Đạp xe quanh hồ Tây không chỉ là trào lưu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trào lưu đạp xe xung quanh Hồ Tây đang nở rộ trong vài năm gần đây. Xu hướng thể thao này không chỉ được người trẻ yêu thích, mà tất cả các độ tuổi đều có thể tham gia và được xem như một bộ môn thể thao giúp mọi người nâng cao sức khỏe, kết nối, giao lưu với bạn bè mới.
Đạp xe ở Hồ Tây đã trở thành thói quen lành mạnh của nhiều người dân Thủ đô. (Nguồn: Nụ Lương)
Đạp xe ở Hồ Tây đã trở thành thói quen lành mạnh của nhiều người dân Thủ đô. (Nguồn: Nụ Lương)

Cải thiện sức khỏe, thư giãn tinh thần

Thời gian gần đây, cứ vào khoảng 5 giờ sáng, khi bình minh bắt đầu nhú lên khỏi mặt hồ lăn tăn gợn sóng, cũng là lúc những chiếc xe đạp bon bon lăn bánh. Người người, nhà nhà đủ mọi lứa tuổi hào hứng đạp xe tập thể dục xung quanh hồ. Chẳng biết từ khi nào bộ môn đạp xe trở thành “liều thuốc” hữu hiệu vừa giữ gìn sức khỏe, vừa giúp mọi người giải trí.

Lương Thị Nụ (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mỗi tuần, cô đạp xe từ một đến hai lần vào những ngày nghỉ. Sau một thời gian luyện tập, cô đã có thể dễ dàng hoàn thiện chặng đường đạp hơn 15km quanh hồ Tây: “Mỗi buổi đạp xe vào sáng sớm đều khiến tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn. Cơ thể dẻo dai, săn chắc, hiện tại, tôi rất tự tin vào thân hình, sức khỏe của mình”. Nụ chia sẻ, trong tuần, lịch làm việc dày đặc khiến cô không có thời gian để sống chậm, thưởng thức phong cảnh xung quanh. Cuối tuần, cô có nhiều thời gian để thảnh thơi đạp xe hít thở không khí buổi sáng trong lành, thư giãn, trò chuyện cùng những người bạn. Nụ nói: “Thay vì tụ tập bạn bè, người thân trong những quán cà phê, quán ăn ồn ào, chúng tôi chọn cách hoạt động thể thao vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, vừa có thời gian tâm sự chuyện trò sau một tuần làm việc vất vả”.

Cô cũng cho biết, bây giờ có rất nhiều cung đường đạp xe ở Hà Nội, tuy nhiên, hồ Tây vẫn là lựa chọn hàng đầu của tất cả những người yêu thích luyện tập thể thao: “Hồ Tây vừa có phong cảnh đẹp, không khí thoáng đãng, dễ chịu, mát mẻ, rất phù hợp cho việc tập thể dục, thể thao. Đặc biệt, với những người đạp xe không chuyên, cung đường hồ Tây bằng phẳng, độ dài vừa phải đủ tạo thử thách, nhưng không làm kiệt quệ sức lực”.

Tại Thủ đô Hà Nội, trào lưu đạp xe bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ vào khoảng những năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 khiến toàn bộ hệ thống phòng tập ở Thủ đô đóng cửa. Các hoạt động thể thao ngoài trời bắt đầu được nhiều người hướng đến. Sau dịch bệnh, đạp xe đã trở thành thói quen, bộ môn yêu thích của nhiều người. Đặc biệt là thanh, thiếu niên hiện nay, khi phần lớn thời gian họ đều “giam” mình trong bốn bức tường, từ phòng làm việc, phòng học, phòng tập thể thao, nhà ở. Cuối tuần, đạp xe là cơ hội để người trẻ ra ngoài thư giãn một cách lành mạnh, vừa giữ dáng, vừa ngắm nhìn phong cảnh lại có thể trò chuyện với bạn bè.

Đối với những người trung tuổi, đạp xe đạp quanh hồ Tây đang trở thành thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Chị Nguyễn Kim Anh (46 tuổi, Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày chị đều dành khoảng 2 - 3 tiếng đạp xe quanh hồ Tây. Chị Kim Anh chia sẻ, trước đây, chị không có thói quen tập thể thao, cơ thể thường xuyên rơi vào tình trạng thừa cân, mệt mỏi: “Phải tập trong phòng gym bí bách, ồn ào khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Dù biết tập thể thao rất tốt cho sức khỏe, nhưng mãi vẫn không duy trì được thói quen lành mạnh này”.

