Nghe radio với ba

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bữa Tết rồi tôi chở ba tôi đi chơi. Ba nói mở Ngọc Tân nghe hát đi. Tôi mở lại cho ba bài “Hà Nội và tôi” của Lê Vinh. Ông nghe say sưa và kết luận: “Ca sĩ chả có ai hát hay hơn Ngọc Tân”.
Nghe radio với ba

Suy nghĩ của ba có thể là “độc tài”, nhưng con người và thế hệ của ba, tôi hiểu ông có tình cảm riêng tư với giọng hát da diết, ẩn chứa nhiều khắc khoải này.

Với những người trẻ bây giờ ít ai biết đến Ngọc Tân, ông cũng mất cách đấy khá lâu (2004) và có một cuộc đời đầy biến cố. Nhà văn Trần Thị Trường bộc bạch: “Cuộc đời Ngọc Tân với số phận của kẻ vượt biên không thành vì kinh tế, vợ chết ngoài biển, tàu dạt vào Hà Tĩnh sau cơn bão, tiền không còn, phải đổi chiếc đồng hồ lấy ván chôn cất vợ qua lời kể của anh vào những lần gặp nhau, khiến tôi rất thương cảm”.

Hồi học đại học, tôi hay mua băng cassette về ca sĩ Ngọc Tân mang về cho ba. Ba tôi vui lắm, nghe hoài từng đêm. Ngọc Tân hát “Chiều trên bến cảng” hay “Hà Nội và tôi” rất hay. Với gu nghe nhạc của mình, tôi nghĩ chả có ai hát hay hơn anh về hai ca khúc này. Có sự chân thành, trải nghiệm và day dứt. Có chất tài tử, phong lưu của trai Hà Nội.

Bài mà tôi nghe Ngọc Tân hát luôn xúc động đó là ca khúc “Người yêu dấu ơi”. Một bài hát mà cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời bấy giờ nay đều liên tưởng ngay đến âm điệu quen thuộc một thời.

Bản nhạc “Người yêu dấu ơi” này, có tên gốc trong tiếng Nhật là “Koibito yo” tức chính là câu chữ để gọi người tình, người yêu của mình. Ca khúc được cô ca sĩ Mayumi Itsuwa, lúc bấy giờ còn chưa được mấy người biết tới, vừa đệm đàn piano vừa hát để trình làng vào năm 1980. Bản nhạc ngay lập tức chiếm luôn vị trí số một trong bảng xếp hạng Oricon ba tuần liên tiếp, và đến cuối năm đó thì đoạt giải ca khúc hay nhất nước Nhật trong năm.

“Koibito yo, soba ni ite – Người yêu dấu ơi, hãy ở lại đây với em”. Trong lời Việt, Ngọc Tân dồn cảm xúc vào câu nhạc đó, nói rằng “Người yêu dấu ơi, người về đây với tôi”. Đa số khán giả thời bấy giờ truyền nhau câu chuyện về nỗi buồn của người nghệ sĩ có vợ con chết trên biển trong chuyến vượt biên hụt, cho nên cái nỗi đau nặng nề hơn, thấm đẫm hơn, khiến người nghe bật khóc vì sự chia ly.

Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ thêm: “Tiếng hát của Ngọc Tân cực kỳ đặc biệt, cũng dòng nhạc như nhau, cũng phù hợp những bài hát của Trần Tiến nhưng Quang Lý hát một hiệu quả khác, mượt hơn, tình hơn nhưng Ngọc Tân hát sang hơn, lắng hơn, đau đớn khắc khoải hơn với đặc trưng ở chất giọng hơi khàn, nhưng quãng rộng và ở tiếng nấc nghẹn mà không sến…”.

Có một điều tôi thấy đáng tiếc và hơi thất vọng là bây giờ ít ai nhắc về cố ca sĩ này. Trên phát thanh, truyền hình hầu như không phát lại những ca khúc ông hát. Người ta như vô tình bỏ quên đi một giọng hát huyền thoại, gắn bó với giai đoạn chuyển giao của đất nước và ra đi trong lặng lẽ.

Thế hệ trẻ thì đương nhiên họ không biết vì họ không có thông tin, họ có những nhu cầu giải trí mới hơn, phù hợp với tư duy mới. Chỉ còn lại những người mê ông hát như ba tôi và tôi cũng thỉnh thoảng tự tìm tòi trên mạng nghe lại khi hồi niệm trở về…

Mỗi danh ca là một giai đoạn trong ký ức của chúng ta, mà khi ca sĩ mất đi, thì một phần ý ức còn tồn đọng lại qua những gì mà họ đã tóm bắt từ một thời gian và không gian của cuộc sống để diễn tả vào trong âm nhạc

Tết, lại nghe Ngọc Tân hát như xưa với ba. Giọng hát vẫn đầy mãnh liệt yêu thương, quá khứ lại ùa về bên ngôi nhà nhỏ, nghe radio trong đêm mưa với ba thật ấm cúng. Có những thứ tưởng chừng đứt gãy lại hàn gắn vì một câu chuyện âm nhạc.

“Người yêu dấu ơi người về đây với tôi với bao thời gian với bao kỷ niệm…”. Ngọc Tân hát thiết tha quá, giọng cảm tưởng như đang khóc mà vẫn vang vọng giữa muôn trùng biển khơi.