Theo đó, Cty Núi Pháo có dự án tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hiện sản xuất ra 04 loại sản phẩm, gồm: vôn-fram, florit, bismuth và đồng. Doanh nghiệp cho rằng, đối với chế biến, tinh luyện đồng, để đầu tư nhà máy luyện quặng đồng thành đồng tấm nguyên chất (99,99%) thì cần phải đầu tư vốn lớn (khoảng 500 triệu USD), thời gian đầu tư xây dựng dài (5-6 năm) và không hiệu quả vì sản lượng hiện nay tại nhà máy bằng 10% công suất của lò luyện hiệu quả.
Do đó, công ty dự kiến sẽ ký hợp đồng gia công 5-10 năm với các công ty luyện đồng tại nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines) để thuê gia công, sau đó nhập khẩu về Việt Nam cung cấp cho các công ty trong nước hiện đang nhập khẩu 90% từ nước ngoài, là Cty Cơ điện Trần Phú và Cty Cadivi.
Về đề xuất này, trao đổi với PLVN, một chuyên gia ngành Tài chính – Hải quan nhận định, căn cứ quy định tại Điều 178 Luật Thương mại năm 2005, Điều 28 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tinh quặng đồng cho các công ty tinh luyện đồng nước ngoài để chế biến, tinh luyện, sau đó nhập khẩu lại sản phẩm đồng tấm (độ tinh khiết đạt 99,99%) để tiêu thụ trong nước là thực hiện theo loại hình đặt gia công ở nước ngoài.
Như vậy, thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 3 Thông tư số 13/2014/TT-BTC ngày 24/1/2014 (có hiệu lực từ ngày 10/3 tới), thay thế Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính. Chính sách thuế thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 100 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.
Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công cho phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu, khi nhập khẩu trở lại Việt Nam thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sau gia công (không tính thuế đối với phần trị giá của vật tư, nguyên liệu đã đưa đi gia công theo hợp đồng gia công đã ký; mức thuế nhập khẩu tính theo sản phẩm sau gia công nhập khẩu; xuất xứ của sản phẩm xác định theo quy định về xuất xứ của Bộ Công Thương).
Ngoài ra, theo vị này, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về chính sách mặt hàng, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của hoạt động gia công nêu trên, có văn bản cam kết toàn bộ sản phẩm nhập khẩu sau khi gia công được sản xuất từ nguyên liệu đã xuất khẩu theo hợp đồng gia công và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc cung cấp các chứng từ thanh toán tiền công, tài liệu kỹ thuật khi có yêu cầu.
Trước đó, hồi cuối tháng 8/2013, ông Dương Ngọc Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Cty Núi Pháo, Tập đoàn H.C. Starck, Tập đoàn Masan để nghe báo cáo về việc thành lập Cty liên doanh tinh luyện vôn-fram Núi Pháo – H.C.Starck.
Dự buổi làm việc có đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo HĐQT Tập đoàn Masan, Cty Núi Pháo và Tập đoàn H.C.Starck.
Theo báo cáo của lãnh đạo Cty Núi Pháo, dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo được thực hiện bởi chủ đầu tư là Tập đoàn Masan. Từ ngày 15/4/2013, dự án đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản mỏ và lắp đặt trang thiết bị máy móc.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản gắn liền việc chế biến sâu, Cty Núi Pháo đã ký thỏa thuận với Tập đoàn H.C.Starck của Cộng hòa Liên bang Đức để thành lập Cty TNHH Tinh luyện vôn-fram Núi Pháo – H.C.Starck.
Trong đó, Cty Núi Pháo nắm sở hữu cổ phần chi phối 51%. Nhà máy được xây dựng tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, công suất tinh luyện 10.000 tấn/năm, doanh thu khoảng trên 1 tỷ USD. Công ty được thành lập với mục tiêu tinh luyện vôn-fram, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế lãng phí tài nguyên do xuất khẩu thô, góp phần phát triển ngành công nghiệp luyện kim công nghệ cao tại Việt Nam.
Để công ty liên doanh tinh luyện vôn-fram Núi Pháo – H.C.Starck sớm được thành lập và đi vào hoạt động, đại diện các công ty đối tác đã đề xuất Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tỉnh Thái Nguyên có các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Ngọc Long nhấn mạnh: Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo là một công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Long đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh để triển khai các công việc liên quan đến thủ tục trong thời gian nhanh nhất; lãnh đạo các sở, ngành hướng dẫn và thực hiện các thủ tục cấp phép trong thời gian sớm nhất để công ty có thể đi vào hoạt động vào tháng 6 năm 2014.