'Em nấu tình yêu thành món canh'…

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Đã bao lâu, ai đó trong chúng ta không tỉ mỉ “nấu tình yêu thành món canh”, trong căn bếp nhỏ ấm áp, cho người mình thương…

Cảnh phim Muôn vị nhân gian. (Nguồn: Gaumont)
Cảnh phim Muôn vị nhân gian. (Nguồn: Gaumont)

Hồi nào đó đọc sách, có một bài thơ dù chỉ đọc một lần, nhưng nhớ hoài…

Em nấu tình yêu thành món canh

Không thổ lộ, không khoa trương

Để đôi khi trong cô tịch

Mình em nếm

Em nấu tình yêu thành món canh

Như hương hoa lan xa mười dặm

Dù trời lặng gió

Thẩm thấu, cho và gửi lại

Thanh thoát…

Và nay xem Muôn vị nhân gian lại nhớ bài thơ này. Phim nói nhiều về thức ăn, về quá trình nấu ăn, nhưng đó là cuộc sống, là đời người, là sự giao cảm của hai tâm hồn, nhẹ nhàng nhưng lại hoà quyện tựa những nguyên liệu trong một món ăn được chuẩn bị kỹ. Tình yêu như ẩm thực, ăn ngon sẽ là khi những giác quan trên cơ thể cùng cảm nhận. Mắt nhìn thấy vẻ đẹp món ăn, mũi ngửi hương thơm, tai nghe tiếng đồ nướng hay dao nĩa lách cách, tay chạm được sự tươi sống và miệng nếm được ngũ vị đủ đầy.

Khi Eugenie nói về chuyện dù không ngồi ăn cùng, không nói chuyện cùng thực khách, nhưng cô và họ vẫn đã có giao tiếp với nhau thông qua việc ngửi cùng một hương thơm, nếm cùng một vị giác. Tựa như trong tình yêu, có khi người ta sẽ vượt qua được những giao tiếp ngôn ngữ thông thường, để chạm được đến cảm xúc của người kia.

Sự ẩn dụ về tình yêu và ẩm thực trong phim được diễn tả bằng ngôn ngữ điện ảnh duy mỹ đến mức ai đó sẽ thấy đói, muốn được ăn và muốn được sống trong những khoảnh khắc, không gian của tình yêu. Muốn được một người yêu mình như yêu cả bốn mùa, như cách mà Dodin yêu Eugenie.

Hai con người sống trong cùng một dinh thự đồng quê, chàng yêu nàng, ngỏ lời suốt hai chục năm trời mà nàng vẫn khéo léo lảng tránh. Họ chỉ có một sở thích chung là chế biến món ăn và tổ chức tiệc. Khi nào không mời bạn bè thì hai người mời nhau và cho người giúp việc cùng thưởng thức.

Không chỉ là món ăn nóng hổi thơm lừng được bê ra bàn, mà tỉ mỉ từ khâu chọn cá chọn thịt, phi hành tỏi, xào rau củ, thứ chần nước sôi, thứ hầm trong nồi nước sùng sục, thứ cho lửa bùng cháy trên chảo… Đó là những bữa tiệc, một người sành ăn và một đầu bếp hạng nhất mở đầu phim bằng tiệc chiêu đãi bốn người bạn. Sau đó là bữa tiệc ngoài trời chiêu đãi một vị hoàng tử. Chàng sành ăn được phong là “Napoléon của ẩm thực” cầu hôn nàng đầu bếp. Sau hai chục năm nàng mới có vẻ ưng thuận. Thế là chàng phải tự tay nấu một bữa ăn tao nhã nhất, coi như một lời cầu hôn.

