Đất lở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gió chiều thổi man mác, xô ngọn bần ven sông nghiêng nghiêng, những con sóng nhẹ vỗ vào bờ ì ạch, mang đất đi bồi ở nơi nào đó, để lại cù lao này những vết lở còn mới, báo hiệu những trận mất đất kinh hoàng.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Sáu hay chèo xuồng qua đất liền một mình để đi chợ, có một mình thôi nên biết đi với ai bây giờ. Kể từ ngày chồng mất do lặn tìm cá ngát ngoài vàm sông bị chuột rút, Sáu chỉ có một mình. Hai năm rồi, một mình nghe gió lùa cù lao, một mình nghe nước đập vào bờ óc ách, một mình bơi xuồng đi đây đi đó, cũng buồn. Hôm hay tin chồng mất, Sáu một mình chèo xuồng ra vàm, mặt tỉnh bơ, không một giọt nước mắt. Trong khi đó con Hiền khóc bù lu bù loa, khi hay chồng nó lặn xuống cứu chồng Sáu mà cũng không thấy lên. Bà con ai cũng xì xầm “Chắc nó không thương chồng nó, ác nhơn thiệt, chồng chết mà tỉnh bơ, ai đời mà ngộ vậy.” Tỉnh bơ vậy đó mà hai năm rồi kể từ khi chồng Sáu bị bà Thủy lôi đi, Sáu ở vậy, một mình, không đi thêm bước nào nữa. Còn con Hiền, khóc sướt mướt vậy mà đi ba bốn bước rồi, chắc giờ cũng đã mỏi chân.

Căn nhà của Sáu cũng hiu quạnh hẳn đi khi chồng Sáu mất, chưa con cái gì, giờ nhà rộng lại càng rộng hơn, thênh thang như thiếu một thứ nào đó to lớn đặt trong nhà. Bàn thờ khói vẫn nghi ngút mỗi khi trời chập tối, từng làn khói mỏng lãng đãng bay trong nhà, mơ hồ và buồn hiu hắt. Những con cò trắng ăn về muộn kêu nghe ảo não, lạc hướng, bơ vơ như Sáu bây giờ vậy. Ngôi nhà hướng mặt ra sông, sau nhà là nấm mồ còn mới cùng mảnh vườn cằn khô theo nắng cháy của cù lao, những ngọn cỏ cũng vàng rợp, cúi đầu. Ai cũng khuyên Sáu đi thêm bước nữa, tìm một người về phụ cuốc mảnh vườn, phụ đi giăng cá, nhưng Sáu chỉ lắc đầu.

“Nhà phải có đàn ông thì mới chắc chắn chứ bây.” – Bà bán cá ngoài chợ nói khi Sáu ghé qua cân mấy con cá còn tươi vừa mới giăng lưới lúc sáng.

“Thôi chị, chắc hay không là do mình, đừng tự phá đổ nó là nó chắc chứ gì chị” – Sáu trả lời trong khi đôi tay bắt mấy con cá ra khỏi giỏ.

“Bây thiệt là, sao mà chung tình hết sức.”

Sáu cười, một nụ cười buồn, trầm lắng. Nụ cười kéo cái không khí náo nhiệt của chợ xuống, như chỉ còn vài tiếng thì thầm. Đâu phải cười là vui, có những nụ cười buồn lắm chứ, chắc tại khóc hết nổi rồi nên cười vậy thôi.

Sáu chèo xuồng về, nước vỗ vào mạn thuyền kêu tí tách, nối nhau vỗ tạo nên thứ âm thanh liên hồi nghe buồn đứt ruột, nắng rọi xuống mặt sông bị máy chèo phá tan thành từng đốm nhỏ li ti nhưng không biến mất. Cũng như nỗi buồn của Sáu, hai năm rồi mà nó có phai đâu, nặng thấy mồ. Chiếc xuồng xé nước làm hai mảnh, chẻ ngang những con sóng, Sáu nhớ ba năm trước khi mà chồng Sáu bồng Sáu xuống chiếc xuồng này để chở đi bệnh viện vì vô tình trượt chân bước từ xuồng lên bến, hư thai. Sáu nằm trên xuồng nghe từng cơn đau quặn nát lòng dạ, đau vì đứa con xấu số không chịu ở trong bụng mẹ mà đòi ra ngoài, đau vì đã mất đi phần máu thịt hay đau vì thấy những giọt nước mắt của chồng mình rơi xuống đôi gò má sạm nắng, gầy gò, Sáu đau, như muốn chết đi, rồi chợt nghĩ “Ai lo cho ảnh, ảnh khờ muốn chết, tin người muốn chết, bị người ta gạt rồi sao, ảnh thương mình muốn chết, mình chết sao mà ảnh sống nổi đây”. Vậy đó, cố mà sống, vì thương nhau. Hồi đó cũng vì thương nhau mà hai vợ chồng dắt díu nhau bỏ nhà ra cù lao này ở, lúc đầu ở trên xuồng, rồi người ta thấy thương cho cất nhà ở đậu, rồi dần mua luôn mảnh đất nhỏ ấy, rồi có một gia đình ấm cúng. Kể ra thì gọn vậy thôi, chứ lâu lắm, cực lắm, cha mẹ hai bên không thương thì tự thương mình vậy, nghĩ ra thì chắc cũng thương nên mới không cho cưới, ai mà biết, lâu rồi. Những dòng suy nghĩ cứ như những con sóng, nối nhau vỗ vào tâm khảm Sáu những nỗi buồn thơ thẩn, gió làm nghiêng mấy cây bần, chắc cũng nghiêng luôn lòng Sáu, chông chênh hết biết.

Tiếng chuông điện thoại vang lên, loãng ra giữa trời nước bao la, Sáu tấp xuồng gần vào đám dừa nước ven bờ, cặm chèo xuống lớp bùn tối đen mờ mịt, nghe điện thoại.

“Con nghe má ơi!”

“Ờ, rồi bây quyết định sao.”

“Con không về đâu má, lâu lâu rồi con về thăm má một lần, chớ con không ở luôn đâu.”

“Mầy thiệt sao mà cứng đầu cứng cổ hết biết, thằng đó nó chết mục thây rồi mà còn đâu nữa mà thương, mà nhớ” – Những lời của má đay nghiến Sáu, chua chát, nặng nề đè lên vai Sáu, nước mắt ứa ra, mặn chát, cả một vùng sóng nước như thu hẹp lại bóp nghẹn lấy tim Sáu và rồi những lặng thinh ôm tròn lấy người đàn bà khổ trăm bề khổ, nhấn chìm vào những day dứt triền miên.

Hai hôm trước em Sáu gọi cho Sáu, nó nói má Sáu gọi Sáu về là để lấy ông chủ thầu xây dựng công trình cầu Xóm Củi. Sáu chẳng biết nói gì nữa, chỉ dặn nó “Em chăm sóc ba má dùm chị, lâu lâu rồi chị về thăm em với ba má nghen”, rồi Sáu cúp máy, nghe lòng mình đau quặn thắt sau tiếng “tít”, nghe những xót xa đọng ứ nơi đầu lưỡi, đắng ngắt. Lâu lâu Sáu cũng tự chất vấn lòng mình, sao mà thương dữ vậy, chết rồi mà vẫn còn thương, Sáu nghĩ “Đâu phải sống mới thương, chết cũng thương thấy mồ vậy, thương là thương vậy đó, đâu có phân biệt sống hay chết, ở hay đi”.

Trời đã đứng bóng, Sáu bơi xuồng về, máy chèo nặng trịch những ngổn ngang tâm sự. Sáu bơi ngang nơi cù lao hướng mặt nhìn ra biển, đó là cái vàm sông, nghe một tiếng đổ ầm, sông lại lấy đất đem đi, mất biệt không tăm tích. Người ta bắt đầu dọn nhà đi, bỏ cái cù lao này, bỏ cái mảnh đất mà họ đã đeo bám nửa đời người, có khi hơn. Không ai chịu ở lại, không ai chịu cái cảnh ngủ một đêm dậy cái sân, vườn cây, hay thứ gì đó bị sông nuốt mất, hoặc tệ hơn là chưa kịp nghĩ ra cái cảnh ấy thì cả người và nhà nằm trọn dưới họng sông ngầu đục. Mỗi ngày đều có người rời đi, mang vác è ạch, dọn hết những thứ có thể dọn, sẵn dọn luôn những mớ kí ức lộn xộn đem đi. Sáu vẫn ở.

Bơi xuồng về đến nhà, mấy cái liếp đất cứng đanh, khô khốc, giòn vì nắng táp đã được xới lên và be thành liếp cẩn thận. Ba Nghĩa đã tranh thủ lúc Sáu đi chợ chạy lại cuốc cho Sáu, anh không nỡ nhìn Sáu làm mấy công việc nặng nhọc, anh không nỡ nhìn người mình thương cực khổ. Chắc Sáu không thương, nên Sáu cứ im re hoài. Cố tình không để ý đến những việc mà Ba Nghĩa là cho Sáu, thờ ơ, nên cũng khiến Ba Nghĩa buồn buồn. Cái hôm lợp lại cái mái nhà, Ba Nghĩa cũng qua trèo lên lợp, anh nghĩ “Đàn bà mà, ai mà làm ba cái chuyện đó.” Sáu đưa lá lên, suốt cả buổi đến khi nóc nhà được lợp lại xong, chẳng ai nói ai câu nào, im lặng. Tiếng lá khô cọ vào nhau khô khốc, tiếng gió rì rào, tiếng lòng thổn thức, mọi thứ vô tri, câm lặng xung quanh đều lên tiếng, nhưng hai con người biết nói thì lại không nói, biết thương mà lại không nhận mình thương. Sáu vẫn cứ thờ ơ, thờ ơ như cái cách mà chồng Sáu chết. Chẳng nói tiếng nào, phải chi nói “Anh đi nghen, em ở lại mạnh khỏe.” Vậy thì đã đỡ buồn hơn rồi, tệ hết biết.

Nhà Ba Nghĩa hướng nhìn ra vàm sông lớn, anh thường hay bơi xuồng đi giăng lưới, nghèo nhưng không đến nỗi xơ xác. Ba má anh mất để lại cho anh căn nhà cùng mảnh vườn trồng cây ăn trái hồi anh hai mươi ba tuổi, giờ ba mươi bảy rồi, chưa có vợ, chắc chờ Sáu. Chờ mòn mỏi, chờ hồi nữa năm trước khi chồng Sáu mất, vẫn âm thầm làm những công việc nặng nhọc nhà người ta, vẫn âm thầm xem nhà người ta có việc gì nặng nhọc không, cứ như thế, một năm rưỡi rồi, Sáu vẫn im re.

Sáu cũng muốn đi, cái cù lao này người ta đi gần hết, sông đang cựa mình nuốt đất, nó muốn lấy lại những gì mà người đời đã cướp của nó. Con người âm thầm lấy của sông những hạt cát tinh khôi để kiến tạo nên những gì mà họ cho là đẹp. Sông lấy lại của con người những cái đẹp mà họ cố dựng xây, rốt cuộc rồi sông chẳng mất gì cả, nhưng con người thì tay trắng. Sáu đã thầm nghĩ “Mình đi rồi mồ mả ảnh ai lo.” Như cố che đi cái sự ràng buộc đã từ lâu hình thành trong tim Sáu, Sáu không muốn đi. Sáu cảm giác như có sợi dây vô hình nào đó đã nối Sáu với cái đất cù lao này, nối Sáu với những thâm tình, nối Sáu với những tình cảm bình dị nhưng đậm đà, nồng ấm. Nồng ấm như muốn thiêu rụi Sáu, nó khiến Sáu phải day dứt hoài, day dứt mãi không nguôi, nó như muốn đốt cháy Sáu thành tro, nắm tro của những tình yêu vĩnh cửu.

Sáu chợt thấy mình tệ quá, vô tâm quá. Sáu nhớ từ hồi biết Ba Nghĩa đến giờ, Sáu chưa từng qua nhà để xem anh sống như thế nào dù là trên danh nghĩa tình làng nghĩa sớm, thờ ơ quá. Rồi chợt nghĩ chắc sáng mai sẽ qua nhà để coi coi anh sống như thế nào, chắc là chỉ coi thôi, Sáu nghĩ vậy.

Sáu nghe người hớt hải la, hớt hải chạy, trời đã lờ mờ tối. “Nhà thằng Ba Nghĩa bị lở mất xuống sông rồi Sáu ơi!” Choáng váng, thất thần, Sáu chạy. Đôi chân trần tứa máu vì đạp phải đá, ống quần bà ba rách bươm khi Sáu chạy qua đám tre gai nhà chú Chín. Chẳng biết sao mình lại chạy nhanh như thế, chẳng biết sao mình lại thấy nhói tim khi nghe cái tin mất đất. Mỗi ngày mà, người ta cũng chạy mỗi ngày mà, hôm nào mà sông không nuốt nhà, nuốt đất, nhưng hôm nay Sáu thấy tim mình đã vỡ ra như đất bị sông nuốt làm nứt vỡ rồi tan biến.

Sáu mong là Ba Nghĩa đi bắt ba khía, bắt cua, bắt vọp, chưa bao giờ Sáu mong như thế. Cái mong ước nhỏ bé tầm thường nhưng hôm nay nó to lớn và vô vọng quá, Sáu thấy tim quặn thắt. Sáu đứng nhìn một khoảng đất mới toanh vừa biến mất, nhìn con nước ngầu đục nhẹ nhàng trôi qua cái nóc nhà còn nhấp nhô trong sóng, Sáu thấy đau, đau như ai vừa rạch nát tim mình rồi đem thả xuống con nước trôi lờ lững nhưng lại hung tàn hết biết. Chẳng biết Ba Nghĩa ở đâu, đang cố vùng vẫy bất lực dưới con nước tối om kia, hay đang cười khi bắt được con cua, con vọp, ai mà biết. Mấy tiếng đồng hồ qua, Sáu đứng như chết lặng, nước mắt tuôn ướt đôi gò má gầy, ướt luôn ngực áo đang nhấp nhô từng nhịp nghe thổn thức, Sáu không nói gì, nhưng đau không thể tả. Những người xung quanh họ cũng chỉ biết đứng nhìn, chú Chín thở một hơi dài, chú thì thào: “Số phận nó vẽ cho con Sáu những khung trời rất đẹp, những viễn cảnh rất tươi nhưng lại tô lên cho nó những gam màu tối và buồn, không biết đó có phải là tuyệt tác của cuộc đời không nữa.” Nhưng sao tuyệt tác gì mà nhìn vào đau lòng hết biết, đau lòng nhất là khi nghe Sáu thốt lên câu “Trời ơi, Nghĩa không về vậy rồi ai theo tôi về đất liền hả, Nghĩa ơi!”.