Cho đến khi chị Kim Anh được một người bạn rủ rê nhập hội đạp xe, qua một tuần trải nghiệm, chị rất thích bộ môn này và đã theo được gần 2 năm. Chị chia sẻ: “Khi mới đạp xe, hai chân tê nhừ, rất mỏi. Nhưng sau này, dần dần cơ thể tôi đã thích nghi được với việc đạp xe, quãng đường đạp cũng tăng dần từ nửa vòng lên đến ¾ vòng và cuối cùng hoàn thiện hết toàn bộ quãng đường gần 20km đạp xe quanh hồ Tây”. Cũng nhờ đạp xe, chị đã giảm được 5kg, sức khỏe cải thiện rõ ràng, không bị đau mỏi cơ thể lúc thời tiết thay đổi hay ốm vặt nữa.

Chị vui vẻ nói: “Hiện tại, tôi duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất. Cơ thể tôi tuy không gầy đi như hội thanh, thiếu niên, nhưng săn chắc, khỏe khoắn. Đầu năm nay, tôi có thể leo lên đỉnh núi Yên Tử một cách dễ dàng khiến các đồng nghiệp vô cùng khâm phục”.

Không chỉ thu hút người trẻ, người trung tuổi, hoạt động đạp xe quanh hồ Tây còn trở thành bộ môn yêu thích của nhiều cụ già. Bà Nguyễn Thị Bình (68 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có hơn ba năm đạp xe liên tục cho biết: “Đạp xe vừa để rèn luyện sức khỏe, đồng thời giúp chúng tôi thư giãn rất nhiều”. Bà Bình chia sẻ, ở tuổi ngoài 60, cơ thể người già bắt đầu kém linh hoạt, dễ đau nhức, mệt mỏi, nên không thể đạp nhanh và khỏe như người trẻ. Nhưng không vì vậy, mà các cụ già bó hẹp cuộc sống của mình xung quanh bốn bức tường. Mỗi sáng đều đặn, hè như đông, hội người cao tuổi lại tập trung thành một nhóm đạp xe, vừa đi, vừa trò chuyện, ngắm cảnh.

Bà Bình hạnh phúc nói: “Đạp xe cũng phải chọn nơi có phong cảnh hữu tình để thưởng thức. Mùa hè chúng tôi đạp qua những hồ sen hồng, rặng hoàng yến vàng ruộm, những đóa bằng lăng tím lịm. Đến mùa thu hoa sữa thơm ngây ngất, mùa đông lá vàng rơi rụng, xuân tới sương khói trên hồ “mờ nhân ảnh”. Đối với những người cao tuổi, chỉ cần cuộc sống thư giãn, chậm rãi như vậy là đã có một ngày tràn đầy năng lượng rồi”.

Những tình bạn nhiều lứa tuổi

Đạp xe quanh Hồ Tây không những rèn luyện sức khỏe, cải thiện vóc dáng mà hiện nay, bộ môn này còn trở thành nơi tụ họp, giao lưu kết bạn của nhiều người. Mỗi buổi sáng sớm, chiều muộn, chỉ cần đi một vòng quanh hồ Tây có thể các nhóm đạp xe từ năm đến mười, hai mươi người. Bộ môn thể thao đơn giản này đã trở thành “cầu nối” giữa người với người, tạo nên nhiều tình bạn bền chặt ở mọi lứa tuổi.

Bộ môn thể thao đơn giản này đã trở thành “cầu nối” tình bạn cho nhiều người. (Nguồn: Cho thuê xe đạp)

Bộ môn thể thao đơn giản này đã trở thành “cầu nối” tình bạn cho nhiều người. (Nguồn: Cho thuê xe đạp)

Cô Nguyễn Thị Thanh Chuyên (55 tuổi, sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau hơn hai năm đạp xe, cô đã quen được với một nhóm tầm mười người. Mỗi sáng, từ 5 giờ, họ cùng nhau hẹn gặp ở Trích Sài, đạp một vòng quanh hồ Tây, sau đó cùng ăn sáng, đi chợ. Cuối tuần, mọi người có thời gian hẹn nhau đi cà phê, đi ăn, tâm sự, trò chuyện về cuộc sống thường nhật.

