Dấu hỏi về chất lượng hàng hóa

Một nhà đầu tư đã 6 năm gắn bó với thị trường bức xúc phản ánh về tình trạng một số công ty vừa mới niêm yết trên sàn Hà Nội đã báo lỗ.
 

Một nhà đầu tư đã 6 năm gắn bó với thị trường bức xúc phản ánh về tình trạng một số công ty vừa mới niêm yết trên sàn Hà Nội đã báo lỗ.

Bên lề hội thảo "Nhận diện cơ hội đầu tư TTCK 2011" do CTCK Quốc tế và các đối tác tổ chức cuối tuần qua, một nhà đầu tư đã 6 năm gắn bó với thị trường bức xúc phản ánh về tình trạng một số công ty vừa mới niêm yết trên sàn Hà Nội đã báo lỗ.

Ông đặt ra câu hỏi về chất lượng hàng hóa và công tác thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp xin niêm yết, cũng như trách nhiệm của cơ quan tổ chức và quản lý thị trường trước tình trạng hàng hóa kém chất lượng được đưa vào sàn, làm giảm tính hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán.

Cổ phiếu kém chất lượng lên sàn, giá giảm, ít người mua. Việc giảm giá đó góp phần kéo chỉ số chung của thị trường đi xuống, làm các nhà đầu tư cũ nản lòng, còn nhà đầu tư mới e ngại.

CTCP Xây lắp và Phát triển dịch vụ bưu điện Quảng Nam là một ví dụ. Niêm yết cổ phiếu ngày 6/10, hơn nửa tháng sau, Công ty công bố báo cáo tài chính tính đến hết quý III/2010 lỗ 2,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2009, Công ty chỉ lãi 91,7 triệu đồng. Sau đó, giá cổ phiếu QCC của Công ty đã giảm từ 16.200 đồng xuống 7.000 đồng/CP.

Ngay khi cổ phiếu được niêm yết, cổ đông nội bộ trong Công ty đã đăng ký bán ra. QCC giải trình nguyên nhân thua lỗ như giá trị hợp đồng ký kết năm 2010 giảm khoảng 50% so với năm 2009, chi phí tài chính lãi vay tăng cao do không thu hồi kịp các khoản công nợ phải thu của khách hàng.…Một số doanh nghiệp khác cũng ở tình trạng tương tự, khiến các nhà đầu tư không khỏi bức xúc.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại hội thảo cho biết, doanh nghiệp nộp hồ sơ, đủ điều kiện thì phải cho niêm yết, không thể loại DN ra khỏi cuộc chơi khi họ đã đáp ứng được tiêu chuẩn của luật chơi. Nhà đầu tư thay vì trách cứ, hãy tỉnh táo để không mắc bẫy đầu tư các cổ phiếu kém chất lượng. Câu trả lời này khiến nhà đầu tư không khỏi ngậm ngùi, bởi nếu vậy thị trường chính thức có sự quản lý mà lâu nay chúng ta dày công xây dựng vẫn nằm ngoài sự kiểm soát.

Năm 2010 đã qua, trong báo cáo tổng kết của UBCK có đề cập số lượng công ty niêm yết gia tăng mạnh, đạt 623 công ty, thêm 168 công ty so với cuối năm 2009. Vốn hóa thị trường đạt 40% GDP, tài khoản đầu tư đã đạt con số 1,1 triệu tài khoản.

Nhưng bên cạnh những con số ấn tượng ấy lại là đánh giá: "Tính thanh khoản của thị trường rất thấp". Thực trạng thị trường đang đòi hỏi các nhà quản lý cần kiên quyết thực hiện mục tiêu tái cấu trúc, phân định thị trường trên cơ sở tăng điều kiện niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, hỗ trợ thị trường UPCoM và thiết lập bảng giao dịch qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Hai tháng cuối năm 2010, toàn thị trường có hơn 25 DN nộp hồ sơ niêm yết với tổng vốn điều lệ hơn 5.500 tỷ đồng. Công ty đại chúng cần được khuyến khích niêm yết để hoạt động minh bạch hơn, nhưng đã đến lúc cần nhanh chóng nâng chuẩn để thị trường thứ cấp phát triển về chất lượng, thay vì chạy theo số lượng. Yêu cầu này càng cần thiết khi TTCK đã trở thành nơi đầu tư của những người vừa có tiền, vừa có trí tuệ cao.

Theo Anh Việt
ĐTCK

CafeF

Đọc thêm