). Việc phân bố nhân viên y tế không đồng đều giữa các vùng miền. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có số nhân viên y tế thấp nhất, với hơn 40 nghìn cán bộ y tế/17,5 triệu dân (đạt tỷ lệ 23,1%) (vùng Tây Bắc có 10 nghìn nhân viên y tế/2,5 triệu dân đạt 38,2%, cao nhất cả nước).

Phó giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh cho biết: Hiện còn khoảng 40% số trạm y tế trên địa bàn thành phố thiếu bác sĩ. Các bệnh viện tuyến huyện thiếu bác sĩ trầm trọng. Nhân lực y tế hiện nay thiếu về số lượng, chất lượng chưa bảo đảm, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền đang cản trở năng lực cung cấp dịch vụ y tế theo nhu cầu xã hội.
Tổng hợp của Bộ Y tế, trong 5 năm (2003-2008), số nhân viên y tế có xu hướng tăng nhanh. Năm 2003, số bác sĩ là 47.587 người, dược sĩ đại học là 6.266 thì năm 2008 số bác sĩ tăng lên 56.208 người, dược sĩ tăng lên 10.524 người. Tuy nhiên, số lượng từng loại tăng không đồng đều. Kỹ thuật viên và y sĩ tăng khá chậm do 9 năm trước, các trường tập trung đào tạo bác sĩ cho tuyến xã, phường nên hạn chế số lượng tuyển sinh y sĩ. Thay vì chọn chuyên ngành kỹ thuật, sinh viên thích theo học ngành điều dưỡng lâm sàng hoặc những ngành không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật sâu, dễ kiếm việc làm. Vì nhu cầu của học sinh đăng ký thấp nên các trường buộc phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành kỹ thuật viên.
Để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh, các trường tập trung đào tạo bác sĩ và dược sĩ đại học. 10 năm qua, số bác sĩ và dược sĩ đại học tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Nhưng có thực tế, số dược sĩ đại học sau khi tốt nghiệp ra trường lại xin việc làm tại khu vực tư nhân nhiều hơn. Vì thế, số dược sĩ đại học làm việc ở cơ sở công lập hiện ít hơn so với năm 2006 là 430 người.
Theo quy hoạch hệ thống khám, chữa bệnh được Chính phủ phê duyệt năm 2007, mỗi năm, các bệnh viện có nhu cầu bổ sung khoảng 3.170 bác sĩ, 630 dược sĩ đại học, 5.830 điều dưỡng viên. Trong khi đó, tổng số cán bộ y tế được đào tạo theo nhu cầu của các trường năm 2009, hệ đại học 3610 chỉ tiêu, hệ cao đẳng 1.483 chỉ tiêu, hệ trung cấp 498 chỉ tiêu. Như vậy, các bệnh viện vẫn còn thiếu số lượng lớn bác sĩ và điều dưỡng viên. Ngành y tế đang phấn đấu phát triển nguồn nhân lực, với mục tiêu 7 bác sĩ/1 vạn dân vào năm 2010 (hiện nay 6,2 bác sĩ/1 vạn dân).

(Còn tiếp)
Hoàng Dũng

Đọc thêm