Đặt lợi ích của người dân, đất nước lên hàng đầu khi tranh luận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúng ta đều hiểu, tranh luận là một sinh hoạt bình thường trong đời sống xã hội, trong đó những cuộc tranh luận lành mạnh sẽ tạo ra những góc nhìn, tiếng nói đa chiều, thúc đẩy sự tiến bộ. Điều này không chỉ cần trong cuộc sống hàng ngày mà cả trong các hoạt động của hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp… để từ đó “chân lý sinh ra trong tranh luận”, mang lại lợi ích cho người dân, đất nước.
Văn hóa tranh luận tại tòa - một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng xét xử - Ảnh minh họa
Văn hóa tranh luận tại tòa - một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng xét xử - Ảnh minh họa

Người dân đã thấy được hiệu quả của “Quốc hội tranh luận”

Ngày 27/10/2021, tại phiên họp trong Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, không khí nghị trường đã “nóng” với phần tranh luận thẳng thắn, dân chủ, rất sôi nổi của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh dự án Luật Cảnh sát cơ động. Trước yêu cầu đặt ra là việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra, các ĐBQH đã tranh luận sôi nổi.

Đơn cử như về vấn đề “Có nên trang bị máy bay cho lực lượng cảnh sát cơ động”, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, đây là chính sách lớn, cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể. Còn ĐBQH Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Tội phạm ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí trang thiết bị hiện đại thì lực lượng công an nói chung, cảnh sát cơ động nói riêng sử dụng máy bay là nhu cầu cần thiết”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định trang bị tàu bay cho cảnh sát cơ động là không hợp lý. Tranh luận với ĐBQH Phạm Văn Hòa, ĐBQH Đặng Hùng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho rằng, cảnh sát cơ động chủ yếu đảm bảo an ninh trật tự, xử lý bạo loạn, khủng bố nếu sử dụng máy bay quân đội tham gia trong các vụ việc thì không phù hợp chức năng, nhiệm vụ của công an. Kinh phí có tốn kém nhưng cần tiến lên hiện đại, có thể trước mắt chưa có nhưng lâu dài cần bố trí cho lực lượng này…

Có thể thấy quá trình tranh luận, phản biện đã cho thấy các ĐBQH đã có những nghiên cứu kỹ, có trách nhiệm và có tinh thần phản biện làm rõ nhiều vấn đề, nhiều góc nhìn mới giúp cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Điều này cũng cho thấy, giá trị của tranh luận tại nghị trường là chạm được những vấn đề “nóng”, chạm đúng và trúng những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Còn nhớ, chiều 18/11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV kết thúc. Điều ấn tượng của kỳ họp với các các ĐBQH cũng như báo giới và người dân theo dõi các kỳ họp là tham luận còn nhiều nhưng đã giảm, thay vào đó là hình ảnh những tấm bảng sử dụng quyền tranh luận liên tục được giơ lên, mô tả khá sống động hình ảnh của hoạt động nghị trường. Theo thời gian, người dân đã thấy được hiệu quả của một “Quốc hội tranh luận” vào đời sống.

Vấn đề này cũng được Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định trong bài viết “Tranh luận tại nghị trường” trên báo chí vào tháng 12/2017. Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, chính tranh luận đã làm cho những phiên chất vấn hấp dẫn hơn; các vấn đề được đề cập trở nên sáng rõ hơn. Ðây là một bước tiến đáng ghi nhận trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

“Tranh luận tại nghị trường là một hoạt động rất quan trọng trong quy trình quản trị quốc gia. Trong nhiều mô hình thể chế, đây có lẽ còn là hoạt động quan trọng nhất và thực chất nhất của nghị viện… Tranh luận cũng rất quan trọng đối với Quốc hội nước ta, vì Đảng cầm quyền cũng có đa số trong Quốc hội. Chủ trương, chính sách của Đảng chắc chắn sẽ được Quốc hội thông qua. Vấn đề là tranh luận tại Quốc hội sẽ làm cho các chủ trương, chính sách đó trở nên sáng rõ, minh bạch hơn. Và Đảng cũng có điều kiện được cân nhắc thêm về chủ trương, chính sách của mình khi được nghe ý kiến về sự nhìn nhận vấn đề từ những góc độ khác nhau” – Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, khi tranh luận tại nghị trường thì không thể xem nhẹ văn hóa tranh luận. “Một số vấn đề liên quan đến văn hóa tranh luận cũng cần được quan tâm. Thí dụ, văn hóa tranh luận đòi hỏi chỉ được tấn công quan điểm, chứ không được tấn công con người. Hay, lập luận phản biện phải dựa trên chứng cứ và logic, chứ không dựa trên sự suy diễn và quyền thế... Dù rằng, liên quan đến hoạt động tranh luận ở nghị trường, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề. Tuy nhiên, thành tựu đạt được rất đáng được ghi nhận. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường tiến tới chuyên nghiệp của Quốc hội nước ta”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.

Văn hóa tranh luận tại tòa - một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng xét xử

Ngày 15/3/2018, tại TAND TP HCM đã diễn ra phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là cán bộ Navibank về tội “Cố ý làm trái gây thiệt hại”. Trong phần tranh luận và đối đáp của Viện KSND TP HCM của phiên tòa này, có một sự kiện là Hội đồng xét xử (HĐXX) đã phải nhắc nhở luật sư về “văn hóa tranh luận” tại tòa.

Cụ thể, một luật sư ý kiến về việc HĐXX không công bằng khi để các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank phát biểu nhiều nội dung trùng lặp trong khi một số luật sư khác thì ngắt lời. Trước đó, chiều 14/3/2018, một luật sư bị HĐXX mời về chỗ vì trong lúc bào chữa cho bị cáo luật sư này đã bị HĐXX nhắc nhở về thái độ, lời nói khi tranh luận, nhưng luật sư cho rằng ông không thể dừng lại để sửa 1, 2 từ ngữ, khi bào chữa xong nếu sai thì sẽ xin lỗi sau.

Trả lời ý kiến của luật sư về việc này, HĐXX cho rằng HĐXX ngắt lời và mời luật sư về chỗ là bởi lời hành văn bào chữa của luật sư có lời lẽ mang tính xúc phạm các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo HĐXX, luật sư bào chữa cho các bị cáo trên cơ sở đánh giá chứng cứ nhưng không được mang tính quy chụp. Trong lời phát biểu, luật sư tự cho mình quyền được xúc phạm người khác trước, sau đó thấy sai thì xin lỗi nên HĐXX buộc phải mời luật sư này về chỗ chứ không phải ngắt lời khi luật sư bào chữa về hành vi của bị cáo. Theo HĐXX, để giúp cho HĐXX làm sáng tỏ vụ án trên cơ sở khoa học pháp lý và có những phán quyết đúng quy định pháp luật, Tòa mong trong phần tranh luận các bên cần có thái độ đúng mực, không sử dụng lời lẽ xúc phạm nhau.

Dưới góc độ của văn hóa tranh luận nói chung và văn hóa tranh luận tại pháp đình nói riêng, có thể nói lời nhắc nhở và mong muốn của HĐXX trong phiên tòa ngày 15/3/2018 cũng là mong muốn chung để nâng cao chất lượng xét xử tại Việt Nam.

Văn hóa pháp đình được đánh giá từ hai khía cạnh là văn hóa vật thể pháp đình (thường đề cập đến cơ sở vật chất của tòa án, một phần không thể thiếu để tạo nên một nền văn hóa pháp đình Việt Nam mang bản sắc dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của từng thời đại) và văn hóa phi vật thể pháp đình (thường đề cập đến việc xử lý các mối quan hệ trong tố tụng và và việc ứng xử trong phiên tòa của những người tham gia tố tụng).