Cô Chuyên chia sẻ: “Tôi làm kinh doanh tự do, con cái đều đã lớn, thời gian rảnh rỗi nhiều. Ở nhà mãi vừa mệt mỏi, vừa buồn, từ khi đạp xe tôi quen với nhiều người bạn cùng chí hướng. Chúng tôi đều mong muốn có một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ”. Ban đầu, nhóm đạp xe của cô Chuyên chỉ gặp nhau khi đi tập thể dục, sau này, mọi người dần thân thiết, cởi mở, gần gũi với nhau. Hiện nay, họ trở thành người bạn thân thiết, chia sẻ mọi thú vui trong cuộc sống hàng ngày.

Đối với người cao tuổi, bộ môn đạp xe cần nhiều sức bền, có những người “đồng đội” ở bên cạnh chính là động lực để họ vượt qua bản thân mình mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Bình tâm sự: “Chỉ cần một người không bỏ cuộc, cả đội sẽ cố gắng đạp hết khả năng của mình. Đạp xe có những người bạn thân thiết, giúp tôi không cảm thấy mệt mỏi nữa. Thời gian dường như trôi qua rất nhanh, ba tiếng đối với tôi chỉ như ba mươi, bốn mươi phút”. Bà Bình cho biết, sau giờ phút tập thể dục căng thẳng, đội nhóm của bà cùng nhau đến quán ăn sáng, nạp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Đây là điều mà trước đây bà Bình thường không quan tâm.

Bà chia sẻ: “Khi chưa đi tập thể dục với nhóm ở hồ Tây, mỗi buổi sáng tôi chỉ đi bộ quanh khu, rồi đi chợ nấu cơm cho con cháu, bản thân mình không quan tâm, nhiều hôm còn bỏ ăn sáng”. Từ ngày tiếp xúc với nhóm đi xe đạp, bà được mọi người hướng dẫn nhiều cách giữ gìn sức khỏe, cả nhóm đôn đúc nhau ăn sáng - trưa - chiều đúng giờ, đủ chất để có sức khỏe chinh phục nhiều vòng hồ Tây hơn.

Giống như bà Bình, Lương Thị Nụ cho biết, đạp xe quanh hồ Tây với bạn bè giúp cho cô có khoảng thời gian vui vẻ, tích cực, nạp năng lượng sau một tuần làm việc căng thẳng. Hơn thế, đạp xe giúp cô kết nối với chính bản thân mình, tìm về với niềm đam mê, hứng khởi trước guồng quay vội vã của xã hội ngoài kia. Cô tâm sự: “Đối với tôi, hồ Tây sẽ luôn luôn là một “địa chỉ vàng” để thư giãn, tập bộ môn đạp xe. Tôi mong muốn ý thức của mỗi người sẽ ngày càng được nâng cao để hồ Tây luôn xanh, sạch đẹp. Đặc biệt, hy vọng vào mỗi cuối tuần, lượng xe ô tô ở hồ Tây sẽ được hạn chế lại, bảo đảm an toàn cho những người tập thể dục, thể thao”.

Theo Hiệp hội Y khoa Anh, đi xe đạp 20km/tuần có thể làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch 50%. Một nghiên cứu khác với 10.000 cán bộ, công chức cho thấy, nhóm đi xe đạp khoảng 20 dặm trong một tuần sẽ giảm một nửa nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim mạch hơn nhóm người còn lại. Ngoài việc có tác dụng tốt cho tim, đi xe đạp đặc biệt tốt với người bị huyết áp cao. Chỉ cần dành thời gian vừa phải đi xe đạp hàng ngày, mọi người có thể ngăn chặn tình trạng huyết áp cao, tránh đột quỵ.

Cũng trong nghiên cứu này, cho thấy, đạp xe tác động mạnh mẽ đến cơ thể, giúp các cơ bắp săn chắc, thon gọn vòng eo. Còn đối với người cao tuổi, chỉ cần đạp xe một cách vừa phải, đều đặn sẽ cải thiện tuổi thọ và thư giãn tinh thần rất tốt.