Các nhà đầu tư đang đua làm nhà giá rẻ, đáp ứng nhu cầu thiết thực của thị trường. Điều này đã tác động mạnh đến BĐS cuối năm.
Người có đất rao bán giá "trên trời" chỉ để "theo mặt bằng chung" còn người mua nhà lại tỏ ra thờ ơ, đủng đỉnh.
Rao cả tháng chẳng ai mua
Cuối năm 2010, chúng tôi tìm đến những "điểm nóng" về bất động sản ở Hà Nội như đường Lê Văn Lương kéo dài, các dự án khu Xa La, Vân Canh, Nam An Khánh, khu đô thị An Hưng, Cổ Nhuế... để khảo sát tình hình giá cả chung. Giá đất ở đây vẫn đang đứng ở mức cao ngất ngưởng: Đất dịch vụ Vạn Phúc chào bán với giá 47 triệu đồng/m² (đất chưa phân lô trên thực tế); Mặt đường Vạn Phúc (đầu đường Lê Văn Lương kéo dài) 200 triệu đồng/m²; Chung cư Văn Khê giá thấp nhất là 28 triệu đồng/m²; Đất liền kề Văn Khê 80 - 85 triệu đồng/m² tùy diện tích...
Thậm chí, giá biệt thự tại đô thị Mỗ Lao cũng leo lên trên 100 triệu đồng/m² hay xa hơn như Phú Lương, Phú Lãm, Yên Nghĩa (Hà Đông), Thanh Lương, Cự Khê, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai)... giá đất cũng từ 20-30 triệu đồng/m², có nơi lên tới 35 triệu đồng/m²...
Người có đất rao bán giá "trên trời" chỉ để "theo mặt bằng chung" còn người mua nhà lại tỏ ra thờ ơ, đủng đỉnh.
Rao cả tháng chẳng ai mua
Cuối năm 2010, chúng tôi tìm đến những "điểm nóng" về bất động sản ở Hà Nội như đường Lê Văn Lương kéo dài, các dự án khu Xa La, Vân Canh, Nam An Khánh, khu đô thị An Hưng, Cổ Nhuế... để khảo sát tình hình giá cả chung. Giá đất ở đây vẫn đang đứng ở mức cao ngất ngưởng: Đất dịch vụ Vạn Phúc chào bán với giá 47 triệu đồng/m² (đất chưa phân lô trên thực tế); Mặt đường Vạn Phúc (đầu đường Lê Văn Lương kéo dài) 200 triệu đồng/m²; Chung cư Văn Khê giá thấp nhất là 28 triệu đồng/m²; Đất liền kề Văn Khê 80 - 85 triệu đồng/m² tùy diện tích...
Thậm chí, giá biệt thự tại đô thị Mỗ Lao cũng leo lên trên 100 triệu đồng/m² hay xa hơn như Phú Lương, Phú Lãm, Yên Nghĩa (Hà Đông), Thanh Lương, Cự Khê, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai)... giá đất cũng từ 20-30 triệu đồng/m², có nơi lên tới 35 triệu đồng/m²...
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất là những chủ đất đang rao bán tại các khu vực này đều lắc đầu lo lắng về tình trạng ế hàng. Bà Trịnh Ngọc Hà (thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) than thở: "Khi có quy hoạch làng đại học ở Vân Canh, ngay gần khu đất nhà tôi. Vợ chồng tôi khấp khởi nghĩ là nhà mình đến kỳ "phất".
Bàn nhau đợi đến khi nào xây xong khu trường đại học sẽ xây ki ốt, xây nhà cho sinh viên thuê. Khu đất ở phía sau nhà cũng chờ đến lúc đó mới bán cho được giá. Nhưng bây giờ nhà tôi rất cần tiền để xây sửa căn nhà cũ kỹ, xập xệ nhưng đất rao bán chẳng có người mua. Bán phá giá thì sợ thiệt còn bán cao lại không có khách".
Ngược lại với tâm lý lo lắng của những người có đất, những người có nhu cầu mua nhà tỏ ra khá đủng đỉnh. Anh Lý Thế Minh, nhân viên kế toán, Công ty kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Sơn Bình cho biết: "Tôi vẫn đang thuê nhà nhưng không còn quá sốt sắng với việc mua nhà nữa. Hàng loạt dự án nhà giá rẻ đang đua nhau xây dựng.
Theo dự kiến, đến năm 2015 sẽ có 15.500 căn nhà giá thấp và thực tế đã có hàng nghìn hộ được sở hữu những căn hộ dạng này. Tôi chờ thêm ít năm nữa cũng không sao".
Tâm lý chờ đợi cho nguồn cung dồi dào, giá rẻ bớt của anh Minh cũng là tâm lý chung của nhiều khách hàng hiện nay, khi mà mặt bằng giá đất ở nhiều khu vực thuộc Hà Nội đang bị "thổi" lên ngất ngưỡng.
Nhà giá thấp đang "sung"
Giá liên tục tăng là do người mua và người bán hiếm có cơ hội gặp nhau, chủ yếu thông qua trung gian, môi giới. Theo đó, các trung gian đã tuỳ tiện "làm giá" để "cưa đôi" phần chênh lệch với người bán, hoặc "ăn" trọn phần giá vượt.
Theo quy định, các trung tâm môi giới bất động sản phải có ít nhất 1 người có chứng chỉ môi giới nhưng “cò” đất tự do có ở khắp nơi và không thuộc văn phòng nào đã mặc nhiên điều chỉnh giá đất theo ý muốn của mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cho rằng, những chiêu "kích giá" của “cò” đất hiện đã lỗi thời. Người có nhu cầu hiện nay đã nhìn nhận thị trường một cách chuẩn xác và đúng đắn hơn, không còn chạy theo thông tin như trước nữa.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Phải đến lúc giá nhà đất về giá trị thực. Nếu giá đất và giá căn hộ cao cấp không bớt nóng thì tương lai đây sẽ là thị trường bị bỏ ngỏ. Khi thị trường suy giảm, doanh nghiệp nên hướng tới sản phẩm vừa túi tiền của người dân, sát với nhu cầu thực tế... Do đó, để giảm bớt gánh nặng chi phí, doanh nghiệp sẽ chuyển hướng đầu tư ở những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước như nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Hơn nữa đây cũng là phân khúc thị trường mức cầu cao nhất".
Ông Trần Minh Quý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị cũng cho rằng, hàng chục năm nữa, các doanh nghiệp vẫn sẽ phải đi theo mô hình nhà cho người thu nhập thấp do thu nhập của người dân vẫn còn ở mức trung bình thấp.
Một cặp vợ chồng trẻ lập nghiệp ở thành thị được sở hữu căn hộ 40m² là lý tưởng. Số lượng những gia đình như thế đang chiếm đa số. Các doanh nghiệp tập trung xây dựng nhà ở để bán cho các đối tượng này trước là hợp lý.
Theo GĐ&XH