Đầu năm đến với những ngôi chùa hút khách bốn phương ở Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ chùa đầu năm là một hoạt động tâm linh, gắn liền với đạo Phật đã trở thành một nét đẹp văn hóa mà dân gian gìn giữ và lưu truyền trong suốt ngàn năm qua. Trong tâm thức người Việt, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, cầu may mắn, bình an cho gia đình trong năm mới, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, tìm về chốn bình an, thanh tịnh.
Nhiều du khách thập phương đến thăm và lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang.
Nhiều du khách thập phương đến thăm và lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang.

Chùa ở Bắc Giang khá nổi tiếng bởi đây là một trong những vùng đất linh thiêng, hội tụ nhiều ngôi chùa cổ với tuổi đời hàng trăm năm. Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc, không gian cổ kính, sự uy nghiêm, những ngôi chùa ở Bắc Giang thu hút khách thập phương đến thăm còn là giá trị lịch sử làm nên tên tuổi các ngôi chùa.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Ngôi chùa nghìn năm tuổi

Chùa Vĩnh Nghiêm có lịch sử nghìn năm tuổi, được xem như là trường Phật giáo đầu tiên của Việt Nam gắn với dòng Thiền Trúc Lâm danh tiếng. Chùa Vĩnh Nghiêm sở hữu một kho mộc bản quý giá với 3050 ván khắc kinh đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 5/2012.

Chùa nằm tại thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dùng của Bắc Giang với diện tích khoảng 1ha, tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy". Toàn bộ khối kiến trúc chùa rộng lớn, khang trang này tựa lưng vào ngọn núi Cô Tiên làm hậu chẩm, tiền án là ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hội lưu của sông Thương và sông Lục Nam, hai bên tả hữu là cánh đồng xanh tốt và khu dân cư trù mật. Nơi đây vừa là địa điểm chiến lược về mặt quân sự, vừa là nơi tụ thủy, tụ nhân, địa linh nhân kiệt.

Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam. Gác chuông gồm 2 tầng 8 mái có kiến trúc thượng thu, hạ thách mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tầng trên có sàn gỗ, giữa treo một quả chuông lớn được đúc năm Minh Mệnh thứ 11 (1830). Mặc dù Gác chuông chùa Vĩnh Nghiêm có diện tích kiến trúc nhỏ nhất nhưng lại có chiều cao cao nhất, trội hẳn lên so với các công trình kiến trúc khác. Vườn tháp chùa Vĩnh Nghiêm hiện gồm có 9 tháp. Các bảo tháp này được xây gạch, bắt mạch, để mộc, là nơi đặt xá lỵ của các sư tổ kế thế trụ trì ở chùa.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14/2 âm lịch hàng năm.

Với những giá trị tiêu biểu, chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1964.

Chùa Bổ Đà - Di tích kiến trúc nghệ thuật

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay. Tương truyền chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và trở thành nổi tiếng vào thời Lê Trung Hưng, khi đó vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái 1720 - 1729, có vị quan tên là Phạm Kim Hưng quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, Hà Tây (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), sau khi từ quan về quê lập nghiệp đã vân du đến vùng đất Bổ Đà, nghe các cao tăng giảng đạo và khi đắc đạo, ông đã đem tất cả bổng lộc có được trong thời kỳ làm quan đem ra để trùng tu, mở mang di tích và chọn đây là nơi đào tạo các tăng đồ của thiền phái Lâm Tế.

Chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn, thuộc thiền phái Trúc Lâm với lối kiến trúc nội thông, ngoại bế gồm 100 gian liên hoàn. Nổi bật ở đây là những bức tường cổ có từ thế kỉ thứ XI, một vườn tháp chùa bằng gạch nung với khoảng 100 ngôi tháp và lưu giữ đến 2000 mộc bản kinh Phật đã được công nhận là bảo vật của quốc gia. Nơi đây là một danh lam cổ tự nổi tiếng với vẻ đẹp rêu phong và cổ kính, khung cảnh khiến du khách say mê khi ghé thăm.

Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa nhiều lần tu bổ, tôn tạo song vẫn giữ được những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp. Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà được tổ chức hàng năm trong 03 ngày từ 16 - 18/2 âm lịch.

