Dấu ấn Tư pháp

Năm cũ qua đi, năm mới mở ra với nhiều dự định. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, ngành Tư pháp có những đóng góp quan trọng. Một năm, nhìn lại, tư pháp và THADS đều đã nỗ lực và để lại nhiều dấu ấn, là tiền đề quan trọng để năm 2012 tiếp tục bứt phá, đạt nhiều thành tựu hơn...

Năm cũ qua đi, năm mới mở ra với nhiều dự định. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, ngành Tư pháp có những đóng góp quan trọng. Nói đến kết quả chung của toàn ngành là có sự góp sức của tư pháp, Thi hành án  dân sự  (THADS) địa phương. Mặc dù mỗi nơi là một điều kiện khác nhau, nhưng rất nhiều cơ sở đã biết tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn…

Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với tư pháp, THADS Nghệ An
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với tư pháp, THADS Nghệ An

Tăng cường về với vùng sâu

Những ngày cuối năm, trên vùng đất Điện Biên lịch sử, hoa ban đỏ nở rợp trời. Đồi chiến thắng A1 và nhiều danh thắng khác vẫn tấp nập khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Hòa chung với khí thế rộn ràng đón chào năm mới, ngành Tư pháp cũng đang triển khai công việc năm 2012. Với đặc thù là một tỉnh có đường biên dài, nhiều dân tộc cùng sinh sống, đặc biệt tình trạng di dân vẫn còn ở một số huyện vùng cao, công tác phổ biến giáo dục trên địa bàn được xem trọng.

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Đình Thu cho biết: Nếu như những năm trước đây, tư pháp phải chật vật vì công tác tuyên truyền luật thiếu thốn con người, kinh phí, một mình phải gánh nhiều việc thì nay đã có sự chung sức của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, các ngành cùng vào cuộc, pháp luật được đưa về với bà con bằng nhiều hình thức; trong đó, chú trọng đến việc sử dụng đội ngũ các già làng, trưởng bản những người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Riêng với dân cư dọc khu vực đường biên, ngoài tư pháp còn có công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, rồi hoạt động tuyên truyền của các Câu lạc bộ pháp luật. Đặc biệt, đến nay Điện Biên đã xây dựng được trên 1300 tổ hòa giải cơ sở với hơn 6 ngàn hòa giải viên, góp phần giữ bình yên cho thôn bản, hạn chế tranh chấp phải chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền.

Kế cận Điện Biên, Lai Châu là một tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, còn đang trong thời kỳ kiến thiết công sở và xây dựng các khu kinh tế. Tuy nhiên, tư pháp năm qua cũng đạt những kết quả đáng mừng, trong đó có công tác “gác cửa văn bản”. Từ năm 2004 đến nay, bình quân mỗi năm HĐND và UBND ban hành khảng 80 văn quy phạm pháp luật. Tỉnh cũng đã rà soát, tự kiểm tra 21.273 văn bản các loại do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/01/2004 đến 30/6/2011, trong đó có 701 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có chứa quy phạm pháp luật.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Xuân Phùng, công tác soạn thảo, ban hành, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật bước đầu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và thực tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong điều kiện còn bộn bề công việc của một tỉnh mới như hiện nay thì Tư pháp càng phải nỗ lực hơn trong lĩnh vực văn bản nói riêng và các lĩnh vực tư pháp nói chung, đóng góp cùng các cấp, ngành xây dựng một Lai Châu vững mạnh.

Tại khu vực miền Trung, năm qua, tư pháp Quảng Nam cũng gặt hái nhiều thành công trong công tác trợ giúp pháp lý lưu động tới đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Giao thông cách trở, đi lại khó khăn, địa bàn rộng, nhiều đối tượng thuộc diện nghèo, gia đình sách sách..vì thế tỉnh chủ trương mở rộng mạng lưới chi nhánh trợ giúp pháp lý và tăng cường các chuyến đi về cơ sở.

Đến nay, theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Quảng Nam, đã có 07 Chi nhánh đặt tại các huyện, hơn 100 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn với gần 300 cộng tác viên trên toàn tỉnh, trong đó hơn 100 cộng tác viên là các cán bộ đang công tác tại các xã, huyện ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, hoạt động phát huy hiệu quả. Trung bình mỗi tháng, Trung tâm tổ chức đi trợ giúp lưu động 5 đợt, cao điểm lên tới 7-8 đợt.

Năm 2011, Trung tâm đã tiến hành trợ giúp đến 90 xã của 18/18 huyện của tỉnh, chủ yếu là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đã thực hiện được gần 2 ngàn vụ việc về các lĩnh vực chính sách người có công cách mạng, dân sự, đất đai,… Năm 2012, Trung tâm xây dựng kế hoạch TGPL lưu động theo mô hình TGPL ngay tại cộng đồng dân cư, phấn đấu 2/3 số xã và thôn các huyện miền núi, hải đảo được hưởng chính sách TGPL của Nhà nước.

