Quyết định 618 - vẫn chưa nhiều đột phá
Quyết định 618 quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; nguyên tắc xác định giá mua nợ; nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua.
Ngay sau khi Quyết định này được ban hành, nhiều người cho rằng đây là bước đột phá trong giải quyết nợ xấu của VAMC so với cách mua nợ xấu cũ, tức là VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ xấu thay vì tiền mặt.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS Phan Minh Ngọc, thực tế, Quyết định 618 về bản chất chỉ là văn bản pháp lý cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến mua nợ xấu theo giá thị trường, đã được quy định trong các văn bản pháp luật ban hành trước đó. Bao gồm: Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC; Nghị định 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 sửa đổi Nghị định 53; Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của NHNN về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC (Thông tư 19); Thông tư 14/2015/TT-NHNN ngày 28/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19 (Thông tư 14) và đính chính Thông tư 14…
Theo các văn bản này, VAMC mua nợ xấu theo 2 hình thức. Hình thức 1, mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành cho TCTD bán nợ xấu. Trái phiếu này có mệnh giá bằng giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả, khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu này. Hình thức 2, mua nợ xấu theo giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.
Theo IMF đánh giá, số nợ có vấn đề của Việt Nam hiện nay là hơn 12%, còn theo số liệu trong nước thì tổng nợ có vấn đề cần phải xử lý (gồm nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ cơ cấu theo Quyết định 780, nợ bán cho VAMC) khoảng 11% dư nợ toàn nền kinh tế. Báo cáo của NHNN cho biết, đến cuối năm 2015, tỷ nợ xấu của Việt Nam đã về mức dưới 3%.
Do Quyết định 618 chỉ đề cập đến việc xây dựng và triển khai Phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC nên có thể hiểu rằng việc mua bán nợ xấu của VAMC theo cách 1 nói trên vẫn được giữ nguyên, theo những quy định trong các văn bản pháp luật của Chính phủ và NHNN đã nêu.
Theo TS Ngọc, điều khác biệt đáng kể là Quyết định 618 có thêm một dòng: “Trường hợp xét thấy cần thiết, Công ty Quản lý tài sản tham khảo giá trị mua, bán các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm có tính chất tương đồng trên thị trường (nếu có) để xác định giá mua nợ”. Thông tư 19 và Thông tư 14 cũng có một điều khoản có nội dung tương đồng (Điều 34), nhưng chỉ là dành cho việc xác định giá bán nợ xấu, chứ không phải giá mua nợ xấu.
Theo vị chuyên gia này, Quyết định 618 nếu có điểm mới nào đó để có thể coi là “đột phá” trong việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam thì đó chỉ là việc cho phép VAMC được phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn (và kinh nghiệm định giá, xử lý các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường). Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài có mặn mà với điểm “đột phá” này hay không lại là chuyện khác, nếu họ vẫn thấy chưa có thị trường mua bán nợ minh bạch và hiệu quả ở Việt Nam để cho các khoản nợ mua về có thể bán ra dễ dàng và có lãi.
“Nợ” quy định về thị trường mua bán nợ
Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN hôm 29/4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà đã nhắc lại chủ trương thành lập thị trường mua bán nợ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ tháng 2/2013, đến tháng 12/2014, Thủ tướng tiếp tục có Thông báo 10055/VPCP yêu cầu trình ban hành khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ và tài sản. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 3 năm, NHNN và Bộ Tài chính vẫn chưa trình Chính phủ Dự thảo.
Tại hội nghị, ông Hà đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định về thị trường mua bán nợ và tài sản theo hướng gỡ bỏ tối đa các rào cản, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào thị trường mua bán nợ.
Chủ tịch BIDV cũng đề nghị cần có cơ chế đặc thù cho VAMC. Cụ thể: (i) có cơ chế riêng khi tiến hành các thủ tục pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm; được hợp thức hóa các tài sản chưa rõ ràng về pháp lý để xử lý/chuyển nhượng, tạo thanh khoản; (ii) được bán nợ, bán tài sản cho nước ngoài, các đơn vị, cá nhân không có chức năng mua - bán nợ; (iii) Bộ Tài chính nghiên cứu, trình ban hành quy định miễn giảm các loại thuế liên quan đến việc xử lý, phát mại tài sản bảo đảm (ví dụ như thuế thu nhập của cá nhân hoặc doanh nghiệp khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản), đặc biệt là các tài sản của các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Ngoài ra, Chủ tịch BIDV cũng đề nghị NHNN cần chỉnh sửa Quyết định 618 theo hướng mở rộng đối tượng được mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC, bao gồm cả các Công ty mua bán nợ của các TCTD (cùng với việc sớm ban hành Nghị định thị trường mua - bán nợ); đồng thời cho phép các TCTD cầm cố trái phiếu VAMC để vay vốn từ NHNN...
“… Nếu những vướng mắc về cơ chế, luật không được tháo gỡ thì việc thành lập thị trường mua bán nợ sẽ còn xa vời. Theo quy định, DN được phép mua nợ, nhưng nhiều cơ quan pháp luật lại cho rằng họ không được phép. Trong lúc này đang cần sự tham gia tích cực của DN. Tôi được biết có công ty đăng ký, nhưng Sở KH&ĐT không đồng ý với lý do chỉ có ngân hàng mới được phép thực hiện và đây là mảng kinh doanh có điều kiện. Vì thế, những DN thông thường không được phép tham gia mua nợ. Trong khi ở nước ngoài chỉ yêu cầu các DN phải tuân thủ tốt các quy định thì họ được thoải mái hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này… Do đó, để thị trường này đi vào hoạt động thì cần cơ chế đặc biệt để giải quyết, thậm chí chúng ta phải ban hành luật mới hoặc sửa luật…”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico