Nhiều sinh viên sư phạm thừa nhận rằng, các đợt kiến tập, thực tập sư phạm là một “cơ hội” để họ có dịp bộc lộ sự non, yếu, thiếu của mình. Các kiến thức về nghiệp vụ sư phạm (tri thức, kỹ năng sư phạm) được trang bị ở trường đại học không giúp họ được nhiều so với yêu cầu thực tế giảng dạy, giáo dục ở trường phổ thông.
Không phải giáo sinh nào cũng tự tin đứng trước đông đảo học trò như thế này |
Do thiếu tự tin trong quá trình thực tập sự phạm mà có tới 50% giáo sinh muốn đổi nghề. Đó là kết quả phỏng vấn sinh viên thực tập tại một trường phổ thông của PGS.TS Nguyễn Thanh Bình (ĐH SP Hà Nội).
Nghiệp vụ sư phạm – “Gót chân Asin”
Các chuyên gia đều thừa nhận, việc đào tạo nghiệp vụ đang là điểm yếu của các trường sư phạm hiện nay.
Nguyên nhân thực trạng trên xuất phát từ một thực tế: Nghiệp vụ sư phạm (NVSP) chưa được quan tâm trong các trường đào tạo sư phạm, thậm chí quá “nép vế” so với các kiến thức chuyên môn.
PGS.TS. Biền Văn Minh (Trường ĐHSP - Đại học Huế) đã “mổ xẻ” 5 cái yếu của đào tạo NVSP hiện nay. Đó là: Chương trình đào tạo NVSP đã được thực hiện nhiều năm nhưng chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc hình thành các kỹ năng sơ đẳng như cách trình bày vấn đề, viết, vẽ bảng, diễn giải, gợi mở vấn đề bằng hệ thống câu hỏi, xử lý tình huống sư phạm v.v... do đó, không phù hợp trước những biến đổi của khoa học, kỹ thuật, thông tin và công nghệ. Đội ngũ giảng viên dạy NVSP, khâu then chốt nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thì không phải tất cả đều có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết thực tế phổ thông. Công tác chỉ đạo, giám sát, điều hành, kiểm tra, đánh giá... các hoạt động có liên quan đến đào tạo NVSP chưa thực sự có hiệu quả. Việc tự đào tạo NVSP của sinh viên hầu như còn thụ động, chưa sáng tạo. Điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho lớp học NVSP còn thiếu: lớp tập giảng, dụng cụ, thiết bị phục vụ dạy học, tài liệu, phòng tự học...
GS. Phan Trọng Luận (ĐH SP Hà Nội) thì trăn trở trước thực tế, ngay một chương trình kỹ năng đặc thù của giáo viên Ngữ văn mà nhiều năm qua vẫn chưa xác định cho tường minh. Một giáo viên Ngữ văn không thể không biết biết bình văn, thẩm văn, nhưng ở trường sư phạm họ không được tập luyện gì đáng kể. Tình trạng đó tất nhiên đưa đến nỗi lo sợ bỡ ngỡ, lúng túng cho không ít sinh viên khi ra trường đứng trên bục giảng, từ một số ít năng động tự xoay xở dần.
TS Trương Thị Bích (ĐH SP Hà Nội) cho biết nghịch cảnh “sư phạm đi sau phổ thông” vẫn tồn tại dai dẳng. TS ví von, trường ĐH sư phạm là nơi “tạo ra sản phẩm”, còn các trường phổ thông là “khách hàng tiêu thụ sản phẩm”. Thế nhưng nơi đào tạo đã chưa quan tâm thực sự đến “đơn đặt hàng” của khách, đã cho ra lò những sản phẩm được đánh giá là “giàu tri thức chuyên môn, nghèo kỹ năng sư phạm”.
Thay đổi bắt đầu từ “Cỗ máy cái”
Để cải thiện tình trạng trên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhưng trước hết bắt đầu ngay từ chính các trường đào tạo sư phạm.
TS.Trương Thị Bích cho rằng, tinh thần đổi mới phương pháp dạy học phải được triển khai và thực hiện ngay từ chính người thầy dạy đại học. Tiếp đến, các môn học cung cấp tri thức sư phạm phải gắn kết, liên kết mật thiết với các hoạt động rèn kỹ năng sư phạm. Đồng thời, phải tăng cường tính năng thực hành cho sinh viên, tổ chức cho sinh viên sớm tiếp xúc với “môi trường thực” là môi trường nhà trường phổ thông.
Còn theo PGS.TS. Biền Văn Minh (Trường ĐHSP - Đại học Huế), để nâng cao năng lực sư phạm cho sinh viên đại học sư phạm phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới chương trình đào tạo NVSP, đào tạo đội ngũ giảng viên, quản lý tổ chức thực hiện, nâng cao ý thức tự học của sinh viên và phải có chuẩn chung về đào tạo giáo viên. Việc đào tạo NVSP cho sinh viên sẽ có hiệu quả và chất lượng khi chúng ta hình thành và phát triển được ở sinh viên những kỹ năng sư phạm như kỹ năng soạn giảng, nghiệp vụ chủ nhiệm, tổ chức các hội thi, tự học, tự nghiên cứu v.v... Các kỹ năng sư phạm giống như "mỏ quặng tri thức", chúng không nằm lộ thiên. Muốn có được những kỹ năng sư phạm tốt sinh viên phải bắt đầu bằng tâm sức, nội lực và cố gắng luyện rèn.
Ths Nguyễn Thị Kim Liên, trường ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh tới sự hợp tác của các giảng viên phương pháp với các trường THPT cùng với yêu cầu họ vừa phải giảng dạy tốt tại trường ĐH vừa phải thật thành thạo việc dạy một môn ở trường THPT
Khẳng định đổi mới rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, Giảng viên trường ĐH SP Hà Nội Phạm Kim Anh cho rằng, cùng với đổi mới quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm; đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới cách đánh giá hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên; thay đổi thời gian và nội dung kiến tập, thực tập sư phạm còn cần chú trọng tới việc dạy mẫu, làm mẫu trong quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm.
Đây là cách làm giúp sinh viên hình thành kỹ năng sư phạm bằng con đường nhanh, hiệu quả, sinh động nhất. Tiếc rằng, làm mẫu vẫn là điều ít thấy hoặc chưa được chú trọng trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm hiện nay. Theo giảng viên Phạm Kim Anh, dạy mẫu phải được coi là một yêu cầu bắt buộc trong quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Muốn làm được điều này, các trường ĐHSP phải có đội ngũ giảng viên không chỉ giỏi về lý thuyết mà phải giỏi về thực hành.
Theo GDTĐ