THADS: Nhiều chuyển biến bền vững

Còn nhớ, năm đầu tiên thực hiện Luật THA  dân sự, tổng kết công tác này, ngành THA  vẫn chưa yên tâm vì dù kết quả cao song “chưa bền vững”. Năm nay, nhìn vào kết quả THA  chung của toàn ngành, có thể thấy đã yên tâm hơn rất nhiều.

Báo cáo công tác THA và đặc xá năm 2011 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Năm 2011 tổng số việc toàn ngành phải thi hành là 632.545 việc, tăng hơn 17 ngàn việc so với năm 2010; đã thi hành xong gần 380 ngàn việc/ số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 88% (vượt chỉ tiêu 7%), tăng hơn 28 ngàn việc so với năm 2010; thu số tiền trên 10 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 76% so số tiền có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu hơn 15%).

Để đạt kết quả này, năm qua, ngành THA  địa phương đã nỗ lực một cách vượt bậc. Giống như một cuộc “vừa chạy vừa xếp hàng”, kiện toàn tổ chức đồng thời với giải quyết án tồn đọng, lo hoàn thành chỉ tiêu Bộ giao nhưng năm nay ngành THA Hưng Yên đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay: 94% về việc và 90% về tiền /số có điều kiện thi hành.

Sự quyết liệt trong công tác THA  thể hiện ở chỗ lãnh đạo Cục THADS tỉnh chỉ đạo đeo bám sát sao, đặc biệt trong công tác phân loại án, quyết không để án có thành không có điều kiện thi hành. Chấp hành viên từ tỉnh đến huyện được giao chỉ tiêu cụ thể, trường hợp nào không đạt chỉ tiêu sẽ nghiêm khắc, “truy” trách nhiệm đến cùng nguyên nhân và có hình thức xử lý. Cùng đó, tăng cường công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện THA, năm 2011, Hưng Yên chỉ phải cưỡng chế hơn 10 vụ, các vụ cưỡng chế diễn ra bảo đảm an toàn, được dư luận đồng tình, ủng hộ. 

 Cục trưởng THADS Hưng Yên Đặng Đình Quyền cho biết: Cục đã phát động 2 đợt thi đua cao điểm giải quyết án; biệt phái trong thời hạn 3 tháng đối với 14 chấp hành viên, công chức từ đơn vị ít án sang đơn vị có số lượng án phải thi hành lớn; thành lập 4 đoàn công tác trực tiếp cùng lãnh đạo các Chi cục rà soát, kiểm tra tới từng hồ sơ THA  để đôn đốc chấp hành viên tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành.

Là tỉnh địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn nhưng năm qua THA  Nghệ An cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nói về THA , Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng đã dành nhiều nhận xét tốt. Ông Hằng đánh giá: hệ thống tổ chức ngành THADS tỉnh được kiện toàn, lực lượng làm công tác THADS kịp thời được tăng cường cả về số và chất lượng; công tác phối hợp được tăng cường, hiệu quả THA được nâng lên rõ rệt, kết quả năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2011 đã có sự bứt phá, (92% về việc và 81% về tiền), giảm 15% án tồn đọng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn song năm nay, công tác THA  dân sự tỉnh Đồng Tháp cũng đạt được kết quả khá đồng đều. Theo Cục trưởng Bùi Văn Tấn năm 2011, 13/13 đơn vị đều đạt, vượt chỉ tiêu về việc, về tiền, kỹ năng dân vận trong công tác tiếp dân được tăng cường, kết quả giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt yêu cầu, tổ chức bộ máy, cán bộ của Cục và các Chi cục tiếp tục được củng cố, kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc được đẩy mạnh, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành thành công website Cục THADS...Năm 2012, toàn ngành THA Đồng Tháp quyết tâm tiếp tục đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, phục vụ dân tốt hơn.

Kết quả THA  cao  của toàn ngành không thể không kể đến 2 địa phương có số lượng việc và giá trị phải thi hành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số phải thi hành của toàn ngành là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (trên 17% về việc và gần 46% về giá trị). Trong năm, 2 thành phố này tiếp tục đạt kết quả cao và đều vượt chỉ tiêu được giao, góp phần duy trì bền vững kết quả chung của toàn Ngành.

Một năm, nhìn lại, tư pháp và THADS đều đã nỗ lực và để lại nhiều dấu ấn, là tiền đề quan trọng để năm 2012 tiếp tục bứt phá, đạt nhiều thành tựu hơn...

Thanh Nhàn

Đọc thêm