Đất phía tây Hà Nội sốt giá mới?

Thông tin đường Láng - Hòa Lạc sắp đưa vào sử dụng cùng ý tưởng trục Thăng Long được lập trong đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội có thể thành hiện thực đã được các đầu nậu lợi dụng thổi giá đất vùng ven phía tây Hà Nội tăng chóng mặt, kể cả đất nông nghiệp.
Thông tin đường Láng - Hòa Lạc sắp đưa vào sử dụng cùng ý tưởng trục Thăng Long được lập trong đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội có thể thành hiện thực đã được các đầu nậu lợi dụng thổi giá đất vùng ven phía tây Hà Nội tăng chóng mặt, kể cả đất nông nghiệp.


Khu đất tại xã Vân Côn này đang tăng giá. Ảnh: Đức Kế

Đất nền, đất lúa tăng tuốt
Chúng tôi tìm về xã An Khánh (Hoài Đức - Hà Nội), nơi được xem là tâm điểm tăng giá đất thời gian qua. Cách Khu đô thị Nam An Khánh khoảng 1km, anh Trí sống ở đây dẫn chúng tôi đi xem mảnh đất kẹt rộng chưa đầy 80m2, cho biết: Tuần trước tôi rao bán 21 triệu đồng/m2 nhưng nay phải 25 triệu đồng/m2, vì cách nhà tôi một đoạn, người ta đã bán được giá 25 triệu đồng/m2. Theo anh Trí, vài tuần nay, giá đất tăng liên tục. Có nhà hàng xóm vừa bán hôm trước với giá 17 triệu/m2, đến hôm sau người ta đã sang tay với giá 24 triệu đồng/m2. Tại thôn Quyết Tiến (xã Vân Côn - Hoài Đức), chúng tôi tìm gặp chủ đất tên là Dũng, người đang rao bán đất qua mạng internet. Dũng dẫn chúng tôi đi xem mảnh đất 60m2, mặt tiền 4m, sát chợ Ngô, cạnh đường Láng - Hòa Lạc. Anh cho biết, mảnh đất này anh mua lại của một người trong làng hồi tháng 1-2010, với giá 15 triệu/m2, nay giá đất đang lên từng ngày nên anh sẽ bán với 26 triệu đồng/m2. Gần đó, ông Đích rao bán 360m2 đất thổ cư, sổ đỏ chính chủ, cách đường Láng – Hòa Lạc 150 m, giá 25 triệu đồng/m2. Theo lời giới thiệu của một cò đất, chúng tôi tìm về xã An Thượng (Hoài Đức). Ông Trạch đưa chúng tôi đi xem mảnh đất ở sâu trong thôn Ngự Câu. Ông Trạch cho biết, mảnh đất này rộng 106m2 nhưng diện tích được cấp theo sổ đỏ chỉ 83m2. Vì thế, ông mới bán với giá hơn 1,1 tỷ đồng. Bởi theo ông, nếu chỉ bán phần đất trong sổ đỏ thì sẽ có giá 26 triệu đồng/m2. Hàng xóm của ông từ đầu năm đến nay đều đã bán với giá 15-28 triệu đồng/m2. Xã Đồng Quang (Quốc Oai - Hà Nội) cách các khu đô thị và đường trung tâm tương đối xa nhưng giá đất cũng đang lên từng ngày. Trước Tết, giá đất trong thôn Đồng Lư phổ biến ở mức 3-5 triệu đồng/m2. Thế nhưng, những ngày vừa qua, giá đất đã tăng gấp đôi. Theo thống kê của một số sàn giao dịch bất động sản, trong hai tuần qua, giao dịch đất nền dự án đã tăng 2-3 lần so với những tuần liền trước đó. Các lô có diện tích 50-120m2 nằm ở phía tây Hà Nội, dọc trục đường Láng - Hòa Lạc, nằm ở các xã An Khánh, Vân Côn… được giao dịch nhiều nhất, với mức tăng giá khoảng 40%. Đất nền dự án tăng nhiều nhất là khu vực Dương Nội. Cuối tháng 3-2010, đất ở khu vực này dao động 26-28 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên khoảng 32 triệu đồng/m2. Tại khu dự án Bắc An Khánh, giá đất nền tăng 1-1,4 tỷ đồng/lô. Ở khu vực Xa La, nhiều giao dịch thành công ở mức gần 40 triệu đồng/m2, tăng 8-10 triệu đồng/m2 so với cách đây 2 tuần. Từ đường Láng - Hòa Lạc rẽ vào chưa đầy 100m, chúng tôi gặp anh Ba, một cò đất ở xã Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội). Căn nhà vợ chồng Ba đang ở nằm trên đất dịch vụ chính quyền cấp cho khi thu hồi đất làm đường Láng - Hòa Lạc. Ba bảo: “Chưa có sổ đỏ nhưng giá không dưới 30 triệuđồng/ m2”. Dẫn chúng tôi đi khắp lượt cánh đồng trồng rau màu trước làng, Ba cho biết: Trước Tết, giá đất canh tác ở đây chỉ dăm bảy trăm ngàn một mét vuông. Nhưng giờ, giá đất tăng cả chục lần. Ba đưa tay chỉ một vòng quanh thôn: “Hầu hết đất ruộng màu ở đây đã được bán trao tay!”. Chị Thanh ở thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn đang thăm ruộng gần đó cho biết, đây vốn là mảnh ruộng gần 2 sào của gia đình chị. Cả nhà chị trước kia chỉ sống nhờ mấy sào ruộng, trồng rau màu cũng tạm đủ ăn. Nhưng vài năm nay, rất nhiều khách đến hỏi mua, dù rằng đất này chưa được cấp sổ đỏ. Mãi gần đây, có người chấp nhận mua với giá 4 triệu đồng/m2, gia đình chị mới đồng ý bán. Phía sau làng An Hạ, cánh đồng Rằm Giếng, Hàng Câu, Ngự Câu…, nằm giáp với bên kia là Khu Đô thị Nam An Khánh, Khu Đô thị Hà Đô và Thiên đường Bảo Sơn. “Vài năm trước, giá đất sốt nhất ở Nam An Khánh nhưng giờ đây điểm nóng nhất là các xã An Thượng và Vân Côn” - Tuấn khẳng định. Cũng theo Tuấn, sở dĩ đất ở An Thượng tăng chóng mặt là vì dự án mở rộng đường 72 nối từ Hà Đông xuống và đường vành đai 4 sắp thành hiện thực. Không lâu nữa, một con đường rộng, hiện đại sẽ chạy qua đây. Lúc đó, khu vực xã An Thượng, Vân Côn sẽ được bao bọc bởi hai tuyến đường hiện đại. Chính vì thế, giá đất ruộng ở khu vực này có nơi tới 15 triệu đồng/m2, thế mà cũng khó mua, bởi người dân đang chờ giá lên cao hơn nữa… Lãnh đạo xã Vân Côn cho biết, do đất đai ngày càng đắt, nên rất nhiều người dân tự ý xây dựng nhà cửa và công trình phụ trên đất ruộng, thậm chí còn lấn chiếm đất công để xây nhà. Xã liên tục tổ chức cưỡng chế nhưng vẫn không xuể.“Dại gì không bán”!? Theo chuyên gia bất động sản của Cty Long Giang, thực chất giá đất ở các khu vực trên đang tăng ảo. Nguyên nhân giá đất tăng do một số đại gia trước đó đã mua nhiều đất với giá rẻ. Sau đó, mua vài mảnh với giá rất cao, để tạo thông tin ảo, bán lại cho người mua sau, kiếm lời. Nhiều người dân không nắm được thông tin, cũng tự tăng giá, khiến giá đất cao bất thường. Thực chất, việc giá đất tăng chỉ là hậu quả từ việc lướt sóng của một số đầu nậu đất đai, chứ không phải phải là nhu cầu thực về đất ở. Theo ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch UBND xã Vân Côn, đối với đất màu, năng suất nhất là trồng cải bắp thì mỗi năm cũng chỉ lãi 4-5 triệu đồng/sào; trồng ngô lãi 3-4 triệu, quá thấp. Trong khi đó, rất nhiều người ở nơi khác từng ngày đến hỏi mua đất ruộng để đầu cơ, chờ tăng giá, bán sang tay kiếm lời. Chính vì thế, việc mua bán đất diễn ra rất sôi động. “Nếu tôi có đất ruộng mà bán được giá cao thì tôi cũng bán. Dại gì mà không bán…” - Ông Quang nói. Theo thống kê của cán bộ tư pháp xã Vân Côn, trong năm 2009, cả xã này có 172 trường hợp thông qua xã làm thủ tục chuyển nhượng hoặc thế chấp, với diện tích hàng chục héc ta. Từ đầu năm đến nay, việc mua bán đất lại diễn ra sôi động hơn, với 83 trường hợp, diện tích cũng rất lớn. Đối tượng mua đất chủ yếu là các đại gia ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình... Trên thực tế, việc mua bán diễn ra nhiều hơn thống kê, vì theo quy định hiện hành, đối với đất nông nghiệp chưa được cấp bìa đỏ lâu năm thì không được chuyển nhượng. Do đó, người dân thường tự ý mua bán trao tay, không thông qua chính quyền. Cũng vì thế, vi phạm về đất đai ngày càng lớn. Ngay cả xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội), cách xa các trục đường lớn nhưng giá đất cũng đang tăng chóng mặt và vi phạm về đất đai cũng ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Thế Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang, cho biết: Giá đất ở đây đã tăng gấp hai lần, so với trước Tết. Trước Tết, đất lúa của làng Đồng Lư, người dân bán 150 triệu đồng/sào, thì nay đòi hơn 300 triệu đồng/sào...
Theo Tiền Phong

Đọc thêm