Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Có xóa được cơ chế xin - cho?

(PLO) - Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản  vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kỳ vọng sẽ xóa bỏ cơ chế xin - cho. Thay vào đó, tới đây các ông chủ mỏ muốn khai thác khoáng sản sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn và tham dự việc đấu giá một cách sòng phẳng với các đối thủ khác.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chậm... 
Sắt, metacacbonat, vàng, fluorit là nhóm khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho phép đấu giá quyền khai thác trong đợt 1 năm 2015 theo Quyết định số 411/QĐ-BTNMT ngày 14/02/2015. Các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản lần này gồm 4 khu vực: Sắt tại Khe Bằng, xã Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ); metacacbonat (đá ốp lát và đá cảnh) tại xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái); vàng tại Xà Khía (Lệ Thuỷ, Quảng Bình); fluorit tại Bình Đường (Nguyên Bình, Cao Bằng).
Thực ra quyết định này là sự cụ thể hóa Điều 79 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 về nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Nghị định số 22/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản được Chính phủ ban hành vào hồi đầu năm 2012. 
Theo nhiều chuyên gia, việc ban hành kế hoạch để lần đầu tiên thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản sau 3 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định, sau gần 4 năm từ lúc Luật Khoáng sản được ban hành là có phần chậm chạp khi mà khai thác khoáng sản vốn là vấn đề “nóng” tại nhiều địa phương. 
Dù chậm trễ về mặt thời gian nhưng quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá lần này ít nhiều cho thấy quyết tâm của Bộ TN&MT trong việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoáng sản phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường đúng theo quy định của Luật Khoáng sản và quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường; đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Để phiên đấu giá được thực hiện vào tháng 5/2015, Bộ TN&MT giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đấu giá. Theo đó, cơ quan này sẽ là đầu mối thông báo công khai danh mục các khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá, cũng như có trách nhiệm thông tin về những điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản và các thông tin về phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản. 
“Cởi trói” ?
Theo quy định của Chính phủ, các khu vực khoáng sản được lựa chọn đưa ra đấu giá phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Vì thế, những khu vực có khoáng sản quý một khi chưa được phê duyệt để đưa ra đấu giá thì  việc quản lý hết sức khó khăn do nạn “quặng tặc” hoành hành. 
Tại mỏ vàng ngàn tỷ Pác Lạng (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), do lâu nay chưa có cơ chế cho đấu giá nên UBND tỉnh này cứ loay hoay trong việc “chọn mặt gửi vàng”. Sau nhiều lần chuyển giao việc quản lý kim loại quý hiếm này cho nhiều đơn vị khác nhau nhưng không mang lại hiệu quả, cách đây hơn 1 năm, Công an huyện Ngân Sơn phải lập chốt chặn và bố trí 10 chiến sĩ công an thường trực tại đây để bảo vệ mỏ vàng. 
Thậm chí, số tiền ngân sách chi ra để bảo vệ mỏ vàng này hàng năm là trên 2 tỷ đồng, bằng 1/6 nguồn thu ngân sách năm qua của huyện Ngân Sơn. Lãnh đạo huyện này mong muốn sớm tìm được đơn vị mạnh cả về quản lý và tài chính để khai thác  mỏ vàng, tăng nguồn thu cho địa phương. 
Cao Bằng là 1 trong 4 tỉnh được chọn cho phép đấu giá quyền khai thác khoáng sản fluorit ở huyện Nguyên Bình trong đợt này. Theo ông Trần Hồng Thịnh - Giám đốc Sở TN&MT thì ngân sách chi cho quản lý và khai thác khoáng sản ở Cao Bằng hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cũng có nhiều đơn vị có nhu cầu tham gia khai thác khoáng sản, vì thế ông tin tưởng với việc cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu nộp ngân sách cho địa phương sẽ cao hơn.   
Tuy vậy, khi phiên đấu giá lần đầu vẫn chưa diễn ra thì chưa ai dám chắc đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để khắc phục được những yếu kém, bất cập trong việc quản lý khoáng sản ở nhiều địa phương lâu nay. Bởi thực tế, không chỉ thiếu các cơ chế quản lý minh bạch trong việc khai thác khoáng sản, việc xin-cho dễ dàng hay buông lỏng quản lý, thậm chí bảo kê cho nhiều đối tượng khai thác khoáng sản vô tội vạ mới là vấn đề khó giải quyết bởi thực trạng này không chỉ gây thất thoát tài nguyên mà còn để lại những hệ lụy không nhỏ về môi trường, an ninh trật tự ở địa phương.

Đọc thêm