Đất và người Viêng Chăn qua lời kể một vị tướng

Nhận lời mời của Thiếu tướng Khăm-hỏm Xẻng-pua-lôm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào, tôi và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vinh dự được sang thăm, làm việc tại nước bạn Lào….

Nhận lời mời của Thiếu tướng Khăm-hỏm Xẻng-pua-lôm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thủ đô Viêng Chăn, CHDCND Lào, tôi và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vinh dự được sang thăm, làm việc tại nước bạn Lào….

Hiểu hơn  đất nước, con người Lào

Chương trình thăm và làm việc của chúng tôi được các bạn sắp xếp hết sức khoa học. Đoàn đi đến đâu cũng được các bạn dành cho sự đón tiếp trọng thị, tình cảm chân thành, thắm tình đoàn kết anh em. Thật hạnh phúc cho chúng tôi khi đích thân Thượng tướng Đuông-chay Phi-chít - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đón tiếp. 

Đất và người Viêng Chăn qua lời kể một vị tướng ảnh 1
Thiếu tướng Lê Hùng Mạnh được buộc nhiều chỉ cổ tay.

Thăm quan Bảo tàng quân sự nước CHDCND Lào, đọng lại trong chúng tôi những tình cảm rất sâu sắc, cảm động về sự thủy chung, keo sơn giữa nhân dân 2 nước Việt - Lào. 

Thay mặt Đoàn, tôi đã viết những dòng lưu niệm như sau: “Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vô cùng xúc động và khâm phục sự lãnh đạo tài tình của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đối với quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng Lào trong cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường để giành lại độc lập, tự do, dân chủ. Chúng tôi trân trọng truyền thống, sự đoàn kết keo sơn, gắn bó thủy chung của quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do thống nhất đất nước của hai dân tộc anh em Lào-Việt. Thế hệ chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ, phát huy và gìn giữ truyền thống thủy chung keo sơn của Đảng, Nhà nước và quân đội hai nước. Chúc cho tình đoàn kết nhân dân hai nước Việt Lào như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

"Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long
”.

Viêng Chăn ngày 450 tuổi

Tại Thủ đô Viêng Chăn tối 19/11 diễn ra lễ mít tinh, diễu hành trọng thể kỷ niệm 450 năm Thủ đô Viêng Chăn và 35 năm Ngày thành lập nước CHDCND Lào (2/12/1975 - 2/12/2010). Bầu trời Viêng Chăn hôm ấy rực sáng lung linh trong ánh pháo hoa và màn trình diễn đèn lade độc đáo.

Nhiều công trình văn hoá, kiến trúc đã được hoàn thành trước ngày hội lớn; trong đó, có tổ hợp công trình Công viên văn hoá Saysetthathirath, quảng trường Thạt Luổng và vòng xuyến 450 năm Viêng Chăn-một món quà đầy ý nghĩa của Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành tặng những người anh em Lào thuỷ chung, son sắt. 


Đại lễ kỷ niệm 450 năm thủ đô Viêng Chăn có nhiều lễ hội lớn như diễu hành kỷ niệm ngày dời đô từ Mường Xiêng Thoong (Luang Prabang) đến Viêng Chăn; Lễ rước tượng vua Saysetthathirath; Cuộc thi nhảy dù quốc tế diễn ra trong 3 ngày liên tục với 20 nước tham gia, trong đó có Việt Nam; Cuộc thi biểu diễn nghệ thuật dân gian toàn quốc lần thứ 3 với 17 tỉnh thành trong cả nước tham gia và nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc khác…

Sắc màu đất nước Triệu Voi

Người Lào sống rất thanh bình. Nhịp sống Viên Chăn không hối hả, xô bồ, 9 giờ tối các cửa hàng đã đóng cửa, 8 giờ sáng hôm sau mới mở.

Đất nước Triệu Voi, xứ sở hoa Chăm-pa còn có những sắc màu văn hóa độc đáo. Các bạn Lào đãi chúng tôi nhiều món đặc sản truyền thống của dân tộc, trong đó có món tép nhảy. Tép tươi được bắt từ sông Nậm Ngừm (huyện Sỉ Khộp, TP. Viêng Chăn) trộn với ớt, me chua, rau thơm úp trong một cái đĩa trong suốt. Suốt bữa ăn, những con tép cứ nhảy lách tách trông rất vui mắt.

Người Lào rất tình cảm, chạm cốc không ép để giữ gìn sức khỏe cho khách. Sau mỗi bữa ăn, các bạn lại băn khoăn “không biết món ăn có hợp với các đồng chí không để còn đổi món khác”? Phụ nữ Lào vẫn giữ được những lễ nghi, phong tục tập quán truyền thống. Mỗi lần khách về đều chắp tay chào, vẻ e ấp với cảm giác mình có lỗi và cái chắp tay như một lời xin lỗi làm cho chúng tôi rất cảm động.

Đã nghe nhiều về lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào nhưng đến khi được dự mới thấy nghi lễ tâm linh này cũng không khác mấy so với văn hóa Việt. Đồ lễ cũng có gà luộc để nguyên con, thầy mo làm lễ bằng tiếng Lào cũng khấn trời Phật mong cho mưa thuận gió hòa, mong cho chuyến công tác của chúng tôi thành công, an toàn trọn vẹn và chúc chúng tôi may mắn, hạnh phúc.

Rồi thày mo buộc chỉ cổ tay cho tôi và các thành viên trong đoàn. Tôi được buộc không phải một sợi chỉ mà nhiều sợi chỉ, sợi cho vợ, sợi cho con, sợi cho đại gia đình tôi... Các bạn Lào còn nhét vào túi áo của tôi rất nhiều trứng luộc mà về sau tìm hiểu tôi mới biết ngoài buộc chỉ cổ tay, người nào được tặng nhiều quà trong mâm cỗ là những người hạnh phúc nhất…

Lê Hùng Mạnh, Thiếu tướng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Đọc thêm