Đào tạo theo nhu cầu của xã hội là một trong những yêu cầu đặt ra đối với thị trường lao động hiện nay. Do đó, sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) vào quy trình đào tạo của các trường ĐH có thể cung cấp cho SV những nguyên lý, kỹ năng, phương pháp làm việc. Sự hỗ trợ, tạo điều kiện của DN trong thời gian thực tập của SV chính là giai đoạn quan trọng giúp SV hình thành kỹ năng tối thiểu cần có trước khi chính thức tham gia vào thị trường lao động. Nhiều năm trở lại đây, mô hình liên kết giữa nhà trường và DN đã bắt đầu đi vào chiều sâu chứ không chỉ đơn thuần chú trọng đến vấn đề tuyển dụng, cấp phát học bổng như trước đây.
Giúp SV hình thành kỹ năng mềm
Đào tạo nghề cơ khí ở Trường Cao Đẳng Nghề Đà Nẵng được các doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ. |
Để “lọt” qua “cửa” tuyển dụng nhân sự của các DN, nhiều trường ĐH, CĐ trang bị cho những cử nhân, kỹ sư tương lai các kỹ năng cần thiết trước mỗi khóa tốt nghiệp. Những tình huống, câu chuyện trực tiếp từ các DN là một kênh “cập nhật” thực tế nên rất bổ ích đối với đông đảo SV, giúp các em định hướng được cần phải trang bị thêm những gì ngoài kiến thức chuyên ngành trước khi tham gia thực sự vào thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Chia sẻ kinh nghiệm với SV ĐH Đà Nẵng trong chương trình giao lưu Cùng bạn mở ra con đường tương lai, ông Vương Triều Vũ - Giám đốc Marketing Công ty Samsung Việt Nam có 3 lời khuyên dành cho SV: Không nên kỳ vọng quá cao dễ dẫn đến thất vọng; không nên quá đòi hỏi, hãy tự khẳng định mình trước bằng việc làm rồi hãy đòi hỏi; không nên so sánh, “đứng núi này trông núi nọ”. Theo ông Vỹ, các bạn SV cần trau dồi khả năng ứng xử và giao tiếp 2 chiều. Qua kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, có SV có khả năng giao tiếp nhưng lại chỉ giỏi giao tiếp một chiều (nói nhiều) mà không biết lắng nghe. Lại có SV biết lắng nghe nhưng lại không giỏi giao tiếp. Các bạn trẻ phải biết sắp xếp thứ tự công việc cần được ưu tiên, tránh làm việc theo kiểu: Việc dễ, việc nào thích thì làm trước...
Ông Vỹ nhấn mạnh: “Các bạn phải luôn đặt câu hỏi với những công việc mình đang làm. Kể cả những vấn đề bạn không biết, bạn nên hỏi, không nên cứ “dạ, dạ... vâng, vâng”, nhưng trong đầu thì không hiểu gì về công việc đang làm. Không ai “giết” bạn vì một câu hỏi cả, vậy nên hãy học hỏi những gì mà mình không biết, không am tường để đạt kết quả tốt nhất trong công việc. Thế nên bạn hãy cứ mạnh dạn hỏi những điều chưa biết, đừng bao giờ coi đó là cái “dốt” của mình để rồi xấu hổ, không hỏi. Vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ làm hỏng công việc được giao. Hãy mạnh dạn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho mình, khoan hãy đòi hỏi về chế độ lương bổng ngay sau khi vừa mới chân ướt, chân ráo vào cơ quan đó. Tiền lương cũng quan trọng, nhưng kinh nghiệm làm việc còn quan trọng hơn. Khi bạn có được điều này, tiền lương của bạn ắt hẳn sẽ theo đó mà tịnh tiến...”.
Ông Nguyễn Thuật Đạt - Trưởng bộ phận Truyền thông và Tiếp thị ngành điện tử hàng gia dụng Công ty Samsung Việt Nam lại cung cấp cho các bạn SV một kinh nghiệm khác: “Mỗi hồ sơ của ứng viên, bộ phận nhân sự chỉ xem trong chưa đầy một phút, nên bằng cấp của các bạn chưa phải là điều quan trọng, mà phải là những chi tiết liên quan đến thế mạnh của cá nhân bạn. Thế nên các bạn hãy lưu ý là có những câu hỏi rất đời thường, rất cá nhân, nhưng chính điều đó lại quyết định bạn có được tuyển dụng hay không”.
Ông Nevin Shenoy - Phó Chủ tịch phụ trách Sales & Marketing của Intel tại châu Á - Thái Bình Dương lại nhận xét: “SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng có đủ trình độ để tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật cao. Tuy nhiên, phần lớn các em thiếu sự chủ động trong việc tiếp cận thông tin và tìm kiếm thông tin phù hợp, chỉ một số ít trong đó tự tin thể hiện năng lực của mình”.