Họ nói với nhau những lời đẹp đẽ nhiều hàm ý. Và khi nàng có ý nói chàng không làm thơ thì chàng đã ứng khẩu một bài thơ rất… ẩm thực. Tức là thơ cũng vẫn là chuyện lá rau con cá bếp lửa và gia vị. Ở những phút cuối cùng, máy quay lia nhiều vòng, mỗi vòng 360 độ, quanh toàn bộ căn phòng cùng nội thất. Cánh cửa mở ra sân qua mỗi vòng dường như lại đổi sắc theo sự biến đổi của mỗi mùa. Câu đối thoại cũ được lặp lại theo những vòng quay thời gian. Chàng nói rằng họ đang ở mùa thu của cuộc đời. Nhưng nàng không đồng tình, nàng cảm thấy như đang giữa mùa hè, nàng yêu mùa hè sống động.

Lấy bối cảnh tại một vùng quê nước Pháp năm 1885, Muôn vị nhân gian là câu chuyện tình giữa ẩm thực gia lừng danh Dodin (Benoît Magimel) và nữ đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche). Bên nhau 20 năm, họ như hai mảnh ghép không thể tách rời. Eugénie chính là người đã biến những ý tưởng món ăn trong đầu Dodin thành hiện thực. Ngược lại, vị ẩm thực gia cũng góp ý, tạo ra những thử thách để nữ đầu bếp nâng cao tay nghề.

Trong suốt 20 năm, vị ẩm thực gia vẫn luôn kiên nhẫn với người bạn đồng hành của mình kể cả khi cô nhiều lần khước từ lời cầu hôn của Dodin bởi

Eugénie luôn khao khát tự do.

Hai người giữ khoảng cách không quá gần cũng không quá xa, thủ thỉ với nhau những câu chuyện vừa vu vơ vừa như tâm sự. Và tình yêu của họ cũng vậy, chẳng cháy bỏng nồng nhiệt như ngọn lửa, mà dịu mát và âm ỉ miên man như một điệu valse bồng bềnh, phiêu lãng.

Mỗi bữa ăn của họ giống như một cuộc hành trình khám phá thú vị. Họ coi món ăn chính là tác phẩm nghệ thuật được người nghệ sĩ gửi gắm những câu chuyện, nỗi lòng chan chứa…

Thông qua ẩm thực, Trần Anh Hùng thể hiện sự mềm mại đầy nữ tính và cả những hoài cảm của anh về cái chết, về sự mất mát, tiếc nuối. Trần Anh Hùng nói rằng, anh muốn khán giả có thể nhìn lại chính đời sống của họ qua những tác phẩm của mình, qua câu chuyện về tình yêu và sự mất mát. Bởi lẽ cuộc sống luôn có những điều ta vô tình đánh mất mà không hay biết.

Những món ăn và những dự cảm về đời người. Như cách Dodin thừa nhận anh và Eugénie đã bước vào mùa thu của tuổi trẻ, viên mãn trong đời sống nhưng không biết hạnh phúc ấy liệu có thể kéo dài bao lâu. Hay như những câu thoại của

Eugénie vang lên trong nền âm thanh tĩnh lặng và trống rỗng. Có cảm giác văng vẳng từ một thế giới khác vừa gần mà cũng vừa xa. Mới hôm nào

Eugénie còn là “người đầu bếp của riêng Dodin”, cùng anh uống rượu vang, chế biến ẩm thực và đi dạo trong cánh đồng. Nhưng rồi một ngày, Eugénie biến mất đột ngột, để lại trong Dodin khoảng trống khôn nguôi.

Càng về sau, cảnh phim càng chuyển sang gam màu lạnh. Như bao phủ một nỗi buồn miên man về cuộc đời vô thường. Nhắc nhở con người, rằng sự chia xa vẫn luôn là một phần cuộc sống.

Dù có trau chuốt đến đâu, các món ăn vẫn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, như đời người và những cuộc chia ly không báo trước. Nhưng dù biết trước sẽ có những mất mát, vẻ đẹp và dư vị của chúng vẫn ở lại mãi, trở thành những ký ức tha thiết, đầy hoài nhớ…

Đã bao lâu, ai đó trong chúng ta không tỉ mỉ “nấu tình yêu thành món canh”, trong căn bếp nhỏ ấm áp, cho người mình thương…