Đạt được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng nợ ở Hy Lạp

Gói trợ giúp Hy Lạp trị giá 20-22 tỷ ơrô (27-29 tỷ USD), trong đó Khu vực đồng ơrô đóng góp 2/3, phần còn lại do IMF cung cấp, phần đóng góp của các nước Khu vực đồng ơrô được tính theo tỷ lệ cổ phần của mỗi nước trong ECB.

Sau nhiều tuần tranh cãi, Khu vực đồng ơrô nhất trí trên nguyên tắc thành lập cơ chế an toàn tài chính chung phối hợp với Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và khôi phục lòng tin vào đồng tiền chung châu Âu.

Kết thúc ngày họp đầu (25-3) Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brúcxen (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hécman Van Rômpơi thông báo lãnh đạo 16 nước Khu vực đồng ơrô nhất trí với một thỏa thuận chưa có tiền lệ trong khu vực này do Đức và Pháp soạn thảo. Theo đó, Hy Lạp có thể nhận được các khoản vay song phương phối hợp từ các nước sử dụng đồng ơrô khác và từ IMF trong trường hợp có nguy cơ vỡ nợ. Nguồn tin Ủy ban châu Âu (EC) tiết lộ gói trợ giúp Hy Lạp trị giá 20-22 tỷ ơrô (27-29 tỷ USD), trong đó Khu vực đồng ơrô đóng góp 2/3, phần còn lại do IMF cung cấp. Đóng góp của các nước Khu vực đồng ơrô được tính theo tỷ lệ cổ phần của mỗi nước trong Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), theo đó những nước có cổ phần lớn như Đức và Pháp sẽ đóng góp nhiều nhất.

 

Cơ chế trên phải được coi là "giải pháp cuối cùng", tức là chỉ được áp dụng trong trường hợp Hy Lạp không thể vay mượn thêm trên thị trường tài chính. Thỏa thuận quy định việc cấp tiền cho vay phải dựa trên đánh giá của EC và IMF về mức độ nguy cơ mất ổn định ở Hy Lạp nói riêng và Khu vực đồng ơrô nói chung, cũng như dựa trên đề xuất của Aten. Mục tiêu xây dựng cơ chế không nhằm dành cho Hy Lạp nguồn trợ giúp tài chính với mức lãi suất trung bình trong Khu vực đồng ơrô, cũng không tính đến yếu tố bảo lãnh, mà nhằm thu hút thị trường tài chính "quay mặt lại" với Hy Lạp càng sớm càng tốt, thông qua việc ấn định lãi suất cho vay có tính đến rủi ro.

Giới quan sát nhận xét với thỏa thuận trên, Đức đã đạt mục đích chính là "kéo" IMF vào gói cứu trợ Hy Lạp và chỉ áp dụng gói cứu trợ này trong trường hợp tối cần thiết. Trong khi đó, Pháp phải từ bỏ lập trường trước đó coi sự can dự của IMF trong vấn đề Hy Lạp là một bê bối đối với Khu vực đồng ơrô.

Chủ tịch EC coi thỏa thuận trên là "quyết định đúng đắn tại thời điểm hiện nay". Lãnh đạo Hy Lạp coi thỏa thuận này là "quyết định thỏa đáng" có thể giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Trong khi đó, giới phân tích lo ngại quyết định của Khu vực đồng ơrô chỉ có tác dụng giảm bớt, chứ không giải tỏa được tâm trạng lo lắng của các nhà đầu tư về mức độ nợ chính phủ cao trong khu vực.
 

Đọc thêm