Nhiều SV và các giảng viên đều có chung nhận xét: “Việc giao lưu với các doanh nghiệp trước mỗi mùa tuyển dụng chính là “hàn thử biểu” để SV tự điều chỉnh, hoàn thiện các kỹ năng của mình”.
Hai bên cùng có lợi
Từ năm học 2009-2010, Công ty “K” Line (Việt Nam) chuyên hoạt động về lĩnh vực giao nhận ngoại thương đã liên hệ trực tiếp với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) về kế hoạch “nuôi quân” của mình. Qua đó, công ty đã tuyển chọn 6 SV năm thứ 2 có học lực khá, hoàn cảnh gia đình khó khăn để cấp học bổng thường xuyên, 5 triệu đồng/năm học trong suốt 4 năm. Vào các năm học kế tiếp, công ty sẽ tiếp tục tuyển chọn 3 SV/1 năm học để bảo đảm đến khi 12 SV này ra trường, công ty sẽ chọn 9 ứng cử viên sáng giá cho các vị trí mà công ty cần tuyển dụng.
Như vậy, việc tuyển dụng của “K” Line sẽ trải qua một quá trình sàng lọc để lựa chọn những ứng cử viên đạt tiêu chuẩn. Mới đây nhất, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (khu Kinh tế Dung Quất) đã ký hợp đồng thỏa thuận về chương trình liên kết đào tạo với trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) cho ngành Hàn và Cơ khí chế tạo. Theo đó, phía Công ty Doosan sẽ chịu trách nhiệm đào tạo thực hành cho SV, tiếp nhận học sinh tốt nghiệp vào làm việc tại công ty, cấp học bổng cho SV khá giỏi của các lớp nằm trong chương trình liên kết đào tạo theo tỉ lệ 10/100 với mức 600.000 đồng/suất. Với việc liên kết đào tạo này, nhà trường có điều kiện tận dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp, giúp SV tiếp cận nhanh chóng với công nghệ; DN có nguồn nhân lực phù hợp với đặc thù công việc của mình.
Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thì: “Việc DN tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường là một hình thức đầu tư phát triển. DN có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Về phía nhà trường, ngoài việc được hỗ trợ, trang bị thêm cơ sở vật chất, học bổng cho SV, sự gắn kết này còn như là một phần của cơ chế học tập suốt đời và là một quá trình tương tác không thể tách rời”.
Ông Nam dẫn chứng: “Sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa nhà trường và DN đã giúp cho nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo, bổ sung, cập nhật kịp thời các môn học bổ trợ ngoài chương trình khung. Chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể để đến năm 2015 có ít nhất 50% bài giảng soạn bằng slide tiếng Anh và giảng bằng tiếng Việt. Đây cũng là khuyến nghị của tất cả các doanh nghiệp nước ngoài đến tuyển dụng tại trường”.
Ông Võ Như Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cho biết: “Nếu có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, thì đầu ra của SV sẽ đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động. Có một thực trạng là các DN thường đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có chuẩn cụ thể tới mức người lao động có thể làm việc ngay sau khi được tuyển dụng, và rất hay phàn nàn về chất lượng nguồn nhân lực, nhưng trên thực tế, số DN hỗ trợ, tạo điều kiện cho SV trong quá trình thực tập là rất ít”. Cũng đồng tình với nhận xét này, ông Trần Văn Nam bổ sung: “Trừ một số DN tên tuổi, hầu hết các DN trong nước chưa có kinh nghiệm về hợp tác với các trường ĐH và việc hợp tác chưa thực sự là nhu cầu sống còn của cả hai bên. Các DN nước ngoài thường có thói quen hỗ trợ lại cho nhà trường trong đào tạo như trang bị phòng thí nghiệm, thiết bị học tập, hỗ trợ đào tạo cho GV, tổ chức hội thảo giới thiệu những xu hướng hoặc công nghệ mới...”.
Các trường ĐH, CĐ đã bắt đầu xúc tiến thành lập Trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ DN, ngoài việc đóng vai trò là cầu nối, tạo điều kiện cho hai bên có cơ hội tiếp xúc và giới thiệu về mình còn là nơi hỗ trợ, đào tạo cho SV các kỹ năng mềm. Một kênh khác mà nhiều trường ĐH hiện nay đang khai thác là đẩy mạnh hợp tác thông qua các cựu SV. Đây chính là cầu nối quan trọng bởi hơn ai hết, cựu SV có nguyện vọng rõ ràng về đóng góp cho nhà trường, có am hiểu về cả hai: nhà trường - doanh nghiệp...
Hiền Lương
Lien ket1: Các DN hiện nay bắt đầu hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trong đào tạo lớp công nhân tương lai, trong đó có nghề may…
Lien ket2,3: …nhưng nhiều nhất vẫn là nghề cơ khí, như ở Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng.