So với nhiều địa phương khác như Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh… thì Lâm Hà vẫn là “vùng đất mới”. Tháng 10/1987 huyện Lâm Hà chính thức được thành lập trên cơ sở kết hợp một số xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng với Khu Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, với việc phát huy tốt nội lực của địa phương, cùng với đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ chí tình của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội (bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ), xuân này Lâm Hà đã là vùng đất trù phú vào hạng nhất nhì của cả tỉnh.
|
Bà con DTTS Đạ Đờn (Lâm Hà) chăm sóc lúa thu đông. |
Ông Nguyễn Đức Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà phấn khởi thông báo: Lâm Hà nay đã là vùng cây nguyên liệu tập trung lớn của cả tỉnh với khoảng 41.093 ha cây công nghiệp dài ngày, bao gồm 39.255 ha cà phê (diện tích cà phê của Lâm Hà hiện đứng thứ 2 của cả tỉnh, sau Di Linh), 1.432 ha dâu tằm và 406 ha chè. Xác định cà phê, chè, dâu tằm là ba “mũi nhọn” để “đột phá, tăng tốc” trong phát triển KT-XH, những năm gần đây ngành nông nghiệp Lâm Hà đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, chuyển giao KHKT cho nông dân và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tới đầu tư phát triển các loại cây trồng này. Và vì vậy, Lâm Hà đã hình thành được các vùng cây nguyên liệu chất lượng và năng suất cao ở vùng Nam Ban, (với cây dâu tằm) vùng Lán Tranh, Phú Sơn (với cây cà phê catimo)… Nhiều dự án, cơ sở chế biến nông sản cũng đang được đầu tư tại địa phương để sản xuất - cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua và chế biến cà phê, chè, tơ tằm cho nông dân. Theo Phòng Công thương Lâm Hà, trên địa bàn huyện hiện đã có 8 cơ sở chế biến tơ tằm, 25 cơ sở sản xuất - cung ứng tằm giống và thu mua kén tằm; 3 doanh nghiệp thu mua - chế biến chè xuất khẩu, 18 cơ sở chế biến chè nội tiêu; 10 cơ sở chế biến cà phê… và phần lớn cà phê, chè, kén tằm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn đã được thu mua - chế biến - tiêu thụ. Hiện tại đã có một vài doanh nghiệp mạnh đầu tư chế biến nông sản tinh để xuất khẩu 100% sản phẩm ra ngoài nước mà Thái Hòa là một doanh nghiệp điển hình với sản phẩm cà phê hòa tan. Xác định cà phê, chè, dâu tằm là mũi nhọn để tăng tốc phát triển, giai đoạn 2005-2010 vừa qua, nền kinh tế của Lâm Hà đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 14,47% (trong đó ngành nông - lâm - thủy sản tăng 10,06%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 26,5%, ngành thương mại - dịch vụ tăng trưởng 27%); thu nhập bình quân đầu người đạt 19,1 triệu đồng/ năm - vượt 0,7% kế hoạch “tăng tốc, đột phá”.
Kinh tế phát triển nhanh đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn của vùng đất mới Lâm Hà. Thống kê của UBND huyện cho thấy, tới nay Lâm Hà đã hoàn thành công tác đầu tư lưới điện và trên 95% số thôn, khu phố đã được sử dụng điện lưới; 65% trường học, phòng học đã được kiên cố hóa (trong đó 18,5% trường lớp đạt chuẩn Quốc gia); 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tất cả các địa phương trong huyện đều đã được Nhà nước đầu tư các công trình điện - đường - trường - trạm và 46% diện tích đất nông nghiệp đã chủ động được nước tưới từ các công trình thủy lợi.
Tỷ lệ hộ nghèo ở Lâm Hà chỉ còn khoảng 5% và hàng ngàn hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp với thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Số liệu này cho thấy Lâm Hà đã thực sự thoát khỏi nghèo khó để trở thành địa phương giàu có, khang trang trong tương lai gần.
Đức Hưng