Cả hai khía cạnh văn hóa pháp đình này đều được coi là hai trong những giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Chính vì thế, ngày 30/3/2017, TANDTC đã ban hành Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC hướng dẫn công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Một trong những nội dung rút kinh nghiệm theo hướng dẫn của TANDTC là về tác phong, trang phục, lời lẽ, ứng xử, bản lĩnh nghề nghiệp của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thành viên Hội đồng xét xử…

Ở góc độ luật sư - một thành phần không thể thiếu tại chốn pháp đình, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch trong bài viết “Văn hóa pháp đình” đăng trên Cổng thông tin của Đoàn Luật sư TP HCM để trao đổi nghiệp vụ đã bày tỏ quan điểm. Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, nếu như nói về văn hóa vật thể pháp đình chúng ta có thể hình dung ra được những tòa án uy nghi thể hiện tính quyền lực Nhà nước thì nói về văn hóa phi vật thể pháp đình còn nhiều sự phức tạp mà ít được quan tâm đến. Chúng ta biết tòa án là nơi tôn nghiêm, tất cả mọi công dân khi đến tòa án phải có ý thức tôn trọng. Nhưng hầu như hiện nay chưa có một quy chế nào cụ thể để qui định từ tác phong, cách ăn mặc... cho người đến chốn pháp đình cả cho dù họ đến tòa án với bất kỳ tư cách nào.

“Trong cách ứng xử giữa HĐXX, Viện kiểm sát, luật sư cũng còn nhiều điều để phải bàn. Trong cách xưng hô của mình, công tố viên đại diện cho Viện kiểm sát khi đọc cáo trạng hay phát biểu quan điểm của mình chỉ kính thưa HĐXX mà quên đi sự hiện diện của luật sư. Điều mà luật sư chúng tôi quan tâm nhất vẫn là thái độ của HĐXX khi luật sư trình bày luận cứ bào chữa hay tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, nhiều thẩm phán đã giơ tay khoác bảo luật sư phải ngồi xuống hay cắt ngang không cho luật sư trình bày... đều là những hành vi không tôn trọng luật sư, không dân chủ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa pháp đình.

Thiết nghĩ, trong xu thế hội nhập hiện nay trong mỗi chúng ta phải tự ý thức được việc thể hiện văn hóa nơi pháp đình một cách nghiêm túc, phát huy tính nhân văn trong xét xử; những tinh hoa của truyền thống văn hóa, đạo đức vốn đã thấm nhuần trong dân tộc ta để ngày một nâng cao vị thế của pháp đình. Bên cạnh việc nâng cao ý thức văn hóa pháp đình, các cấp lãnh đạo của ngành Tòa án nên đưa ra những quy định cụ thể hơn nhằm khắc phục tình trạng thiếu sót như hiện nay. Điều quan trọng nữa là cần xây dựng kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất cho các tòa án cấp quận, huyện theo một mô hình thống nhất để đáp ứng cũng như bảo đảm cho việc xét xử được công bằng, dân chủ hơn và nhất là thể hiện rõ tính quyền lực nhà nước của pháp đình” - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nêu quan điểm.

“Chân lý sinh ra trong tranh luận” và, rất tiếc, chết đi cũng ở trong đó. Nếu như người ta hiểu biết về cách thức lập luận và vận dụng nó phù hợp thì quả thật tranh luận có thể làm sáng tỏ chân lý. Ngược lại, nếu người ta lập luận bằng mọi cách chỉ cốt để bảo vệ những định kiến đã có sẵn thì chân lý sẽ chết chìm trong những trận luận chiến kéo dài. Có thể, trong trường hợp thứ hai nói trên, tranh luận cũng sinh ra “chân lý”, nhưng mỗi người sẽ được sinh hạ một “chân lý” của riêng mình” – trích bài viết “Lập luận trong tranh luận” của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

Đọc thêm