Đầu năm học mới: Có tránh được lạm thu?

Ngày 11-8, trả lời về biện pháp ngăn chặn các khoản lạm thu đầu năm học mới, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngành giáo dục sẽ có hướng dẫn cụ thể về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có vấn đề về các khoản thu chi đầu năm.
Chuẩn bị bước vào năm học mới, Hà Nội vẫn chưa triển khai mức học phí mới như ở một số tỉnh thành khác trên cả nước. Ngày 11-8, trả lời về biện pháp ngăn chặn các khoản lạm thu đầu năm học mới, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngành giáo dục sẽ có hướng dẫn cụ thể về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có vấn đề về các khoản thu chi đầu năm.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội

Năm học mới sắp bắt đầu, Hà Nội quy định như thế nào về các khoản thu đối với học sinh các cấp?

- Năm học này, học sinh vẫn được áp dụng các khoản thu như quy định trong năm học trước theo các văn bản hiện hành của Hà Nội, Hà Tây cũ và Vĩnh Phúc (đối với những địa phương đã sáp nhập) trong khi chờ đề án học phí mới sắp được trình HĐND thành phố. Ngoài ra các trường không đặt ra bất kỳ khoản thu nào. Các khoản đóng góp tự nguyện sẽ được thực hiện theo điều lệ của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Vậy năm nay Hà Nội có biện pháp nào để ngăn chặn nạn lạm thu?

- Về các khoản đóng góp tự nguyện, hiện chúng tôi đã tập trung nghiên cứu xem làm thế nào để đảm bảo đúng tính chất tự nguyện. Theo tôi, hiện nay chỉ có cách duy nhất là phụ huynh ký vào văn bản về các mức đóng góp của mình là cách tối ưu nhất. Khi đã ký vào văn bản tự nguyện đóng góp thì chịu trách nhiệm với chữ ký của mình trên tinh thần chia sẻ với ngành giáo dục giải quyết những khó khăn của ngành. Thực hiện điều này cũng có nghĩa là phụ huynh đã thực hiện đúng chức năng của mình trong điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nên chăng Hà Nội cần có hướng dẫn hay đưa ra quy định khung về quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh để cha mẹ học sinh có căn cứ  để đóng góp?

- Sở cũng đang xây dựng văn bản hướng dẫn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó, nhiệm vụ của họ không chỉ là thu tiền mà còn rất nhiều hoạt động khác như phối hợp giáo dục học sinh yếu kém, chậm tiến, tổ chức các chuyên đề về giáo dục nếp sống trong học sinh.

Được biết Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức gặp mặt trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trước năm học mới?

- Chúng tôi sẽ triển khai với các ngành học. Hội nghị với trưởng Ban đại diện hội cha mẹ học sinh các khối THPT, THCS, tiểu học sẽ được tổ chức ở từng quận, huyện để có sự thống nhất về việc thu chi cũng như tổ chức các hoạt động hỗ trợ giáo dục khác.
Ban đại diện cha mẹ học sinh cần giúp phụ huynh nắm rõ các khoản đóng góp đầu năm
Đến thời điểm này hướng điều chỉnh học phí của Hà Nội sẽ như thế nào? - Chúng tôi đang điều chỉnh mức học phí mới theo các nguyên tắc kế thừa văn bản trước, đảm bảo khung học phí theo quy định, không vượt quá khả năng chi trả của người dân và quan tâm chế độ chính sách với học sinh khó khăn, địa phương vùng sâu vùng xa. Chúng tôi muốn chia nhỏ đối tượng để đảm bảo sâu sát đến từng đối tượng cần hỗ trợ, miễn giảm học phí nhưng nhiều tổ chức xã hội góp ý rằng việc phân chia nhỏ sẽ rất khó xác định, khó thực hiện, nên dẫn tới chỉ có thể chia thành đối tượng ngoại thành và nội thành nên phải nghiên cứu mức thu nào không quá cao, quá thấp, trung hòa giữa các đối tượng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh sẽ có lộ trình, không gây đột biến lớn. Từng năm một sẽ có mức điều chỉnh theo điều chỉnh giá cả mà Bộ Kế hoạch-Đầu tư công bố, nên hàng năm HĐND thành phố sẽ họp để quyết định mức học phí mới và theo lộ trình tăng dần. Dự kiến cuối năm thì mức học phí mới sẽ được trình HĐND thành phố.Với mức học phí mới liệu có tránh các khoản thu khác trong các trường? - Chúng tôi cố gắng mức thu không quá 1,5 đến 2 lần, đồng thời tăng định mức ngân sách trên đầu học sinh. Ngân sách và khoản thu học phí sẽ là nguồn thu đủ để chi cho các hoạt động trong nhà trường. Còn với một số hoạt động khác ngoài nhà trường, hoạt động với một số đối tượng học sinh có nhu cầu khác thì có thể có cơ chế riêng, cá biệt có những em muốn học 2 buổi/ngày có thể phải có thêm một số khoản đóng góp để hỗ trợ hoạt động học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, các mức chi ngân sách trên đầu học sinh hiện nay là 1.380.000 đồng với THPT, 1.750.000 đồng với THCS, tiểu học là 1.350.000 đồng thì sẽ được đề xuất với mức dự kiến trên 2 triệu đồng/học sinh. Riêng với tiểu học có gặp khó khăn là không có khoản hỗ trợ thu 10.000 đồng/học sinh nên chắc chắn chúng tôi phải đề xuất nâng mức chi ngân sách cho học sinh tiểu học cao hơn so với các cấp học khác.
Theo Vinh Hương
ANTĐ

Đọc thêm