Người nhận tiền để nâng điểm đã khai báo và nộp số tiền đó cho cơ quan điều tra song những người đưa tiền được nêu đích danh lại chối bỏ chuyện đó. Người tác động trực tiếp để cấp dưới nâng điểm thì bao biện rằng mình được “nhờ vả” và chỉ là “xem trước điểm” mà thôi.
Tuy nhiên, mọi việc đã rõ ràng đến thế thì tất cả những sự phủ nhận chỉ là “lời nói dối trơ trẽn” trước dư luận mà chẳng ai có thể tin cả. Việc nâng điểm cho một số đối tượng có địa chỉ và gia thế “đáng tin” bằng chức vụ và tiền của của cha mẹ họ, sửa bài, chữa điểm được thực hiện “có tổ chức”, “đúng quy trình” như vậy cùng động cơ đã rõ như ban ngày thì làm sao mà che đậy và chối bỏ một sự thật như thế được?
Cốt lõi của vấn đề là không có sự trung thực nào ở đây khi khởi đầu vụ việc đã là sự gian dối, người thực hiện các hành vi gian dối thì vẫn tiếp tục gian dối để lẩn trách trách nhiệm việc gian dối mà họ gây ra. Trong trường hợp này họ thua đạo lý của bọn ăn cắp ở chỗ “có gan ăn cắp, có gan chịu đòn”!
Dù sao, sự thiệt hại lớn nhất đối với xã hội không phải là pháp luật bị xâm phạm mà là niềm tin bị đánh cắp và sự gian lận lên ngôi – không chỉ là trong lĩnh vực thi cử mà cả nền giáo dục của chúng ta. Phẩm chất “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” được dạy dỗ cho trẻ em khi chúng vừa bước chân vào nhà trường được thực hiện bằng những hành vi gian dối của người lớn đã khiến cả một thế hệ biến thành những kẻ đạo đức giả. Đó mới là sự thiệt hại lớn nhất, làm sụt lở nền tảng đạo lý làm người, mầm mống làm khởi phát sự đảo điên, lừa lọc, dối trá xuất hiện nhan nhản trong xã hội hiện tại ngay cả ở tầng lớp được coi là ưu tú.
Bên cạnh đó và trái ngược lại là những hành vi biểu hiện sự trung thực và sự tử tế của một số người thuộc tầng lớp lao động, nghèo khó. Đó là việc hai người thợ nề cạy phá tảng bê tông trên đường vì e ngại nó sẽ gây tai nạn giao thông hoặc những người nhặt được tiền, vàng, đô la, đồ vật,... tìm cách trả lại người đánh rơi hay bỏ quên. Cũng không ít người dám hy sinh rất nhiều thứ cả về vật chất lẫn tinh thần để phanh phui những việc làm gian dối, đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực xã hội.
Chúng ta hãy thẳng thắn nhìn vào một thực trạng xuống cấp nghiêm trọng đạo đức của một bộ phận xã hội để tìm cách duy trì và gia cố nền tảng đạo lý, nêu cao phẩm chất trung thực ở mỗi con người, đối xử với nhau bằng sự tin tưởng chứ không để cho sự nghi kỵ trở thành phương châm xử sự. Đó là cốt lõi cho một xã hội bình yên.