Đau lòng những án mạng từ... người điên

Địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng mà thủ phạm là những người bị tâm thần phân liệt, bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Thực tế trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người tâm thần gây án...

Địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng mà thủ phạm là những người bị tâm thần phân liệt, bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Thực tế trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người tâm thần gây án và cần có biện pháp quản lý, chăm sóc và giám sát chặt chẽ đối với người tâm thần.

Chồng tâm thần bỗng dưng sát hại vợ

Đến bây giờ, người dân xóm Đồi Bưng 2, Đông Lai, Tân Lạc, Hòa Bình  vẫn còn kinh hoàng vì vụ án chị Bùi Thị D bị chồng là Bùi Thế Chìu (SN 1981, trú tại địa chỉ trên) vô cớ sát hại dã man trong đêm. Chị D và Chìu cưới nhau được vài năm, đã có một con trai đầu lòng, cuộc sống nhìn chung có vẻ yên ả và hạnh phúc.

Khoảng 20h ngày 13/3/2011, khi đang ngủ, vợ Chìu kêu khát nước và nhờ chồng dậy lấy hộ cốc nước để uống. Chẳng nói chẳng rằng, Chìu đi ra bếp lấy nước rồi đưa cho vợ uống, trong lúc chị D đang nhổm người dậy thì Chìu đi ra nhặt một khúc gỗ bổ thẳng vào đầu vợ. Bất ngờ với hành động của chồng, chị D ôm đầu kêu cứu.

Chìu cầm cây gỗ đập liên tiếp vào vợ cho đến khi nạn nhân gục xuống không kêu cứu được nữa. Con trai thấy bố đánh mẹ thì sợ quá chạy xuống sân đứng khóc. Gây án xong, Chìu thản nhiên sang nhà hàng xóm kể chuyện vừa đánh chết vợ rồi nằm ngủ nhờ. Chị D được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do bị chấn thương hộp sọ, chấn thương não kín nên tử vong.

Cũng tại địa bàn huyện Tân Lạc xảy ra vụ án Bùi Văn Tiến (SN 1979) hại chết người vợ đang mang thai chỉ vì mâu thuẫn trong giải quyết ly hôn. Tiến và chị H cưới nhau được hơn một năm, chị H đang mang thai đứa con đầu lòng của hai người. Nhưng do Tiến “chập cheng” nên chị H không thể sống chung được với hắn và buộc phải đệ đơn ly hôn.

Ngày 9/6/2010, Tiến trở về ngôi nhà cũ của hai vợ chồng tại xóm Ổ Gà ngủ. Một lúc sau, chị H cũng đến để nói chuyện về việc sắp tới hai người sẽ ly hôn. Trong lúc nói chuyện, hai vợ chồng xảy ra xô xát, Tiến đứng dậy túm vai vợ và đẩy mạnh làm chị H ngã nằm ngửa ra sàn nhà. Sau đó, Tiến lấy dao đâm khiến chị H thiệt mạng cùng đứa con chưa kịp chào đời.

Con trai vô cớ sát hại cha già

Bị cáo Quách Văn Hợp (SN 1979) là con trai của ông Quách Văn Phơ (SN 1944) trú tại xã Bình Hẻm, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Hợp từng có vợ nhưng do thấy hắn dở dở ương ương nên cô vợ bỏ đi khi chưa kịp có con. Từ đó Hợp về sống cùng bố mẹ.

Ngày 21/8/2011, Hợp đang ở nhà một mình thì thấy bố đẻ là ông Phơ đi chơi về. Ông Phơ hỏi Hợp có cơm không, Hợp bảo chỉ có cháo để trên chạn bếp. Ông Phơ nói không ăn và luôn miệng kêu khổ vì Hợp tính tình ẩm ương, khó bảo. Sau đó ông Phơ nói Hợp đi rước thầy về cúng theo phong tục địa phương để chữa bệnh.

Hợp nói với bố để hôm sau nhưng ông Phơ không chịu nên hai bố con cãi nhau. Ông Phơ bảo con trai “Mày rồ à?”. Cho rằng bố xúc phạm mình, Hợp đi vào góc nhà lấy một chiếc búa bổ vào ông Phơ, khiến ông tử vong.

Cũng tại huyện Lạc Sơn, trước đó xảy ra vụ án Bùi Văn Tuyền (SN 1982) dùng dao truy sát anh Quách Văn Dửng cùng xóm. Khi anh Dửng bốc tre lên xe ô tô đi qua đường liên xóm, qua nhà Tuyền mà không chịu nộp 10.000 đồng tiền lệ phí qua đường (do Tuyền yêu cầu), Tuyền vác dao truy sát khiến anh Dửng gục xuống.

Chém anh Dửng xong, Tuyền tiếp tục vác dao sang chém anh Thạnh hàng xóm vì trước đây có mâu thuẫn với hắn trong việc vay tiền. Hậu quả là anh Thạnh tử vong, anh Dửng bị tổn hại 42% sức khỏe.

Được khoan hồng do có nhược điểm về tâm thần

Trong các vụ án trên, kẻ gây án đều là người có nhược điểm về tâm thần. Vậy nên sau khi có quyết định bắt buộc chữa bệnh của cơ quan chức năng và xác định thấy không còn dấu hiệu tâm thần hoặc tình trạng tâm thần hiện tại đã ổn định, TAND tỉnh Hòa Bình mới đưa các vụ án ra xét xử.

Các bị cáo đều có điểm chung là bị tâm thần phân liệt, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhưng vẫn có năng lực trách nhiệm hình sự. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ không kiềm chế được mình, các bị cáo đã tước đi mạng sống trái pháp luật của người thân trong gia đình, của bạn bè, hàng xóm; cần có bản án và hình phạt nghiêm khắc tương xứng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà các bị cáo đã thực hiện.

Chính nhờ tình tiết có hạn chế về mặt tâm thần nên tùy theo mức độ của hành vi mà ít nhiều mức án phạt mà các bị cáo phải nhận cũng được giảm nhẹ. Trong đó, người bị tuyên phạt nặng nhất là bị cáo Bùi Văn Tuyền bị tuyên phạt 20 năm tù, bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất là Quách Văn Hợp bị tuyên phạt 5 năm tù cùng về tội “Giết người”.

Trầm Hương

Đọc thêm