Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng: Đầu tư cho an sinh xã hội
|
Đột phá chính sách tiền lương
Dự thảo Báo cáo chính trị đã thẳng thắn nhìn nhận: “Chính sách tiền lương, thu nhập không động viên được cán bộ, công chức, người lao động gắn bó, tận tâm với công việc. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn”.
Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu; điều chỉnh hệ số lương trong hệ thống thang, bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; hằng năm Nhà nước đều tăng ngân sách để chi lương. Song đến nay, tiền lương vẫn chưa thực sự trở thành động lực nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả của nền hành chính và là nguyên nhân của tình trạng “chân trong, chân ngoài”, “chảy máu chất xám”, tham nhũng... cùng nhiều vấn đề hệ lụy khác. Đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phụ thuộc chủ yếu vào tiền lương gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với đối tượng xã hội hưởng chế độ, chính sách mà tiền lương tối thiểu làm cơ sở tính toán. Đây là một trong những vật cản lớn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện an sinh xã hội của đất nước trong thời gian qua.
Ngoài giải pháp khắc phục chính sách tiền lương mà dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu, thời gian tới, cần quan tâm một số vấn đề: Trước hết, phải phá thế cào bằng tiền lương trong cán bộ, công chức hiện nay. Để khắc phục điều này, cần chuyển việc trả lương chỉ căn cứ “đầu vào” như: bằng cấp, thâm niên, chức vụ sang vừa căn cứ “đầu vào”, vừa căn cứ “đầu ra” - hiệu quả công việc.
Đồng thời, cần gắn đổi mới cơ chế tiền lương với việc cắt bỏ những công việc mà đúng ra Nhà nước cần nhường cho thị trường, tức một số lĩnh vực không cần thiết Nhà nước phải bao cấp. Cần mạnh dạn cắt giảm tối đa biên chế, tài chính đối với các lĩnh vực này, thực sự giữ lại một số ít đơn vị sự nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của Nhà nước; tiến đến loại bỏ dần cơ chế chủ quản đối với đơn vị sự nghiệp. Như vậy, bộ máy, đội ngũ sẽ tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, tiền lương theo đó cũng sẽ cao hơn.
Đầu tư giảm nghèo bền vững
5 năm qua, Việt Nam được thế giới biết đến là đất nước khá thành công trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo chính trị đã nghiêm túc phê bình: “Xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo cao”. Vì sao như vậy?
Ngoài các nguyên nhân mà Dự thảo Báo cáo chính trị đề cập, phải nói rằng nguyên nhân cơ bản là chính sách giảm nghèo mới chỉ tác động đến người nghèo, nghĩa là họ đã nghèo thì chúng ta mới giúp, chứ chưa chú trọng đến giải pháp phòng ngừa nguy cơ rơi vào nghèo đói. Hơn nữa, trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thời gian qua, việc lồng ghép tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác chưa hiệu quả.
Để giảm nghèo bền vững, cần phải đổi mới quản lý và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo theo hướng chú ý đến những người cận nghèo, dễ dẫn đến nghèo; mở rộng độ bao phủ của chính sách phải bao trùm hết các nguyên nhân dẫn đến nghèo. Để giảm nghèo bền vững, vấn đề đặt ra là cần nâng chuẩn nghèo, nhưng phải đi liền với chính sách đối với người đặc biệt nghèo, sống dưới mức tối thiểu; thực hiện lồng ghép với các chương trình khác; coi trọng đầu tư dạy nghề, dự án giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách giảm nghèo phải tính đến đặc thù của người nghèo nông thôn, người nghèo đô thị, tránh cùng một chính sách chung chung như hiện nay; đồng thời nghiên cứu xây dựng chương trình khuyến khích làm giàu...
VĨNH AN (ghi)