Với những giá trị tiêu biểu, năm 1992 chùa Bổ Đà được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Phúc Quang

Đây là ngôi chùa cổ, được thành lập từ năm 1723 dưới thời vua Lê Cảnh Hưng, hướng chính Nam, được xây dựng bởi một vị sư có quê gốc ở Tiên Lục, Lạng Giang, ngài chính là Tổ sư ngự trên Tam bảo.

Chùa có 35 gian, thiết kế theo lối kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”. Toàn bộ phần tiền đường, hai dãy hành lang và gác chuông nối lại thành hình chữ Quốc, phần còn lại là tòa thiêu hương nối với thượng điện thành hình chữ Công. Chùa có khoảng 90 pho tượng cổ quý giá. Nếu đứng giữa chùa quan sát, chiêm ngưỡng các pho tượng cổ, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước nghệ thuật tạc tượng hết sức điêu luyện, tinh xảo của các tiền nhân. Với những giá trị quý giá ấy, năm 1989, chùa Phúc Quang được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Đặc biệt, nơi này được gọi là ngôi chùa không sư bởi hầu như ở đây không có sư sãi. Người dân địa phương truyền miệng rằng đã có nhiều vị sư tới đây thấy cảnh trí nơi này tuyệt đẹp đã muốn ở lại, nhưng sau khi khấn vái thì đều lẳng lặng rời đi.

Đến nay người ta vẫn không biết nguyên nhân của sự kỳ bí này, tuy nhiên người dân vẫn có một lòng tin tuyệt đối về sự linh thiêng của chùa Phúc Quang, bằng chứng rõ rệt nhất là qua bao nhiêu năm chiến tranh nơi này vẫn luôn được giữ nguyên vẹn.

Chùa Thổ Hà

Chùa Thổ Hà có tên là Đoan Minh Tự, được nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa 1996. Chùa nằm ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Trì, Bắc Giang và được xây dựng với kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc.

Quy mô chùa bao gồm cổng tam quan, gác chuông, tiền đường. Phía bên trong chùa có hai bức tượng linh thiêng là Phật Như Lai lớn và tượng Phật bà Quan Âm tọa trên tòa sen.

Đến thăm chùa Thổ Hà du khách có thể kết hợp thăm quan ngôi làng cổ Thổ Hà với những nét kiến trúc, văn hóa đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống xưa như làm bánh tráng, nấu rượu, làm gốm.

Chùa Kim Tràng

Chùa Kim Tràng nằm ở thôn Kim Tràng, xã Việt Lập, huyện Việt Yên. Theo tương truyền, chùa Kim Tràng do một vị sư của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gây dựng nên. Chính vì vậy, tại đây người ta lập bàn thờ vị tổ sư này và thường tổ chức một lễ hội lớn vào ngày giỗ của tổ sư là 12 tháng giêng hằng năm với rất nhiều hoạt động văn hóa độc đáo.

Kiến trúc của chùa Kim Tràng cũng rất đẹp mắt mang những nét đặc trưng của chùa cổ Bắc bộ như mái ngói cong, hoa văn rồng, cửa sổ tròn... Chùa có rất nhiều bức tượng Phật được sơn son thếp vàng uy nghi và rực rỡ.

Hiện nay, toàn bộ khu chùa gồm có nhà khách, tiền đường tam bảo, hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà tăng ni, vườn tháp, ao, hồ, sân gạch… Hệ thống tượng Phật hầu hết được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Các pho tượng của chùa được bài trí giống như Phật điện chùa Vĩnh Nghiêm. Khu nhà tổ gồm bảy vị sư tổ kế thế ở chùa. Các tổ được tạc ở dạng chân dung trong tư thế tọa thiền tĩnh.

Năm 1991, chùa Kim Tràng được công nhận là di tích lịch sử nghệ thuật.

Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng

Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng tuy có tuổi đời còn khá mới, nhưng đã dần trở thành điểm du lịch tâm linh được du khách trong và ngoài nước ưa thích.

Ngôi chùa này được xây trên lưng chừng núi Vua, địa điểm cao nhất trên dãy Nham Biền. Nơi đây có thiết kế rất ấn tượng và được bố trí trên một trúc hướng Tây Nam với tổng cộng là 15 công trình xây dựng khác nhau, từ cổng Tam quan đến chánh điện, nhà tổ, tăng đường, gác chuông, thiền đường.

Đọc thêm