Tuy nhiên Phó Giám đốc Vinancomin ông Nguyễn Văn Biên lại cho rằng lợi nhuận của ngành than, khoáng sản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thuế và phí đè nặng.
Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu sản xuất điện và than của Tập đoàn ước tính đạt 55.259 tỉ đồng, đạt 55% kế hoạch của năm và tăng 18% so với cùng kì 2013.
Cụ thể, doanh thu than đạt 54,1% kế hoạch năm, bằng 113% so với cùng kỳ năm ngoái; sản xuất và bán điện đạt 62,5% kế hoạch năm. Tập đoàn cũng đảm bảo việc làm cho hơn 126.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 6 tháng là 7,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2014 là phấn đấu doanh thu đạt trên 105.000 tỷ đồng; sản xuất 37,7 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 35 triệu tấn (trong đó xuất khẩu 8 triệu tấn, tiêu thụ trong nước 27 triệu tấn).
Để hoàn thành được chỉ tiêu, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, TGĐ Vinacomin, cam kết sẽ tập trung nhiều giải pháp thực hiện bằng được các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2014, đồng thời đảm bảo thực hiện Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Trong đó phải nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, hoàn thiện các công trình dang dở, đảm bảo an ninh năng lượng. Đặc biệt là tăng lương cho công nhân hầm lò từ 5-10%.
Mặc dù doanh thu lớn nhưng lợi nhuận của Vinacomin chỉ đạt 600 tỉ đồng. Ảnh: Vinacomin |
Tuy nhiên, theo tính toán lợi nhuận của Vinacomin chỉ đạt khoảng 600 tỉ đồng và mới đạt được 30% so với kế hoạch của năm.
Lãnh đạo vinacomin cho hay, nhiều loại thuế phí đang đè nặng ngành than, khoáng sản. Cụ thể, từ ngày 1/2 thuế tài nguyên đã tăng lên 2% làm cho ngành than phải chi thêm hơn 1000 tỉ đồng đóng thuế. Nhiều loại phí sử dụng tài nguyên, phí khai thác cũng đội lên 1000 tỉ đồng.
Trong khi đó giá than trong suốt 3 năm qua không tăng giá nên càng gây khó cho nguồn thu của Tập đoàn. Trước thực trạng đó lãnh đạo Vinacomin đề xuất nhà nước giảm các loại thuế phí để ngành than có vốn để đầu tư mở rộng khai thác, sản xuất.
Chủ tịch Vinacomin ông Lê Minh Chuẩn cho biết: “Thuế phí mà cứ cao như hiện tại chúng tôi không có vốn để đầu tư nữa”. Đồng thời ông Chuẩn kiến nghị lên Chính phủ vẫn cho xuất khẩu than cục sang Nhật Bản với giá 110 USD/ tấn, mặc dù không có lãi nhưng để tạo mối quan hệ hợp tác các dự án khác cùng Nhật Bản. Đây là nỗ lực mở rộng thị trường do việc xuất khẩu than sang Trung Quốc đã đóng băng.
Về dự án alumin Nhân Cơ, lãnh đạo Vinacomin cam kết đến năm 2015 sẽ đi vào hoạt động và cho những sản phẩm đầu tiên. Hiện tại, dự án đang có 200 lao động Trung Quốc sang làm việc.
Bộ Trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những gì mà ngành than đạt được trong 6 tháng đầu năm dù còn nhiều khó khăn.
“Ngành than phải tiếp tục nỗ lực, vững tay chèo vì than và điện đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nếu thiếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh tế khác như vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón, ngành điện, sinh hoạt của nhân dân…”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Vinacomin phấn đấu thực hiện quá trình tái cơ cấu, đẩy mạnh thực hiện các quyết định, các kế hoạch, đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính...
Vinacomin phải duy trì nguồn tài nguyên, duy trì sản lượng của ngành than trong những năm tới đây cũng như dài hạn. Việc thực hiện các dự án hợp tác với các nước bạn như Lào và Campuchia cũng cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp nhận những ý kiến về vướng mắc, khó khăn của ngành than và họp bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị lên Chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp./.