Đất và người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), thời gian qua, kinh doanh bất động sản (BĐS) tiếp tục chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành. Số lượng DN BĐS rút khỏi thị trường tăng cao, trên 40% so với cùng kỳ năm 2022, mức cao nhất trong 17 lĩnh vực, ngành nghề.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) trong báo cáo đưa ra đầu tháng 6 cũng đánh giá các DN địa ốc đồng loạt rơi vào trạng thái “như người sắp chết đuối”. Bộ Xây dựng trong các nhận định gần đây cũng chỉ ra, thị trường BĐS chưa hết khó khăn. Nguồn cung sụt giảm, các DN không bán được hàng, không có dòng tiền.

Một dữ liệu khác cũng cho thấy, đến cuối tháng 5, sức mua BĐS nhà ở lẫn nghỉ dưỡng đều giảm trên 95% so với cùng kỳ và tình trạng này kéo dài từ đầu năm 2023 đến nay. Trong khi đó, VARS cũng xác nhận, đến quý I, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường chỉ đạt khoảng 11% rổ hàng.

Báo cáo mới nhất của VARS đánh giá, thanh khoản yếu do nhiều nguyên nhân: Đại đa số người mua hụt dòng tiền khi kinh tế còn nhiều thách thức, lãi vay cao, “cửa tín dụng” khó vào, các dòng tiền nhàn rỗi vẫn trú chân ở kênh gửi tiết kiệm. Một yếu tố đáng lưu ý khác, là người mua mất niềm tin vào thị trường BĐS. Nói cách khác, BĐS mất thị trường.

Một thời gian nhiều năm, thị trường BĐS đã trở thành một “chiến trường” gây nhiều tổn thất cho Nhà nước, người dân, những DN làm ăn chân chính. Sự nhiễu loạn về giá cả, phương thức mua bán trao đổi đầu tư thậm chí có lúc tưởng như “nằm ngoài vòng kiểm soát”. Nhiều người từng cho rằng “không ngành nghề nào làm giàu nhanh và dễ dàng như đi buôn đất”. Thực tế, không ít người không nghề nghiệp chuyên môn, không nền tảng kiến thức tài chính, nhưng nhờ “chớp thời cơ”, trong một thời gian ngắn đã có trong tay rất nhiều tiền. Trong “cơn sốt” đất, hàng loạt vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đã diễn ra, làm rối loạn trật tự xã hội, kiện thưa ồn ào.

“Sốt đất” và lòng tham cũng đã dẫn đến những vụ án chấn động dư luận. Như một vụ án xảy ra ở phía Nam, chủ một DN tên tuổi được đánh giá có khối tài sản hàng chục ngàn tỉ, nhưng vẫn nhận “cầm cố” đất của chủ một DN khác, sau đó không trả lại và hiện đã bị bắt để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sự cuốn hút của cơn lốc “sốt đất” đã đẩy một số người từng một thời làm ăn chân chính, đầy uy tín trong xã hội, trở thành lầm lỗi.

Nhưng trong “cơn sốt” đảo điên ấy, vẫn có những câu chuyện ấm lòng người, những tấm gương đáng để học hỏi. Họ là những người lao động bình thường, những viên chức mẫn cán, nhưng luôn tâm niệm “không làm được việc lớn thì đóng góp việc nhỏ” vì cuộc sống an vui, hạnh phúc cho xã hội. Như câu chuyện của gia đình ông Đầy (69 tuổi), ở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước là một điển hình. Gia đình ông đã hiến 7.000m2 đất trị giá nhiều tỉ đồng, đồng thời tháo dỡ hai căn nhà 150m2 để mở đường giao thông. Từ tấm gương này, 60 hộ dân xung quanh đồng lòng hiến nhiều mẫu đất, trị giá nhiều tỉ đồng, để góp phần xây dựng công trình phúc lợi xã hội.

Trong một bài thuyết giảng trước nhiều ngàn phật tử, một Thượng tọa, Tiến sĩ nổi tiếng đã từng nói: “Không có đất nào là của người cả, chỉ có người là của đất thôi!”. Đó là một nhận định vô cùng đúng đắn. Đất là tài nguyên vô cùng quý giá, nhưng đừng vì lòng tham không đáy mà “thổi giá” và đảo điên chạy theo bằng mọi giá. Để rồi sẽ có lúc hoặc vướng lao lý, hoặc “chôn tiền vào đất”, hoặc “tán gia bại sản” vì đất; như một số vụ việc đã và đang xảy ra với một số người.

Đọc thêm